Thái Lan trước thềm thay đổi lớn
Tổng tuyển cử ngày 14/5 được coi là cuộc đọ sức giữa các đảng bảo thủ đương nhiệm tìm cách duy trì hiện trạng và phe đối lập tự do hơn đang thúc đẩy cải cách.
Ổn định hay cải cách?
Gần hai tháng sau khi Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha giải tán Quốc hội, hơn 6.000 ứng viên của gần 70 đảng chính trị sẽ tranh cử 500 ghế trong Hạ viện của Quốc hội.
Đây là cuộc bầu cử lần thứ hai được tổ chức sau cuộc đảo chính quân sự gần đây nhất của Thái Lan vào năm 2014. Cuộc bầu cử trước đó diễn ra vào năm 2019.
Có hơn 52 triệu cử tri đủ điều kiện trên khắp 77 tỉnh của Thái Lan. Các nhà chức trách trông đợi tỷ lệ cử tri đi bầu lên đến con số kỷ lục: 80%.
Cuộc bầu cử dự kiến sẽ là cuộc đọ sức chủ yếu giữa hai đảng – UTN của Thủ tướng đương nhiệm Prayut và ứng viên hàng đầu của phe đối lập Pheu Thai, giữa một chính quyền dân sự dân chủ mới và việc tiếp tục chính phủ thân quân đội - vốn được nhiều người xem là mang lại ổn định và trật tự.
Ông Prayut, 69 tuổi, hy vọng sẽ trở lại vị trí thủ tướng dưới đảng Ruam Thai Sang Chart mới, có tên tiếng Anh là United Thai Nation Party (UTN). Trước đó vào năm 2023, ông rời Đảng Palang Pracharath (PPRP) đã đề cử ông làm thủ tướng trong các cuộc thăm dò năm 2019. Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwan, 77 tuổi, cũng đang tranh chức thủ tướng với tư cách là ứng cử viên của PPRP.
Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy cả hai cựu lãnh đạo quân đội đều đứng sau ứng cử viên thủ tướng 36 tuổi của Đảng Pheu Thai (Vì nước Thái), Paetongtarn Shinawatra, con gái của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Cũng có tên trong cuộc bỏ phiếu bầu thủ tướng của Đảng Pheu Thai là ông trùm bất động sản Srettha Thavisin, 60 tuổi, và chiến lược gia của đảng Chaikasem Nitisiri, 74 tuổi.
Lãnh đạo đảng Move Forward (Tiến lên), ông Pita Limjaroenrat, 42 tuổi, là ứng cử viên thủ tướng của đảng và cũng đã đạt được kết quả khả quan trong các cuộc khảo sát dư luận.
Các ứng cử viên khác chạy đua cho chức thủ tướng gồm cả những người từ liên minh đương nhiệm, như ông Anutin Charnvirakul, 56 tuổi của Bhumjaithai, và ông Jurin Laksanawisit, 67 tuổi của đảng Dân chủ.
Tiếng nói giới trẻ - điểm đáng chú ý
Theo Straitstimes, sự chú ý cũng dồn vào cách thế hệ trẻ Thái Lan bỏ phiếu, vì đây sẽ là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ cuộc biểu tình do thanh niên lãnh đạo năm 2020 kêu gọi sửa đổi Hiến pháp.
Tuy nhiên, chỉ có Đảng Tiến lên, vốn được lòng cử tri trẻ tuổi, đã thể hiện cam kết rõ ràng trong việc thúc đẩy sửa đổi trong lĩnh vực này.
Tỷ lệ phiếu bầu lớn nhất sẽ thuộc về những người dưới 42 tuổi. Nhóm này chiếm trên 40% trong số 52 triệu người, với Gen Z (từ 18 đến 26 tuổi) chiếm khoảng 13% và Gen Y (từ 27 đến 42 tuổi) chiếm khoảng 29%.
Nhóm Gen X (từ 43 đến 58 tuổi) chiếm 1/3 số cử tri.
Trong khi đó, thế hệ Baby Boomer (từ 55 đến 77 tuổi) và nhóm lớn tuổi nhất, Thế hệ im lặng (78 đến 98 tuổi), chiếm khoảng 26%.
Một khảo sát gần đây của Đại học Rangsit ở những người từ 18 đến 26 tuổi cho thấy ứng cử viên của Đảng Tiến lên, ông Pita, là ứng viên hàng đầu, với 29,2% số người được hỏi ủng hộ.
Bà Paetongtarn của Pheu Thai đứng thứ hai với 23% ủng hộ, và ông Prayut của UTN chỉ đạt 3,3%.
Hệ thống hai lá phiếu mới
Cử tri sẽ bầu ứng viên cho tổng cộng 500 ghế trong Hạ viện của Quốc hội, bao gồm 400 ghế khu vực bầu cử và 100 ghế trong danh sách đảng.
Mỗi cử tri sẽ nhận được hai phiếu, một để bầu cho ứng viên địa phương và một phiếu khác để chọn đảng chính trị ở cấp quốc gia.
400 ghế bầu cử sẽ được trao cho các ứng cử viên giành được nhiều phiếu bầu nhất ở mỗi quận. Và 100 ghế trong danh sách đảng sẽ được phân bổ tương ứng cho các đảng chính trị dựa trên tỷ lệ phiếu bầu của họ trên toàn quốc.
Ủy ban Bầu cử cho biết các điểm bỏ phiếu sẽ đóng cửa vào lúc 5 giờ chiều ngày 14/5 và kết quả không chính thức dự kiến sẽ có trước 11 giờ tối cùng ngày.
Kết quả chính thức phải được công bố trong vòng 60 ngày kể từ ngày bỏ phiếu, hoặc trước ngày 13/7.
Để thành lập chính phủ, một đảng hoặc một nhóm đảng cần phải giành được ít nhất 251 trong số 500 ghế Hạ viện. Quá trình này có thể mất vài tuần hoặc vài tháng, tùy thuộc vào kết quả và các cuộc đàm phán giữa các bên, đặc biệt nếu kết quả đảm bảo một chính phủ liên minh.
Các vấn đề cơ bản nổi bật trong cam kết tranh cử chủ yếu liên quan đến lạm phát và nợ hộ gia đình cao đè nặng lên quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch của Thái Lan. Hầu hết các bên đều hứa hẹn nhiều chương trình phúc lợi, như tăng lương tối thiểu và lương hưu, hoãn nợ và bình ổn giá nông sản.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thai-lan-truoc-them-thay-doi-lon.html