Thái Lan xem xét sửa đổi các chiến lược kinh tế

Ngày 13-4, Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia Thái Lan (NESDC) đã được yêu cầu phải sửa đổi chiến lược quốc gia 20 năm (2018-2037) và kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội quốc gia lần thứ 12 (2017-2021), nhằm bắt kịp với những thay đổi về kinh tế và xã hội, khi các lĩnh vực này đang phải chịu những tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế toàn cầu cũng như ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Sân bay U-ta-pao - một trong những dự án được hỗ trợ theo Kế hoạch Chiến lược Quốc gia 20 năm của Thái Lan. (Ảnh: Bangkok Post)

Sân bay U-ta-pao - một trong những dự án được hỗ trợ theo Kế hoạch Chiến lược Quốc gia 20 năm của Thái Lan. (Ảnh: Bangkok Post)

Tại cuộc họp mới nhất của Ủy ban chiến lược Quốc gia được chủ trì bởi Thủ tướng Prayut Chan-o-cha hồi cuối tuần trước đã yêu cầu NESDC sửa đổi lại kế hoạch tổng thể trong 5 năm đầu (từ 2019-2023) theo kế hoạch chiến lược 20 năm.

Chiến lược quốc gia của Thái Lan, gồm 23 kế hoạch tổng thể bắt đầu có hiệu lực từ 13-10-2018. Trong đó, có 15 dự án khẩn cấp hàng đầu cần phải được thực hiện trong giai đoạn từ 2019-2023, bao gồm chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xã hội nhằm tăng sức cạnh tranh; nâng cao kỹ năng của người Thái; các dự án nhằm tạo ra sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và xã hội; các dự án cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn và các dự án tạo ra thu nhập nhằm tăng trưởng bền vững.

Dựa trên các yêu cầu được đặt ra theo kế hoạch chiến lược quốc gia, trong giai đoạn 5 năm đầu tiên (từ 2019-2023), Thái Lan dự kiến tổng thu nhập đầu người sẽ tăng từ mức 290 nghìn Baht (khoảng 9.000 USD) năm 2019 lên mức 360 nghìn Baht vào năm 2023.

Ngoài ra, trong kế hoạch quốc gia thứ 12, Thái Lan đặt ra các mục tiêu tăng trưởng ở các ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ lần lượt ở các mức 3,8%, 4,6%, và 5,4%.

Theo Phó Chủ tịch của NESDC, Danucha Pichayanan, kế hoạch chiến lược 20 năm của Thái Lan đã tính đến tác động có thể xảy ra của các bệnh mới như Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (SARS) hay Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS). Tuy nhiên, những tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với nền kinh tế lại nặng nề và được dự đoán là sẽ kéo dài lâu hơn, gây ra các vấn đề phức tạp hơn nhiều so với SARS hay MERS.

Ông Danucha cho biết, việc phục hồi nền kinh tế có thể sẽ phải mất một thời gian dài và một số lĩnh vực kinh doanh sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc phục hồi sự tăng trưởng như trước, đặc biệt đối với các ngành như công nghiệp ô-tô, hàng không và du lịch. NESDC dự kiến sẽ trình đề xuất sửa đổi chương trình Chiến lược Quốc gia vào tháng 9 tới.

Ở diễn biến khác, ngày 13-4, Thái Lan đã ghi nhận thêm 28 ca nhiễm SARS-CoV-2 và hai ca tử vong, nâng tổng số bệnh nhân mắc Covid-19 ở quốc gia Đông - Nam Á này lên 2.579 người, trong đó có 40 ca tử vong.

Số bệnh nhân mắc Covid-19 mới được xác nhận tính đến ngày 13-4 tiếp tục theo chiều hướng hai con số, giảm dần kể từ mức 111 ghi nhận ngày 8-4. Tuy nhiên, do số lượng người được xét nghiệm tương đối thấp nên giới chức y tế Thái Lan thừa nhận rằng, khó có thể xác định được mức độ lây lan của virus SARS-CoV-2.

MINH ĐỨC - TUẤN ANH

Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Thái Lan

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/44057502-thai-lan-xem-xet-sua-doi-cac-chien-luoc-kinh-te.html