Thái Nguyên: Chống thất thoát tài nguyên nhìn từ Dự án khu dân cư xã Khôi Kỳ
Dự án quy hoạch khu dân cư xóm Gốc Quéo, xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ do Công ty Cổ phần Bất động sản Detech Land làm chủ đầu tư đang đi vào san lấp, xe chở đất đá gây bụi mù mịt.
Tóm tắt:Dự án Đại Từ Golden Silk có tên pháp lý là Điểm dân cư nông thôn xã Khôi Kỳ tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Chủ đầu tư dự án Đại Từ Golden Silk Thái Nguyên là Công ty Cổ phần Bất động sản Detech Land. Diện tích khu đất: 8,569 ha. Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án: 116,459 tỷ đồng. Trong quá trình thi công dự án này đã bộc lộ nhiều bất cập. Ngoài việc xe chở đất đá thực hiện dự án gây bụi mù mịt thì dự án này đang tiêu thụ khối lượng lớn đất không rõ nguồn gốc. Bài viết phân tích về thực trạng tại dự án trên cơ sở tham chiếu các nội dung theo các quyết định đã được phê duyệt, thẩm định đánh giá báo cáo tác động môi trường đã được cấp cho doanh nghiệp; Những vấn đề cần hoàn thiện để phù hợp với thực tế khai thác tài nguyên khoáng sản, kiến nghị UBND tỉnh Thái Nguyên có biện pháp giám sát, xử lý tránh gây thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường.
Bụi mù mịt ảnh hưởng người dân
Dự án Đại Từ Golden Silk có tên pháp lý là Điểm dân cư nông thôn xã Khôi Kỳ tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Dự án có tổng chi phí thực hiện là 116,45 tỷ đồng, trong đó: Sơ bộ chi phí thực hiện dự án 86,514 tỷ đồng; sơ bộ chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 29,945 tỷ đồng.
Chủ đầu tư dự án Đại Từ Golden Silk Thái Nguyên là Công ty Cổ phần Bất động sản Detech Land, được thành lập ngày 14/02/2008, đặt trụ sở tại tòa nhà Detech, số 8, đường Tôn Thất Thuyết, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Dù mới khởi động lại việc thi công các hạng mục giao thông trong khu dự án sau một thời gian dài nằm “bất động”, nhưng dự án này đã bị người nhân và cử tri địa phương phản ánh nhiều vấn đề trong quá trình thực hiện.
Ngày 27/10, hệ thống tiếp nhận thông tin phản ánh của UBND tỉnh Thái Nguyên đã nhận được nội dung: Phản ánh về tình trạng xe chở đất đá san lấp tại xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.
Theo đó, dự án quy hoạch khu dân cư xóm Gốc Quéo, xã Khôi Kỳ đi vào san lấp xe chở đất đá gây bụi mù mịt đoạn tỉnh lộ 263B đoạn xóm Hòa Bình; xóm Gốc Quéo hướng đi xã Mỹ Yên làm ảnh hưởng tới người tham gia giao thông cùng những hộ sống lân cận. Người dân có phản ánh tới cán bộ địa phương nhưng nhà đầu tư vẫn không có động thái khắc phục ô nhiễm.
Sau khi nhận được phản ánh của người dân, UBND huyện Đại Từ đã xác minh và có ý kiến trả lời với nội dung: “Hiện nay nhà thầu, đơn vị thi công đã thực hiện tưới nước thường xuyên để tránh bụi gây ô nhiễm môi trường”.
Khai thác đất trái phép?
Trong quá trình thi công dự án này đã bộc lộ nhiều bất cập. Ngoài việc xe chở đất đá thực hiện dự án gây bụi mù mịt thì dự án này đang tiêu thụ khối lượng lớn đất không rõ nguồn gốc.
Theo ghi nhận ngày 27/1, nhiều xe tải to nhỏ khác nhau nối đuôi nhau khu vực mỏ khai thác chì, kẽm Côi Kỳ, xóm Đồng Cà, xã Khôi Kỳ lấy đất đổ vệ dự án.
Thực tế cho thấy, cả quả đồi to đã bị đào bới nham nhở. Tại hiện trường có 2 máy đào và nhiều ô tô đang chờ lấy đất.
Trao đổi với ông Dương Văn Tuấn – Chủ tịch UBND xã Khôi Kỳ cho biết: “Ngay khi nhận được thông tin việc khai thác vận chuyển đất trái phép, xã đã cử cán bộ chuyên môn xuống hiện trường để kiểm tra. Chúng tôi sẽ yêu cầu dừng ngay việc khai thác trái phép. Hôm trước, việc khai thác đất trái phép ở khu vực này đã diễn ra và xã đã yêu cầu phải dừng ngay”.
Ông Nguyễn Nam Tiến - Quyền Chủ tịch UBND huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Sẽ cho kiểm tra, xác minh về việc khai thác đất thuộc địa bàn xã Khôi Kỳ. Nếu đúng khai thác trái phép sẽ cho cho dừng ngay và xử lý đúng quy định”.
Chiều 23/11, đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị ký cam kết về trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản và việc chấp hành các quy định trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Việc tổ chức ký cam kết nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo đúng các quy định của pháp luật; nâng cao trách nhiệm và công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương, đơn vị trong công tác quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản.
