Thái Lan mở chiến dịch truy quét mạnh tay thực phẩm tẩm cần sa sau vụ bé gái 2 tuổi bất tỉnh 24 giờ
Một bé gái hai tuổi ở Chiang Mai phải nhập viện hai lần sau khi ăn kẹo dẻo tẩm cần sa tại tiệc sinh nhật, gây ra làn sóng phẫn nộ trên toàn quốc. Bộ trưởng Y tế Thái Lan Somsak Thepsuthin tuyên bố mở chiến dịch truy quét toàn quốc nhằm kiểm soát thị trường cần sa đang mất kiểm soát, đặc biệt là các sản phẩm nguy hiểm đang âm thầm len lỏi vào nhà dân, trường học và các bữa tiệc.
Chỉ vài ngày sau khi tuyên bố sẽ chấn chỉnh thị trường cần sa hỗn loạn tại Thái Lan, Bộ trưởng Y tế Somsak Thepsuthin đã phát động chiến dịch truy quét toàn quốc, tập trung vào các sản phẩm thực phẩm có chứa cần sa trái phép.
Ngòi nổ cho chiến dịch này là vụ việc một bé gái 2 tuổi rưỡi tại Chiang Mai phải nhập viện sau khi ăn kẹo dẻo chứa cần sa trong một bữa tiệc sinh nhật.
Theo thông tin từ gia đình, bé gái đã bất tỉnh suốt 24 giờ, và sau khi được xuất viện, em phải nhập viện trở lại vì sốt cao và gặp ảo giác. Sau khi kiểm tra, bác sĩ xác nhận em bị ngộ độc cần sa cấp tính, cùng với viêm xoang. Người cha của bé đã gửi đơn khiếu nại chính thức và đang yêu cầu bồi thường, cho biết chi phí điều trị đã vượt quá 50.000 baht (Khoảng hơn 40 triệu đồng) nhưng bảo hiểm từ chối chi trả do liên quan đến chất cấm.
Bộ Y tế Thái Lan đã chỉ đạo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cùng các Sở Y tế tỉnh tiến hành kiểm tra gắt gao các điểm bán hàng, chợ và cửa hàng trên toàn quốc. Các sản phẩm vi phạm hàm lượng THC hoặc không có nhãn mác, giấy phép sẽ bị xử lý theo Luật Thực phẩm, có thể bị phạt tiền lên tới 30.000 baht (Khoảng hơn 24 triệu đồng) và tù giam đến 3 năm.
Đồng thời, những cơ sở không có giấy phép hoặc vi phạm điều kiện hoạt động cũng sẽ bị xử lý nghiêm, bao gồm việc tước hoặc đình chỉ giấy phép kinh doanh.
Vụ việc bé gái tại Chiang Mai là minh chứng rõ ràng cho mối nguy hại của thực phẩm tẩm cần sa với trẻ nhỏ. Bé đã ăn khoảng 10 viên kẹo dẻo có chứa cần sa tại nhà sau bữa tiệc. Bố mẹ không biết các sản phẩm này có chứa chất cấm cho đến khi bé có biểu hiện bất thường tại trường học. Giáo viên mô tả em "mắt lờ đờ, không ăn trưa và lơ mơ".
Sau khi điều tra, gia đình phát hiện hai vị khách tại bữa tiệc đã mang kẹo dẻo cần sa đến và vô tình để lại tại nhà.
Bộ trưởng Somsak nhấn mạnh, cần sa chỉ nên được sử dụng cho mục đích y tế hợp pháp, và việc lan truyền rộng rãi các sản phẩm giải trí chứa cần sa là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ nhỏ và thanh thiếu niên.
Một cuộc khảo sát của Khoa Tâm thần, Đại học Chulalongkorn cho thấy, tỷ lệ thanh thiếu niên Thái Lan từ 18–19 tuổi sử dụng cần sa đã tăng gấp 10 lần chỉ trong 2 năm, từ 1–2% năm 2020 lên 9,7% năm 2022. Điều này đặt ra nguy cơ lớn về sức khỏe tâm thần và xã hội trong tương lai gần.
Bộ Y tế Thái Lan đã ban hành chỉ đạo mới cho các lực lượng thực thi pháp luật, yêu cầu: Mọi thực phẩm chứa cần sa phải có nhãn mác rõ ràng, được cấp phép; Hàm lượng THC không được vượt quá giới hạn quy định; Tuyệt đối cấm bán cho trẻ vị thành niên hoặc để trẻ vô tình tiếp cận.
Ngoài ra, các đội kiểm tra sẽ tăng cường giám sát tại chợ, cửa hàng bán lẻ, hàng rong. Họ sẽ sử dụng bộ kit kiểm tra THC tại chỗ và lập biên bản vi phạm ngay lập tức nếu phát hiện sai phạm.
Bộ cũng tổ chức các chiến dịch tuyên truyền giáo dục cộng đồng, đặc biệt nhắm vào phụ huynh và nhà trường, giúp nâng cao nhận thức về nguy cơ khi trẻ vô tình tiêu thụ sản phẩm có chứa cần sa.
Các chuyên gia cảnh báo rằng, cần sa dạng ăn uống (edibles) nguy hiểm hơn so với hút, đặc biệt với trẻ nhỏ. Vì được “ngụy trang” bằng đường hoặc hương liệu, trẻ dễ ăn nhầm với số lượng lớn. Ngoài ra, tác dụng chậm hơn nên thường gây chậm trễ trong điều trị khẩn cấp.
“Chúng ta không thể chờ đợi đến khi một đứa trẻ khác lâm nguy,” ông Somsak tuyên bố. “Cần sa giải trí vẫn là bất hợp pháp. Việc sử dụng y tế phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt.”
Chiến dịch lần này được xem là phản ứng mạnh mẽ nhất từ chính phủ Thái Lan kể từ khi cần sa được gỡ khỏi danh sách chất ma túy vào năm 2022. Mặc dù pháp luật cho phép dùng cần sa trong nghiên cứu và y tế, nhưng việc lạm dụng và lách luật đã khiến nhiều sản phẩm không an toàn tràn lan trên thị trường.
Hiện Bộ Y tế đang kêu gọi người dân cùng tham gia giám sát. Nếu phát hiện sản phẩm cần sa bất hợp pháp, người dân có thể gọi đường dây nóng FDA, hoặc báo cáo với Sở Y tế địa phương hoặc Cục Y học cổ truyền và Thay thế Thái Lan.