Thái Lan đối mặt hàng loạt thách thức về nông nghiệp trong đàm phán thuế quan với Mỹ

Chính phủ Thái Lan đang đối mặt với không ít thách thức trong đàm phán thương mại khi phía Mỹ yêu cầu dỡ bỏ thuế quan với nhiều mặt hàng nông nghiệp quan trọng có khả năng ảnh hưởng đến sinh kế của nông dân và các tiêu chuẩn nội địa.

Ảnh minh họa: Thịt được lưu trữ trong nhà kho của một siêu thị. Nguồn: AFP/TTXVN

Ảnh minh họa: Thịt được lưu trữ trong nhà kho của một siêu thị. Nguồn: AFP/TTXVN

Theo tờ The Nation (Thái Lan), các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra giữa Bangkok và Washington về thuế quan đối ứng vẫn chưa đi đến hồi kết. Gần đây, Mỹ đã công bố mức thuế quan 36% đối với hàng nhập khẩu từ Thái Lan, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/8. Động thái này đang gây ra áp lực lớn, buộc chính phủ Thái Lan phải đưa ra phản ứng nhanh chóng.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Pichai Chunhavajira cho biết, Thái Lan dự kiến sẽ mở cửa thị trường cho Mỹ bằng cách giảm thuế nhập khẩu đối với 90% các loại hàng hóa. Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp với “Team Thái Lan” để chuẩn bị các đề xuất trao đổi cho phía Mỹ khi mà hạn chót 1/8 đang đến gần.

Theo các nguồn tin trong chính phủ Thái Lan, Washington muốn Bangkok mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là thịt lợn, thị gà và thị bò, nhằm giải quyết tình trạng thâm hụt trong cán cân thương mại với Thái Lan.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Thái Lan lại đang lên tiếng phản đối mạnh mẽ những đòi hỏi trên. Trong đó, việc Mỹ yêu cầu giảm thuế nhập khẩu với thịt lợn, bao gồm cả nội tạng, đã gây ra những quan ngại không hề nhỏ. Với giá thành sản xuất thịt lợn tại Mỹ thấp hơn nhiều, Thái Lan lo ngại việc mở cửa “thông thoáng” sẽ làm suy yếu ngành chăn nuôi trong nước, khiến nhiều hộ nông dân nuôi lợn đối mặt với tình trạng khốn đốn. Ước tính ngành chăn nuôi của Thái Lan có thể thiệt hại tới 112,33 tỷ baht (3,44 tỷ USD) nếu thịt lợn Mỹ được tự do thâm nhập vào thị trường nước này.

Bên cạnh đó, thịt lợn Mỹ được đánh giá là thường chứa các chất beta-agonist (chất kích thích tăng trưởng), vốn bị cấm tại Thái Lan. Điều này cũng đươc cho là tiềm ẩn nhiều mối nguy do các chất này có thể gây ra những rủi ro nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng.

Đối với thịt gà, Thái Lan bày tỏ lo ngại về việc mở cửa thị trường cho sản phẩm gia cầm của Mỹ, bởi Thái Lan đang là nhà sản xuất và xuất khẩu lớn về mặt hàng này. Việc giảm thuế xuống 0% có thể khiến thị trường nội địa tràn ngập thịt gà Mỹ, làm suy yếu ngành xuất khẩu của Thái Lan.

Về thịt bò, Thái Lan hiện nhập khẩu theo Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Australia và New Zealand. Nếu thịt bò Mỹ đáp ứng các tiêu chuẩn và chứng nhận cần thiết, Thái Lan sẵn sàng mở cửa thị trường cho nhập khẩu với điều kiện tuân thủ các quy định hiện hành.

Một số nguồn tin cho biết các cuộc đàm phán với Mỹ có thể kéo dài do nhiều điều kiện mà Mỹ đưa ra chưa được phía Thái Lan chấp thuận. Việc mở cửa hoàn toàn thị trường cho Mỹ với mức thuế 0% được coi là khó có thể khả thi do cần đi kèm với sự thay đổi các quy định pháp lý liên quan. Chính phủ Thái Lan nhấn mạnh, bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải phù hợp với lợi ích ngành nông nghiệp Thái Lan và được đàm phán cẩn trọng để tránh gây tổn hại đến nhiều lĩnh vực.

Chi phí sản xuất thịt lợn Mỹ thấp hơn Thái Lan, nhiều tổ chức cảnh báo tác động

Ông Sittiphan Thanakiatpinyo, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi lợn Thái Lan, cho biết rằng việc mở cửa thị trường cho thịt lợn Mỹ giá rẻ sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi trong nước, có thể khiến hơn 100.000 nông dân mất kế sinh nhai chỉ sau một đêm.

Những tác động trên không chỉ ảnh hưởng đến người nuôi lợn mà còn lan rộng đến toàn bộ chuỗi sản xuất nông nghiệp Thái Lan, bao gồm cả nông dân trồng ngô và đậu nành, các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi, các nhà máy chế biến và hàng triệu lao động trong ngành, tất cả đều có thể mất việc.

