Thái Lan điêu đứng vì 140 quán bar và hộp đêm

Hầu hết số ca nhiễm mới đều có liên quan đến các quán bar và hộp đêm trên khắp cả nước. Số lượng người di chuyển tăng mạnh trong dịp lễ truyền thống cũng đẩy nhanh tốc độ lây lan.

Ngày 12/4, Thái Lan báo cáo 985 ca mắc Covid-19 mới. Đây là số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất mà nước này từng ghi nhận kể từ khi đại dịch tấn công. Các quan chức y tế cho biết con số kỷ lục phần lớn liên quan đến các cơ sở giải trí đêm trên khắp cả nước, theo Washington Post.

Họ cũng lo ngại số ca nhiễm mới có thể cao hơn nhiều sau kỳ nghỉ tết cổ truyền của Thái Lan trong tuần này.

Những diễn biến trên phủ bóng lên ý định mở cửa trở lại để đón du khách từ mùa hè này của Thái Lan, với thí điểm đầu tiên ở Phuket. Các chuyên gia cảnh báo Thái Lan không nên bất chấp tình hình mà mở cửa, để tránh trở thành điểm "siêu lây nhiễm" cho cả thế giới.

140 bar và hộp đêm là nguyên nhân

Trung tâm Quản lý Tình huống Covid-19 (CCSA) cho biết trong số 985 ca nhiễm mới, tỉnh Chiang Mai dẫn đầu với 246 trường hợp, tiếp theo là Bangkok (137) và Chon Buri (92), theo Bangkok Post.

Trước đó, ngày 11/4, Thái Lan cũng ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày ở mức kỷ lục, với 964 trường hợp.

Phó cục trưởng Cục Kiểm soát dịch bệnh Thái Lan Sophon Iamsirithaworn cho hay phần lớn các ca nhiễm mới được phát hiện đều có liên quan đến ổ dịch từ các cơ sở giải trí ở thủ đô Bangkok, sau đó lan sang ra nhiều tỉnh trên khắp Thái Lan. Ông đánh giá: “Tình hình dịch Covid-19 của Thái Lan hết sức đáng lo ngại”.

Tính đến ngày 11/4, các ca lây nhiễm được phát hiện liên quan tới 140 quán bar tại 15 tỉnh trên khắp Thái Lan. Bangkok đứng đầu với 85 cơ sở, tiếp đến là tỉnh Chon Buri với 11 quán, Prachuap Khiri Khan có 9 quán, Pathum Thani có 7 quán và Chiang Mai có 6 quán.

Tổng giám đốc Cục Kiểm soát Dịch bệnh, tiến sĩ Opas Karnkawinpong, cho biết hầu hết trường hợp mới trong ngày 12/4 vẫn liên quan đến các cơ sở giải trí ban đêm này.

 Nhân viên chuẩn bị giường cho một bệnh viện dã chiến được thành lập vào ngày 10/4 tại Chiang Mai. Ảnh: AFP.

Nhân viên chuẩn bị giường cho một bệnh viện dã chiến được thành lập vào ngày 10/4 tại Chiang Mai. Ảnh: AFP.

Ông cũng cảnh báo thêm rằng việc các trường đại học đang cho nghỉ hè có thể khiến số lượng ca nhiễm mới tăng cao hơn nữa nếu sinh viên không giảm thiểu di chuyển cá nhân hay hoạt động ngoại khóa.

Các chuyên gia cũng cho biết đợt bùng phát lớn lần thứ ba tại nước này khó kiểm soát hơn vì virus gây bệnh chủ yếu là biến chủng của Anh. Làn sóng này chủ yếu ảnh hưởng đến những người trẻ vì nó bắt nguồn các quán bar và hộp đêm, trong đó có nhiều tụ điểm quen thuộc của giới nhà giàu và quyền lực.

“Làn sóng thứ ba có sự khác biệt, khởi nguồn của đợt này là thế hệ trẻ có lối sống năng động”, tiến sĩ Tawee Chotpitayasunondh, chuyên gia tư vấn cấp cao của Bộ Y tế, cho biết. Ông cũng thông tin rằng rất nhiều người đã đến hộp đêm, rồi về quê nghỉ lễ dài và khiến dịch bệnh lây lan diện rộng.

