Thái Lan cắt điện vùng biên giới Myanmar nơi các tổ chức lừa đảo hoạt động
Đài CNN đưa tin vào ngày 5.2, Thái Lan tiến hành cắt nguồn cung điện cho 5 điểm biên giới Myanmar, nơi tập trung nhiều tổ chức lừa đảo trực tuyến toàn cầu.
Sự kiện cắt điện được phát sóng trực tiếp trên truyền hình với sự tham gia của Bộ trưởng Nội vụ Thái Lan Anutin Charnvirakul. Ông cho biết đây là quyết định của Hội đồng An ninh quốc gia nước này, không phải vì đơn vị mua điện bên Myanmar vi phạm hợp đồng mà do nguồn điện bị sử dụng cho hoạt động lừa đảo và buôn ma túy.
“Giờ đây không ai có thể cáo buộc Thái Lan hỗ trợ hoạt động phi pháp nữa”, Bộ trưởng Charnvirakul nhấn mạnh.
![Thành phố Shwe Kokko nằm tại biên giới Thái Lan - Myanmar - Ảnh: CNN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_06_287_51408193/2b8c7e9f41d1a88ff1c0.jpg)
Thành phố Shwe Kokko nằm tại biên giới Thái Lan - Myanmar - Ảnh: CNN
Theo trang UCA News, đường truyền tại 2 điểm trên địa bàn Mae Sai, 2 điểm trên địa bàn Mae Sot, 1 điểm trên địa bàn đèo Three Pagodas vừa bị cắt. Điện bán cho Myanmar qua 5 khu vực đem lại cho Thái Lan khoảng 50 triệu baht (1,5 triệu USD) mỗi tháng.
CNN xác định thị trấn Myawaddy nằm trên bờ sông chia cắt Thái Lan - Myanmar mất điện. Nơi đây rất gần trụ sở của một số tổ chức lừa đảo lớn nhốt hàng nghìn người, lợi dụng nguồn cung điện cùng dịch vụ viễn thông đáng tin cậy của Thái Lan.
Một tổ chức phi chính phủ tiết lộ tính đến chiều cùng ngày vẫn có ít nhất một tổ chức lừa đảo duy trì hoạt động. Không rõ các tổ chức khác có chịu ảnh hưởng hay không.
Động thái cắt điện diễn ra khi Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra sang Bắc Kinh hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chương trình nghị sự giữa hai nhà lãnh đạo chắc chắc có vấn đề lừa đảo trực tuyến, sau vụ việc nam diễn viên Trung Quốc Vương Tinh trở thành nạn nhân. Lừa đảo trực tuyến khiến Thái Lan mất lượng lớn du khách quốc tế.
Tổ chức lừa đảo phát triển mạnh mẽ tại Myanmar do nước này hỗn loạn từ khi quân đội đảo chính năm 2021. Nghe lời dụ dỗ việc nhẹ lương cao, người từ khắp nơi bị bắt giữ trái phép và phải tiếp tay thực hiện kế hoạch lừa đảo trực tuyến trong các khu nhà được canh gác nghiêm ngặt. Tra tấn là chuyện thường xuyên.
Các tổ chức lừa đảo thường chọn biên giới Myanmar - Thái Lan đặt trụ sở vì nơi đây thuộc quyền kiểm soát của nhiều nhóm vũ trang nổi dậy, chính quyền quân sự Myanmar không thể quản lý. Phó Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai xem lừa đảo là vấn đề an ninh quốc gia cần gấp rút xử lý.