“Việc mở cửa thị trường cho thịt lợn Mỹ đồng nghĩa chính phủ đang đẩy nông dân Thái Lan ra khỏi hệ thống. Mặc dù chính phủ có thể giành được nhiều quyền xuất khẩu hơn đối với các sản phẩm công nghiệp, nhưng cái giá phải trả là phá hủy ngành chăn nuôi lợn nội địa vốn hỗ trợ sinh kế cho nhiều người dân trên khắp đất nước. Nếu nền kinh tế Mỹ tồn tại nhưng sinh kế của người dân Thái Lan sụp đổ, ai sẽ chịu trách nhiệm?” ông Sittiphan đặt ra nghi ngại.

Ông cũng nhấn mạnh rằng các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là thịt lợn, không nên được sử dụng làm công cụ mặc cả trong các cuộc đàm phán thương mại quốc tế. Đây là những mặt hàng có biên lợi nhuận thấp và chi phí cao, nhưng lại rất quan trọng đối với an ninh lương thực của quốc gia. Thái Lan không thể cạnh tranh công bằng với các nước như Mỹ, nơi nhận được nhiều trợ cấp nông nghiệp lớn từ chính phủ.

Ngoài ra, việc mở cửa thị trường cho thịt lợn Mỹ còn tiềm ẩn nguy cơ đưa các bệnh truyền nhiễm và mầm bệnh mới vào Thái Lan, như cúm lợn, chưa từng xuất hiện tại nước này.

Việc cho phép nhập khẩu mà không có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ sẽ vô tình đưa mầm bệnh nguy hiểm vào hệ thống chăn nuôi Thái Lan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng thịt về dài hạn của quốc gia. Thái Lan đã xây dựng các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo tiêu chuẩn quốc tế và được thế giới công nhận, nhưng có thể bị ảnh hưởng nếu nhập khẩu không kiểm soát.

Nhiều tác động khi Thái Lan mở cửa thị trường thịt gia súc, gia cầm

Ông Sittiphan cho biết thêm rằng việc nhập khẩu thịt từ các nước đang cho phép sử dụng các chất bị cấm và kháng sinh - nhiều trong số đó bị nghiêm cấm trong chăn nuôi tại Thái Lan - cần phải ngừng lại. Các chất trên bao gồm loại beta-agonist như ractopamine - một chất tổng hợp dùng trong chăn nuôi để tăng cơ giảm mỡ trên động vật.

Ngoài ra, một số chất phụ gia thức ăn được dùng để kích thích tăng trưởng nhanh ở lợn, làm tăng hiệu quả chuyển đổi thức ăn thành thịt nạc. Dù sử dụng trong liều lượng an toàn cho sức khỏe, nhưng việc tiêu thụ quá nhiều có thể gây tác dụng phụ như tim đập nhanh, huyết áp cao, đau đầu và run tay.

Hiệp hội chăn nuôi lợn Thái Lan kêu gọi chính phủ từ bỏ kế hoạch mở cửa thị trường cho thịt lợn Mỹ và các sản phẩm nông nghiệp dễ bị tổn thương khác. Tổ chức này đề nghị xem xét lại quan điểm của Thái Lan trong đàm phán với Mỹ, trong đó cần tập trung vào các sản phẩm công nghiệp khác có thể cạnh tranh thực sự với hàng hóa Mỹ. Cách tiếp cận này sẽ giúp duy trì ổn định kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực và thúc đẩy thực phẩm an toàn cho người dân Thái Lan.

“Đừng để thị lợn Thái Lan bị đẩy ra khỏi thị trường toàn cầu, và đừng đánh đổi tương lai của người chăn nuôi lợn ở Thái Lan để đổi lấy vài mặt hàng trong danh mục xuất khẩu. Về lâu dài, điều này sẽ làm suy yếu an ninh lương thực của Thái Lan”, ông Sittiphan nhấn mạnh.

Những cảnh báo về vấn đề thịt bò Mỹ chứa hormone tăng trưởng

Tiến sĩ Wiwat Pongwiwatchai, thành viên Hiệp hội chăn nuôi Bò Thái Lan, cho biết rằng ngành chăn nuôi bò Thái Lan chưa bao giờ gặp vấn đề trong xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, ngành này phản đối mạnh mẽ việc mở cửa thị trường cho thịt bò Mỹ do phía Mỹ cho phép sử dụng loại hormone tăng trưởng beta-agonist. Điều này vi phạm luật pháp Thái Lan và có tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, người dân chăn nuôi bò Thái Lan luôn có các biện pháp hỗ trợ và trợ giá cho các sản phẩm nông nghiệp khác của nước này. Do đó, kế hoạch mở cửa thị trường cho thịt bò và nội tạng bò Mỹ để đổi lấy các biện pháp thuế nhằm giảm thâm hụt thương mại được coi là không công bằng với 1,4 triệu hộ gia đình nuôi bò, với tổng giá trị kinh tế trên 280 tỷ baht (8,6 tỷ USD).

“Hiện tại, người nuôi bò đã chịu áp lực giá thấp do cạnh tranh từ các FTA với Australia và New Zealand. Hiệp hội này kêu gọi hủy bỏ việc mở cửa cho thịt bò và nội tạng bò Mỹ vì điều này sẽ làm trầm trọng thêm tình hình của những người sản xuất thịt bò cao cấp”, ông Wiwat nói.

Bình Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/thai-lan-doi-mat-hang-loat-thach-thuc-ve-nong-nghiep-trong-dam-phan-thue-quan-voi-my-20250716170741446.htm