Thái Lan giải cứu hơn 7.000 người khỏi các ổ lừa đảo tại biên giới Myanmar
Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra hôm 19/2 cho biết khoảng 7.000 nạn nhân đã được giải cứu khỏi các trung tâm lừa đảo ở Myanmar trong chiến dịch trấn áp quy mô lớn ở biên giới nước này.
Theo The Guardian, thông báo của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra được đưa ra sau khi cảnh sát Thái Lan hôm 18/2 cho biết đang chuẩn bị tiếp nhận tới 10.000 người nước ngoài được giải cứu khỏi mạng lưới các trung tâm lừa đảo trực tuyến nằm ở khu vực biên giới với Myanmar.
Cụ thể, theo quy trình được thống nhất tại cuộc họp của Ủy ban biên giới Thái Lan-Myanmar hôm 15/2, phía Myanmar sẽ trao đổi với phía Thái Lan danh sách những người muốn rời khỏi Myanmar, kèm theo thông tin chi tiết về mỗi cá nhân từ 3-5 ngày trước khi họ được đưa về Thái Lan qua cầu hữu nghị Thái Lan-Myanmar thứ 2 ở huyện Mae Sot, thuộc tỉnh Tak của Thái Lan.

Các nạn nhân được giải cứu khỏi trung tâm lừa đảo ở Myanmar đang được đưa về Thái Lan. Ảnh: EPA
"Các ổ lừa đảo này rất lớn và có hàng nghìn người được đưa vào đó, thường là thông qua Thái Lan, vì vậy đây là một động thái mạnh mẽ nếu Thái Lan có thể xóa sổ các khu phức hợp và các vụ lừa đảo", ông Jeremy Douglas - đại diện Văn phòng Liên hợp quốc (LHQ) về Ma túy và Tội phạm (UNODC) nhận định.
Cũng theo ông Douglas, khu vực biên giới Myawaddy của Myanmar - nơi dự kiến sẽ bàn giao các nạn nhân người nước ngoài - là một trong những nơi có nhiều tụ điểm lừa đảo nhất trong khu vực, và có thể là trên toàn thế giới.
Chuyên gia LHQ cho biết thêm, nạn nhân của các vụ lừa đảo thường đến từ Châu Á, Châu Phi và Trung Đông. Trong đó, các vụ lừa đảo nhắm vào người Đông Á và Đông Nam Á đã gây ra thiệt hại tài chính từ 18 tỷ đến 37 tỷ USD vào năm 2023, theo ước tính của LHQ.

Các nạn nhân được giải cứu khỏi các ổ nhóm lừa đảo và được đưa trở về nước. Ảnh: Getty
Theo báo cáo của LHQ, ít nhất 120.000 nạn nhân trên khắp Myanmar và 100.000 người khác ở Campuchia có thể đang bị giam giữ tại các trung tâm trá hình. Nhiều nạn nhân bị dụ dỗ bởi những lời hứa hẹn sai sự thật về "việc nhẹ lương cao" rồi sau đó bị ép buộc phải thực hiện các vụ lừa đảo trực tuyến và bị đối xử như nô lệ.
Một số nạn nhân người Malaysia được giải cứu cho biết họ đã bị chính điện, đánh bằng roi và bị nhốt trong một căn phòng tối khi họ không "săn" đủ con mồi theo mục tiêu mà công ty lừa đảo đặt ra.
“Có những trận đòn dữ dội, rất nhiều vết bầm tím. Thậm chí có nạn nhân bị gãy xương”, bà Judah Tana, Giám đốc Tổ chức Chống buôn người Global Advance Projects, cho biết. “Thật kinh hoàng khi nhìn thấy họ. Giống như thể họ vừa bước ra khỏi bãi mìn hoặc vùng chiến sự vậy", bà nói.
Trong diễn biến mới nhất, quân đội Thái Lan cho biết, khoảng 260 người tham gia các hoạt động lừa đảo đã bị trục xuất khỏi Myanmar vào tuần trước. Trong nhóm này có các công dân đến từ khoảng 20 quốc gia, trong đó bao gồm 138 người Ethiopia.