Hàng triệu người Thái Lan đang di chuyển mạnh trên khắp đất nước, thường là người từ thành thị về nông thôn để nghỉ lễ Songkran hàng năm, đánh dấu Tết cổ truyền của Thái Lan. Năm ngoái, nước này đã hủy bỏ lễ hội vì lo ngại đại dịch, nhưng năm nay chính phủ đã không thực hiện biện pháp tương tự.

 Phần lớn trường hợp nhiễm mới đều có liên quan đến các cơ sở giải trí ban đêm trên khắp cả nước. Ảnh: Pornprom Satrabhaya.

Phần lớn trường hợp nhiễm mới đều có liên quan đến các cơ sở giải trí ban đêm trên khắp cả nước. Ảnh: Pornprom Satrabhaya.

Ông Opas Karnkawinpong cho biết chỉ khi có các số liệu cụ thể sau kỳ nghỉ lễ Songkran, mới có thể xác định được đường hướng của đợt bùng phát mới nhất.

“Xu hướng hiện tại vẫn theo chiều tăng. Chúng tôi sẽ xem xét các số liệu sau kỳ lễ Songkran”, ông Opas nói.

Chính phủ bị chỉ trích

Trong đợt bùng phát mới này, ít nhất một bộ trưởng trong nội các bị nhiễm bệnh, buộc nhiều quan chức khác phải tự cách ly. Chính phủ Thái Lan đang bị chỉ trích về cách xử lý đại dịch.

Hiện tại, Thái Lan đã ghi nhận 33.610 ca nhiễm và 97 ca tử vong. Các nhà phê bình cho rằng tốc độ tiêm chủng hiện tại là quá chậm, chỉ mới có chưa đầy 1% dân số nước này được phòng ngừa. Bên cạnh đó, họ còn cho rằng chính phủ vẫn còn thiếu hỗ trợ cho những người có sinh kế bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Cho đến nay, Thái Lan chỉ mới tiêm chủng một lượng tương đối nhỏ vaccine Sinovac và AstraZeneca cho người dân, trong khi chờ đợi một nhà máy địa phương sản xuất và phân phối vaccine AstraZeneca vào giữa năm nay.

Nước này cũng đã đặt đủ liều lượng để chủng ngừa cho khoảng 30 triệu người dân (gần 1/2 dân số). Tuy nhiên, họ vẫn chưa có thời gian biểu rõ ràng cho việc tiêm phòng.

Để ngăn chặn sự lây lan, khoảng 37 tỉnh thành của Thái Lan đã tự ra quyết định ban hành lệnh hạn chế di chuyển, cách ly bắt buộc trong vòng 14 ngày, xét nghiệm virus, và thậm chí cấm người từ tỉnh khác vào, theo Washington Post.

Sự gia tăng số ca nhiễm mới theo ngày cao như vậy rất hiếm thấy ở Thái Lan, vì nước này là một trong những quốc gia kiểm soát dịch tốt nhờ kiểm soát biên giới nghiêm ngặt. Nhiều biện pháp hạn chế khác cũng từng được áp dụng như đặt lệnh giới nghiêm, cấm các quán bia rượu và đóng cửa trường học, trung tâm mua sắm và nhà hàng.

Đợt bùng phát hiện tại là đợt lớn nhất ở nước này kể từ đợt bùng phát vào tháng 12/2020. Kỷ lục là ngày 19/12, nước này ghi nhận 548 ca nhiễm mới, số ca nhiễm trong ngày cao nhất tại Thái Lan tính đến thời điểm đó.

Nơi bắt nguồn của đợt này được cho là một chợ thực phẩm tươi sống ở tỉnh Samut Sakhon. Chợ này được cho là có nhiều lao động nhập cư từ Myanmar.

Sau khi đợt bùng phát này nổ ra, toàn bộ các lao động nhập cư bị cấm di chuyển, lệnh giới nghiêm được áp dụng. Đồng thời, việc ra vào tỉnh Samut Sakhon cũng bị kiểm soát chặt chẽ.

Hồng Ngọc

Theo Washington Post, Bangkok Post

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thai-lan-dieu-dung-vi-140-quan-bar-va-hop-dem-post1203701.html