Thái Lan đối mặt khủng hoảng nợ hộ gia đình

Với mức nợ hộ gia đình lên đến 400 tỷ USD, tương đương 90% GDP, thuộc hàng cao nhất châu Á, Thái Lan có thể tăng trưởng chậm lại do sức mua của người dân suy giảm trong bối cảnh lạm phát tăng và ngân hàng trung ương nước này dự kiến tăng lãi suất trong nửa cuối năm nay. Mặc dù Covid-19 đã làm trầm trọng thêm tình hình, nhưng mức nợ hộ gia đình cao là một đặc điểm cấu trúc của nền kinh tế Thái Lan từ trước đại dịch.

Mức cao nhất trong 14 năm

Theo báo cáo gần đây trên Bangkok Post South China Morning Post, nợ hộ gia đình ở Thái Lan đã đạt mức cao nhất trong 14 năm. Số liệu thống kê do Ngân hàng Trung ương Thái Lan tổng hợp cho thấy mức nợ đạt 90% GDP trong quý IV năm 2021. Theo KKP Research, đơn vị nghiên cứu của Ngân hàng Kiatnakin Phatra, có trụ sở tại Bangkok, tỷ lệ nợ hộ gia đình ở Thái Lan so với GDP đang ở mức cao thứ 11 của thế giới khi người dân phải xoay xở để trang trải cho cuộc sống hàng ngày.

Báo cáo của KKP Research cho biết hầu hết các hộ gia đình ở nhóm 20% có thu nhập thấp nhất ở Thái Lan chỉ kiếm được trung bình 10.000 baht mỗi tháng nhưng mức chi tiêu tiêu hàng tháng tối thiểu của họ là 12.000 baht. Vì vậy, những hộ gia đình này đã phải đi vay để chi trả cho các nhu cầu thiết yếu hàng ngày, làm tăng tỷ trọng nợ tiêu dùng ngắn hạn trong tổng nợ hộ gia đình. Thu nhập bình quân đầu người của Thái Lan cũng rất thấp so với các nước có mức nợ tương tự, cho thấy nền kinh tế Thái Lan dễ bị tổn thương bởi các khoản nợ hộ gia đình hơn các nước khác, KKP Research nhận định.

Chỉ số giá tiêu dùng của Thái Lan trong tháng 6 tăng 7,66%, mức cao nhất trong 14 năm, có thể buộc Ngân hàng trung ương Thái Lan sớm tăng lãi suất.

Theo Ngân hàng Credit Suisse, Thái Lan có một trong những mức độ bất bình đẳng giàu nghèo cao nhất trên thế giới và nợ có xu hướng tập trung vào các hộ gia đình thu nhập thấp, có tỷ lệ tài sản trên nợ thấp hơn. Do đó, khi lãi suất tăng, các hộ gia đình này phải giảm tiêu dùng để trả nợ, khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Các hộ gia đình có thu nhập thấp cũng chịu sức ép lớn hơn khi lạm phát tăng do chi phí thực phẩm và năng lượng chiếm tỷ trọng tương đối lớn hơn trong tổng chi tiêu của họ.

KKP Research cho rằng mọi nỗ lực kích thích tiêu dùng thông qua vay nợ sẽ đi vào ngõ cụt vì Thái Lan đang có mức nợ hộ gia đình cao. Điều này có nghĩa là nỗ lực kích thích tiêu dùng dựa vào nợ không thể tạo ra tăng trưởng. Nếu Thái Lan tập trung vào các nỗ lực giảm nợ hộ gia đình, động lực tiêu dùng sẽ giảm khoảng 1,3 điểm phần trăm, trong khi tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại khoảng 0,7 điểm phần trăm, gây ra tình trạng trì trệ kinh tế kéo dài.

Gánh nặng hộ gia đình sẽ làm giảm sức chi tiêu của người dân Thái Lan trong thời kỳ lạm phát cao
Ảnh Asia News

Đại dịch có phải nguyên nhân?

Đại dịch Covid-19 với 2 năm đóng cửa nền kinh tế và du lịch là một phần nguyên nhân. Với một nền kinh tế được cấu trúc chủ yếu xoay quanh xuất khẩu dịch vụ và hàng hóa, đại dịch đã ảnh hưởng khá nhiều đến thu nhập ở Thái Lan. Và các hộ gia đình đã buộc phải vay nợ để tạo duy trì cuộc sống.

Nhưng đó chỉ là một phần của câu chuyện. Nợ hộ gia đình Thái Lan vốn đã ở mức cao trước đại dịch, đạt 78,8% GDP trong quý đầu tiên của năm 2019. Và tín dụng trong nước cho khu vực tư nhân luôn ở mức cao, vượt 100% GDP trong nhiều năm. Vì vậy, mặc dù có thể nói rằng Covid-19 đã làm trầm trọng thêm tình hình, nhưng đây là một đặc điểm cấu trúc của nền kinh tế Thái Lan trước đại dịch.

