Thái Lan sẽ đàm phán với Mỹ về thuế quan
Ngày 3/4, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra cho biết Chính phủ nước này sẽ đàm phán với Mỹ về vấn đề thuế quan.

Hàng hóa được xếp tại cảng ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN
Thông điệp trên được bà Paetongtarn đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế toàn diện đối với hàng nhập khẩu từ nhiều quốc gia.
Theo Thủ tướng Thái Lan, chính phủ nước này đã có một kế hoạch vững chắc nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay sẽ không bị ảnh hưởng từ chính sách thuế quan của Mỹ.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Thái Lan Julapun Amornvivat cho biết chính phủ không ngạc nhiên khi bị áp thuế, mặc dù mức 36% là cao hơn dự kiến.
Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, thặng dư thương mại của Thái Lan với nước này vào năm ngoái đạt 45 tỷ USD. Thái Lan cam kết sẽ tăng cường nhập khẩu các sản phẩm năng lượng và thực phẩm để cắt giảm thặng dư thương mại với Mỹ.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Thái Lan, trong đó các sản phẩm xuất khẩu nhiều nhất gồm những mặt hàng điện tử, máy móc và nông sản.
Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan Poj Aramwattananont cho biết mức thuế 36% là cao hơn dự đoán của các doanh nghiệp Thái Lan trước đó, đồng thời thúc giục chính phủ nhanh chóng đàm phán. Ông Poj lưu ý rằng các doanh nghiệp không mong đợi Mỹ sẽ áp mức thuế quan hơn 25% đối với hàng hóa của Thái Lan.
Theo ông Poj, các doanh nghiệp Thái Lan không nên lo ngại vì những quốc gia khác cũng đang phải đối mặt với mức thuế quan cao hơn; bên cạnh đó, Mỹ cũng sẽ chịu một số tác động từ thuế quan vì họ không đủ nhanh để kịp thời sản xuất hàng nội địa thay thế hàng nhập khẩu.
Thái Lan nằm trong danh sách 15 quốc gia có thể bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của ông Trump. Trung bình, Mỹ áp thuế 2% đối với hàng nhập khẩu của Thái Lan, trong khi Thái Lan áp dụng mức thuế trung bình là 8% đối với các sản phẩm của Mỹ.