Thái Lan phát cảnh báo du khách tránh tiếp xúc với sên biển rồng xanh độc ở bãi biển Phuket
Sên biển rồng xanh độc tái xuất bãi biển Phuket (Thái Lan), chính quyền phát cảnh báo khẩn, khuyến cáo người dân không tiếp xúc vì có thể gây đau rát nghiêm trọng.

Một cá thể Glaucus atlanticus, thường được gọi là "sên biển rồng xanh", phát hiện trên bãi biển Phuket. (Nguồn: Bangkok Post)
Hàng loạt cá thể sên biển rồng xanh (Glaucus atlanticus, tiếng Anh: Venomous Blue Dragon sea slug), một loài sinh vật nhỏ bé nhưng độc tính cao vừa được phát hiện trôi dạt vào bãi biển Karon, đảo Phuket (Thái Lan), sau gần hai năm vắng bóng. Sự xuất hiện trở lại của loài này đã khiến Trung tâm nghiên cứu tài nguyên biển và duyên hải (Upper Andaman Sea) phải phát đi cảnh báo khẩn tới người dân và du khách.
Theo thông tin ghi nhận, các cá thể sên biển rồng xanh được sóng cao từ 1 đến 2 mét đánh dạt vào bờ. Lực lượng chức năng đã tiến hành điều tra thực địa trong hai ngày 11 và 12/7, xác định đây là loài Glaucus, có kích thước chỉ khoảng 0,5 cm.
Tuy vẻ ngoài bắt mắt và kích thước nhỏ nhắn, loài sên biển này lại có thể gây nguy hiểm cho con người. Chúng không tự sản sinh độc tố, nhưng hấp thụ và tích trữ tế bào gai từ con mồi – thường là các loài sứa độc như Porpita porpita và Velella velella – để phòng vệ. Khi bị chạm vào, sên biển có thể gây đau rát dữ dội, tương tự như bị sứa đốt, kèm theo nguy cơ phản ứng dị ứng nghiêm trọng.
Chính quyền địa phương khuyến cáo người dân không chạm vào sinh vật này và nếu tiếp xúc, cần nhanh chóng rửa vùng da bị thương bằng giấm, theo hướng dẫn sơ cứu khi bị sứa đốt. Hiện các cơ quan chức năng đang giám sát chặt chẽ khu vực bãi biển Karon để bảo đảm an toàn cho cộng đồng.