Khoảng năm 2010 - 2011, mức nợ ở Thái Lan bắt đầu tăng lên đáng kể. Nợ hộ gia đình ở mức 68% GDP vào đầu năm 2012 và đã tăng lên 81% vào cuối năm 2015. Điều này xảy ra đồng thời với sự giảm giá của đồng baht Thái Lan và bùng nổ xuất khẩu lớn. Vào năm 2016, Thái Lan đã thặng dư trong tài khoản vãng lai trên 10% GDP.

Lợi nhuận không chuyển thành tiền lương

Tác động của thặng dư thương mại lớn đối với một nền kinh tế cụ thể phụ thuộc vào cách phân bổ lợi nhuận. Ở Thái Lan, nơi xuất khẩu chủ yếu đến từ việc bán hàng hóa và máy móc sản xuất cho người mua nước ngoài và từ lĩnh vực du lịch, sự bùng nổ lớn về xuất khẩu về mặt lý thuyết có thể được chuyển thành mức lương cao hơn cho các nhà máy và công nhân dịch vụ, những người cung cấp lao động cho các lĩnh vực đó.

Và tiền lương đã tăng mạnh từ năm 2011 đến năm 2014 (nhờ tăng lương tối thiểu), trước khi chậm lại đáng kể trong những năm trước đại dịch. Ví dụ, từ quý IV.2015 đến quý IV.2017, mức lương trung bình hàng tháng của một công nhân nhà máy chỉ tăng 2%. Đây là thời kỳ mà Thái Lan đang tích lũy thặng dư rất lớn trong tài khoản vãng lai, cho thấy lợi nhuận từ bùng nổ xuất khẩu không được chuyển thành mức tăng lương tương xứng cho người lao động.

Tất nhiên, có nhiều lý do khác khiến nợ hộ gia đình có thể ngày càng tăng: Các tiêu chuẩn bảo lãnh phát hành nợ cũng như sự giám sát quy định khá lỏng lẻo; chính sách tiền tệ dễ dàng khuyến khích cho vay quá mức; giá gas và điện cao đang được chuyển sang người tiêu dùng, đặc biệt là trong thời kỳ bùng nổ hàng hóa vào giữa những năm 2010. Nhưng nhìn vào cấu trúc tổng thể của nền kinh tế Thái Lan, có vẻ như một phần chính của câu chuyện là thặng dư thương mại lớn và xuất khẩu tăng vọt không được chuyển thành mức tăng lương tương ứng cho lao động, khiến người dân chuyển sang các hình thức tín dụng tiêu dùng khác nhau.

Ở Thái Lan, chính phủ không muốn thâm hụt để hỗ trợ tăng giá hàng hóa cơ bản (Ủy ban Điều tiết Năng lượng vừa phê duyệt biểu giá điện cao kỷ lục, không chắc sẽ giúp giảm nợ hộ gia đình) và thặng dư thương mại lớn không nhất thiết chuyển thành tăng lương lớn cho người lao động. Sẽ không có gì bất ngờ nếu tình trạng này có thể tiếp tục trầm trọng hơn thời gian tới.

Decharut Sukkumnoed, Giám đốc tổ chức Think Forward Centre, cho biết không giống như nợ ở các nền kinh tế lớn, các khoản nợ hộ gia đình ở Thái Lan chủ yếu là để tiêu dùng, vì vậy, chúng có rủi ro thành nợ xấu cao hơn. Ông cho rằng sẽ mất nhiều thập niên để tỷ lệ nợ hộ gia đình/GDP giảm xuống, tùy thuộc vào tình trạng của nền kinh tế Thái Lan trong những năm tới.

Pavida Pananond, giáo sư kinh doanh quốc tế tại Trường Kinh doanh Thammasat (Thái Lan), cho biết có một vài trở ngại trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nợ hộ gia đình ở Thái Lan. Bà nói: “Nợ hộ gia đình không nhất thiết là một điều xấu nếu người vay có khả năng trả nợ. Tuy nhiên, mức nợ hộ gia đình trên GDP tăng lên trong giai đoạn này là điều đáng lo ngại vì đà tăng của lạm phát và lãi suất sẽ làm giảm khả năng trả nợ của các hộ gia đình, gây rủi ro cho sức khỏe tài chính nói chung của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các bên vay nợ khác”.

Bà dự báo Thái Lan sẽ rơi vào chu kỳ tăng trưởng kinh tế chậm ít nhất là cho đến năm 2025, khiến việc thanh toán các khoản nợ hộ gia đình trở nên khó khăn hơn. Theo bà, dân số Thái Lan ngày càng già hóa và điều này có nghĩa là một bộ phận người dân đối mặt với thách thức hơn trong việc trả nợ do thu nhập của họ bị giảm.

Quỳnh Vũ

Theo Bangkok Post, SCMP

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-cac-nuoc/thai-lan-doi-mat-khung-hoang-no-ho-gia-dinh-i298809/