Trung Quốc xây siêu đập lớn hơn Tam Hiệp, Ấn Độ cảnh báo 'bom nước'

Trung Quốc xây siêu đập trên sông Yarlung Tsangpo với công suất gấp 3 đập Tam Hiệp. Trong khi Bắc Kinh khẳng định đập giúp tăng dòng chảy mùa khô, Ấn Độ lo ngại nguy cơ lũ lụt và xung đột nguồn nước.

Nước tràn ra từ Đập Tam Hiệp qua chín cửa xả lũ để dự phòng thêm sức chứa cho lũ lụt từ thượng nguồn sông Dương Tử, ở tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, ngày 15/7/2024. Ảnh: Xinhua.

Nước tràn ra từ Đập Tam Hiệp qua chín cửa xả lũ để dự phòng thêm sức chứa cho lũ lụt từ thượng nguồn sông Dương Tử, ở tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, ngày 15/7/2024. Ảnh: Xinhua.

Trên cao nguyên Tây Tạng, một siêu đập đang được Trung Quốc triển khai trên dòng sông Yarlung Tsangpo, con sông được ví như “mãnh hổ nước”, hứa hẹn tạo ra lượng điện gấp ba lần đập Tam Hiệp nổi tiếng.

Tuy nhiên, tại Ấn Độ – quốc gia nằm ở hạ lưu con sông này – nhiều chính trị gia bày tỏ lo ngại rằng con đập có thể trở thành một “quả bom nước”, gây lũ lụt nghiêm trọng vào mùa mưa hoặc làm cạn kiệt nguồn nước trong mùa khô.

Kể từ khi Bắc Kinh phê duyệt dự án vào tháng 12 năm ngoái, dư luận xôn xao nhưng vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng nào về tác động của con đập.

Tuy vậy, một nghiên cứu chung vừa được công bố bởi Đại học Hợp Hải (Hohai University) và Bộ Tài nguyên Nước Trung Quốc đã đưa ra một kết luận gây bất ngờ: tác động của các con đập có thể hoàn toàn ngược lại với những gì Ấn Độ lo ngại.

Dựa trên dữ liệu thu thập được từ hai con đập lớn đã hoạt động trên sông – Zangmu và Jiacha – nhóm nghiên cứu cho biết, lượng nước trong mùa khô tăng đáng kể.

Tính từ năm 2014 đến nay, các phép đo tại hạ lưu cho thấy: lưu lượng dòng chảy thấp nhất vào tháng 2 đã tăng hơn 50%. Tức là vào mùa khô, lượng nước không hề suy giảm mà thậm chí còn nhiều hơn.

Ngược lại, lũ vào mùa mưa có xu hướng giảm nhẹ. Đỉnh lũ giảm khoảng 2%, đặc biệt vào tháng 8, thời điểm dễ xảy ra lũ nhất, mực nước vẫn duy trì ở mức trung bình.

Sông Yarlung Tsangpo – chảy qua vùng đông nam cao nguyên Thanh Tạng – có tiềm năng thủy điện đứng thứ hai tại Trung Quốc, chỉ sau sông Dương Tử.

Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Trương Kiến Vân (Zhang Jianyun) – chuyên gia hàng đầu về an toàn đập của Trung Quốc – dẫn đầu, việc xây dựng các đập ở Tây Tạng diễn ra rất muộn vì khí hậu khắc nghiệt, công nghệ hạn chế, thách thức kinh tế và yếu tố chính trị.

Bài nghiên cứu của họ được đăng ngày 15/5 trên tạp chí Khoa học Nước Tiên tiến (Advances in Water Science) – một tạp chí bình duyệt của Trung Quốc.

Tuy nhiên, hiện tại thủy điện đang bùng nổ tại Tây Tạng nhờ chiến lược "Điện từ Tây sang Đông" của Bắc Kinh. Song song với sự phát triển đó là các tác động môi trường ngày càng rõ nét.

 Ảnh chụp từ trên cao của sông Yarlung Tsangpo. Ảnh: Getty.

Ảnh chụp từ trên cao của sông Yarlung Tsangpo. Ảnh: Getty.

“Các nghiên cứu về cách vận hành hồ chứa ở vùng cực lạnh ảnh hưởng đến thủy văn và nhiệt độ nước ở hạ lưu vẫn còn rất hạn chế vì thiếu dữ liệu quan sát dài hạn”, nhóm của ông Zhang cho biết.

Họ nhận định rằng Yarlung Tsangpo là “phòng thí nghiệm tự nhiên lý tưởng” để nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu và các hoạt động của con người, đặc biệt là trong bối cảnh phát triển thủy điện theo chuỗi trên một con sông.

Dù các đập hiện tại có tác động tích cực về kiểm soát dòng chảy, nhóm nghiên cứu cũng cảnh báo những dấu hiệu đáng lo – nhưng chủ yếu bắt nguồn từ biến đổi khí hậu chứ không phải các con đập.

Băng tan từ tháng 6 đến tháng 10 do nhiệt độ khu vực tăng đều 0,05°C mỗi năm đã khiến lượng nước sông dâng cao.

Ngoài ra, hiện tượng "lệch pha thủy nhiệt" (hydrothermal lag) ngày càng rõ rệt – nước trở nên lạnh sâu hơn vào mùa đông và nóng hơn vào mùa hè – gây ảnh hưởng tới đời sống thủy sinh.

“Trong bối cảnh nóng lên toàn cầu, việc vận hành phối hợp giữa các hồ chứa như Zangmu và Jiacha đã khuếch đại hiệu ứng lệch pha thủy nhiệt ở hạ lưu”, nhóm nghiên cứu cho biết. “Lưu lượng đỉnh lũ giảm, trong khi lưu lượng mùa khô tăng, làm thay đổi nhịp điệu thủy văn của hệ sinh thái sông và gây gián đoạn vòng đời của các sinh vật dưới nước”.

Họ kết luận rằng các phát hiện trên sẽ là cơ sở quan trọng cho việc bảo tồn hệ sinh thái sông Yarlung Tsangpo và tối ưu hóa quản lý tài nguyên nước tại lưu vực này.

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/trung-quoc-xay-sieu-dap-lon-hon-tam-hiep-an-do-canh-bao-bom-nuoc-post187517.html