Xây dựng trung tâm cảng biển thông minh

Các cảng biển tại Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều giải pháp sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm năng lượng nhằm giảm phát thải khí nhà kính, ô nhiễm không khí và nước từ hoạt động khai thác cảng.

Hoạt động vận chuyển hàng hóa tại khu vực cảng Cái Mép. (Ảnh THẾ ANH)

Hoạt động vận chuyển hàng hóa tại khu vực cảng Cái Mép. (Ảnh THẾ ANH)

SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO, TIẾT KIỆM NĂNG LƯỢNG

Gần 10 năm qua, Cảng Tân Cảng Cát Lái đã chủ động đầu tư thay thế dần thiết bị xếp dỡ chạy dầu diesel bằng thiết bị sử dụng điện hoặc nhiên liệu sạch như cẩu bờ, cẩu bãi và xe nâng điện. Việc chuyển đổi này giúp cảng tiết kiệm từ 1,5-2 triệu USD mỗi năm nhờ giảm mạnh lượng dầu tiêu thụ.

Cảng Tân Cảng Cát Lái đã đưa vào vận hành cẩu trục bánh lốp RTG hybrid, kết hợp giữa động cơ diesel công suất nhỏ và pin lưu trữ năng lượng, giúp tiết kiệm từ 60-64% nhiên liệu so với cẩu diesel truyền thống. Hai cẩu container tại đây được chuyển đổi từ sử dụng dầu sang điện, giảm đáng kể chi phí vận hành: mỗi lượt nâng hạ bằng cẩu điện tiêu tốn khoảng 3.000 đồng tiền điện, so với khoảng 20.000 đồng nếu dùng dầu.

Ngoài ra, cảng đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái công suất 185 kWp, sản xuất khoảng 270.000 kWh mỗi năm để phục vụ chiếu sáng và nhu cầu nội bộ. Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời và tái tạo trong hoạt động cảng.

Không chỉ riêng Cảng Tân Cảng Cát Lái, nhiều cảng lớn khác tại thành phố cũng đang hướng tới mô hình “thiết bị xanh”. Tập đoàn Gemadept, chủ đầu tư các cảng tại khu vực Cát Lái và cảng nước sâu Cái Mép, đã hoạch định chiến lược phát triển cảng xanh với cam kết sử dụng toàn bộ thiết bị chạy điện, không dùng diesel. Cảng container quốc tế SP-ITC đầu tư thiết bị nâng hạ, xe bốc xếp thế hệ mới giúp tiết kiệm nhiên liệu và giảm phát thải.

Bên cạnh chuyển đổi thiết bị, các cảng tích cực áp dụng biện pháp giảm khí thải, ô nhiễm không khí và nước. Nhờ số hóa và giao dịch điện tử, thời gian xe container chờ làm thủ tục được rút ngắn, giảm tiêu hao nhiên liệu và phát thải. Tại Cảng Tân Cảng Cát Lái, sau khi triển khai lệnh giao nhận điện tử (eDO) và hệ thống đặt lịch trực tuyến, thời gian chờ trung bình của xe container tại cổng cảng đã giảm từ 13 phút xuống còn khoảng 6 phút.

Các cảng đẩy mạnh chuyển đổi phương thức vận tải, ưu tiên vận tải thủy nội địa - hình thức có lượng phát thải thấp hơn nhiều so với đường bộ. Sà-lan được huy động để vận chuyển container giữa thành phố và các cảng tại Đồng Nai, Bình Dương. Mỗi sà-lan có thể chở khối lượng hàng tương đương hàng chục xe tải, góp phần giảm hàng nghìn lượt xe lưu thông, từ đó giảm khí thải, bụi mịn và tiếng ồn đô thị. Ước tính, đội sà-lan với tổng sức chở 3.000 TEU đã thay thế khoảng 2.000 lượt xe container mỗi năm.

Về xử lý môi trường, các cảng lớn đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, bảo đảm nước thải từ hoạt động vệ sinh tàu thuyền và xếp dỡ hàng hóa được xử lý đạt chuẩn trước khi xả ra môi trường. Đồng thời, các đơn vị tuân thủ nghiêm ngặt quy định về thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn và chất thải nguy hại theo Công ước MARPOL và Luật Bảo vệ môi trường. Một số cảng còn lắp đặt hệ thống quan trắc tự động chất lượng không khí, tiếng ồn để kịp thời phát hiện và ứng phó với nguy cơ ô nhiễm.

SỚM HOÀN THIỆN KHUNG PHÁP LÝ

Theo nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI), nhờ ứng dụng công nghệ, sử dụng năng lượng sạch và tối ưu hóa hoạt động, các cảng biển tại thành phố đã giảm đáng kể cường độ phát thải trên mỗi tấn hàng. Tuy nhiên, tổng phát thải vẫn là thách thức lớn do sản lượng hàng hóa liên tục tăng. Việc kết hợp chuyển đổi số (tối ưu luồng hàng, giảm tiêu hao năng lượng) và chuyển đổi xanh (đổi mới công nghệ, thay thế nhiên liệu) được xác định là hướng đi tất yếu để phát triển cảng bền vững.

Theo ông Juergen Weber, Chủ tịch Tiểu ban Vận tải và Logistics (EuroCham), để giảm phát thải carbon trong logistics cảng biển, cần đồng bộ các giải pháp: Giảm các chuyến vận chuyển không cần thiết, chuyển sang phương thức vận tải ít phát thải, tối ưu hóa tài sản logistics và sử dụng nguồn năng lượng có hàm lượng carbon thấp. Bà Phương Nguyễn, Tổng Giám đốc Công ty Tona Syntegra Solar cũng cho rằng, doanh nghiệp cần tối ưu tuyến vận tải, sử dụng phương tiện thông minh, hiệu suất cao và tăng cường giám sát, quản lý năng lượng trong toàn bộ chuỗi hoạt động để sử dụng năng lượng hiệu quả.

Ở góc độ chính sách, ông Cao Minh Nghĩa, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu Phát triển Kinh tế (Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố), cho biết: Thành phố đang đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển hạ tầng công nghệ và thúc đẩy “xanh hóa” hoạt động logistics, hỗ trợ phát triển vận tải đa phương thức; đồng thời đang hoàn thiện khung pháp lý cho logistics xanh, chú trọng kiểm soát ô nhiễm không khí, hạn chế phát thải CO2 từ phương tiện vận tải và xây dựng hệ thống chỉ số đánh giá năng lực logistics xanh để làm cơ sở cho các chính sách hỗ trợ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thị Thu Hòa, Trưởng Bộ môn Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (Trường đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đề xuất sớm ban hành tiêu chuẩn cảng xanh quốc gia, kèm theo lộ trình thực hiện và chế tài cụ thể. Nhà nước nên áp dụng cơ chế ưu đãi trong cấp phép đầu tư, khai thác đối với các dự án cảng đáp ứng tiêu chí xanh và hiện đại, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp thông qua giảm phí, tiếp cận nguồn vốn “tín dụng xanh”. Bà nhấn mạnh sự cần thiết đầu tư hệ thống trạm điện cao thế, trạm cung cấp điện bờ cho tàu và phương tiện điện, cùng với quy hoạch cây xanh và hành lang sinh thái quanh cảng để cải thiện môi trường và tạo cảnh quan đô thị hiện đại.

HOÀNG LIÊM và CAO TÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/xay-dung-trung-tam-cang-bien-thong-minh-post893676.html