Thái Lan ưu tiên các biện pháp hỗ trợ ổn định kinh tế và phát triển bền vững

Ngày 25/4, Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2023 sẽ đạt 3,6%. BoT nhấn mạnh, với nhịp độ hồi phục hiện nay, kinh tế Thái Lan cần ưu tiên triển khai các biện pháp kinh tế để hỗ trợ ổn định kinh tế và tăng trưởng tiềm năng trong dài hạn.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan Sethaput Suthiwartnarueput. (Ảnh: Bưu điện Bangkok)

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan Sethaput Suthiwartnarueput. (Ảnh: Bưu điện Bangkok)

Theo Thống đốc BoT Sethaput Suthiwartnarueput, nền kinh tế Thái Lan đang khôi phục dần sau suy thoái do đại dịch và nhịp độ hồi phục vẫn đang được duy trì, chủ yếu nhờ sự phục hồi của tiêu dùng nội địa và ngành du lịch.

Ông Sethaphut cho rằng, nền kinh tế Thái Lan đã thoát khỏi tác động tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19, khi phải hứng chịu mức suy thoái lên tới 12,3% trong quý 2/2020 so với mức tăng trưởng 2,1% trong năm 2019.

Ông nhấn mạnh: “Đối với nền kinh tế Thái Lan hiện nay thì sự ổn định, đặc biệt là ổn định tài chính, quan trọng hơn nhiều so với các biện pháp kích thích kinh tế. Thái Lan cần các chính sách kinh tế có thể hỗ trợ nền tảng kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng bền vững về lâu dài”.

Ngân hàng Thái Lan dự báo tăng trưởng GDP của Thái Lan trong năm nay sẽ đạt 3,6%, với tốc độ tăng trưởng trong nửa đầu năm đạt 2,9% và tăng lên 4,3% trong nửa cuối năm. Cơ quan này cũng cho rằng lượng khách du lịch quốc tế tới Thái Lan sẽ đạt mức 28 triệu lượt khách, trong đó có 12 triệu trong nửa đầu năm và 16 triệu lượt trong sáu tháng cuối năm.

Năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 nổ ra, Thái Lan đã đón trung bình 110.000 khách quốc tế mỗi ngày. Tuy nhiên, con số này đã giảm xuống bằng 0 trong hai quý 2 và 3/2020. Hiện nay, lượng khách quốc tế nhập cảnh vào Thái Lan đã tăng trở lại và đang duy trì ở mức trung bình khoảng 66.000 người/ngày.

BoT cho biết, khi tình hình trở nên tồi tệ nhất vào quý 2/2020, số lao động thất nghiệp và người thiếu việc làm đã tăng vọt lên 6,2 triệu người. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, con số này đã giảm xuống chỉ còn 2,6 triệu người. Thu nhập phi nông nghiệp, không bao gồm các biện pháp trợ cấp của chính phủ, dự kiến tăng 7,6% trong nửa đầu và 6,2% trong nửa cuối năm 2023, so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tăng trưởng thu nhập nông nghiệp dự báo đạt 1,6% trong sáu tháng đầu năm những sẽ giảm 6,1% trong sáu tháng cuối năm do hiệu ứng cơ sở cao.

Theo dự báo của BoT, xuất khẩu của Thái Lan sẽ chịu tác động của sự bất ổn kinh tế toàn cầu và sự suy thoái của kinh tế Mỹ. Cơ quan này cho rằng, kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan sẽ suy giảm khoảng 7,1% trong nửa đầu năm nay nhưng sẽ tăng trưởng trở lại đạt mức 4,2% trong nửa cuối năm.

Hơn nữa, tỷ lệ lạm phát của Thái Lan đã giảm xuống trong phạm vi mục tiêu của BoT là từ 1% đến 3%. Ngân hàng này dự đoán rằng tỷ lệ lạm phát toàn phần của năm nay sẽ là 2,9%, trong khi tỷ lệ lạm phát cơ bản sẽ là 2,4%. Năm ngoái, tỷ lệ lạm phát toàn phần của Thái Lan đã đạt mức đỉnh 7,86% vào tháng 8, trong khi lạm phát cơ bản đạt mức cao nhất 3,23% vào tháng 12 cùng năm.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thai-lan-uu-tien-cac-bien-phap-ho-tro-on-dinh-kinh-te-va-phat-trien-ben-vung-post749706.html