Trước đó, ghi nhận có một số xe tải nhỏ chở lượng đất không rõ nguồn gốc về đổ tại dự án phóng viên đã thông tin sự việc đến chính quyền địa phương. Chủ tịch UBND xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ cũng cho biết, khi nhận được những thông tin phản ánh về việc dự án sử dụng đất san lấp có dấu hiệu chưa rõ nguồn gốc, xã đã có những trao đổi với phía chủ đầu tư dự án. Chủ đầu tư cũng cho biết, nguồn vật liệu san lấp hiện đang được lấy từ mỏ đá Cát Kết thông qua một đơn vị vận tải.
Thời điểm đó, đại diện chủ đầu tư cho biết, khối lượng đất xe tải nhỏ đổ về dự án là từ một đơn vị trên địa bàn đang san lấp mặt bằng để xây dựng nhưng không có chỗ đổ đất thừa nên tạo điều kiện để đổ vào khu dự án. Khối lượng đất khoảng hơn trăm khối. Còn dự án đang sử dụng đá cát kết từ mỏ Cát Kết, xã Cù Vân huyện Đại Từ để phục vụ cho việc san lấp mặt bằng hạng mục đang thi công.
Chia sẻ về nội dung này, ông Bắc (chủ đầu tư dự án) cho biết: Hiện đơn vị đang thuê doanh nghiệp Tuấn Sang vận chuyển vật liệu để phục vụ việc san lấp mặt bằng. Vật liệu san lấp được doanh nghiệp lấy từ mỏ Cát Kết ở xã Cù Vân.
Cát kết là loại một loại đá trầm tích với các mảnh vụn, khác với các loại đá hữu cơ, được tạo thành từ các hạt bị gắn kết mà các hạt này lại có thể là các mảnh vỡ của những viên đá tồn tại trước đó, vậy nên chúng mới có tên là Cát kết. Với kích thước các hạt cát có kích thước từ 0,1 mm tới 2 mm. Các loại đá với kích thước hạt nhỏ hơn gồm bột kết và sét kết. Các loại đá có kích thước hạt lớn hơn như đá dăm kết và sỏi kết và được gọi chung là cuội kết.
Còn quản lý mỏ đá Cát Kết, xã Cù Vân thì nói rằng: “Công ty cổ phần Khai khoáng Miền Núi được cấp phép khai thác đá cát kết làm vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ đá Cát kết xóm Khuyến, xã Cù Vân, huyện Đại Từ. Việc mỏ đang bán đá cát kết cho doanh nghiệp vận tải Tuấn Sang là đúng. Chúng tôi không bán trực tiếp cho dự án, bởi mỏ của chúng tôi là đá cát kết. Còn việc cam kết sử dụng đất, đá san lấp như nào là do chủ dự án cam kết sử dụng”.
Đại diện phía đơn vị vận tải Tuấn Sang khẳng định, đơn vị chỉ hoạt động vận tải. Đá cát kết được chúng tôi lấy từ mỏ đá Cát Kết, xã Cù Vân rồi vận chuyển về dự án. Mỏ xuất hóa đơn cho đơn vị vận tải, đơn vị vận tải xuất hóa đơn vận chuyển cho phía dự án.
Khối lượng đất đã đổ vào dự án tương đối lớn. Vậy, số lượng đất không rõ nguồn gốc nói trên có hóa đơn hay không, chất lượng thế nào, việc vận chuyển đất gây ô nhiễm môi trường ra sao? Kiến nghị các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên làm rõ.
Ngày 27/11, khi ghi nhận thực tế có tình trạng múc đất trái phép ở xóm Đồng Cà chở về đổ tại dự án, phóng viên đã thông tin sự việc đến chính quyền địa phương xã Khôi Kỳ. Đồng thời thông tin hình ảnh gửi đến Quyền Chủ tịch UBND huyện Đại Từ Nguyễn Nam Tiến nhưng đến ngày 28/11 tại khu vực nói trên vẫn diễn ra. Để ngăn chặn thất thoát tài nguyên khoáng sản, đảm bảo công tác môi trường phóng viên tiếp tục thông tin đến ông Tiến. Vị lãnh đạo huyện phản hồi sẽ cử cán bộ chuyên môn xử lý và thông tin lại với cơ quan báo chí.
Tiến sĩ luật Nguyễn Trung Thành, Chuyên gia về chính sách công, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường và Xã hội có những ý kiến phân tích về vấn đề tác động đến môi trường xoay quanh hiện tượng sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp một số dự án, công trình ven biển.
Dưới khía cạnh kinh tế môi trường và tài nguyên, khi sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng cũng sẽ tiết kiệm hàng hàng ngàn héc ta đất đang phải bố trí để làm bãi thải mỏ hiện nay.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhận thấy rằng, việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng cũng có thể gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường (đất và nước), nếu: (1) thành phần đất đá thải mỏ chứa hàm lượng cao các yếu tố hóa học độc hại như hợp chất lưu huỳnh, kim loại nặng (asen, đồng, chì), tính axit làm thay đổi nồng độ pH môi trường; hoặc (2) phương pháp thi công không đảm bảo khiến vật liệu đất đá thải mỏ tiếp xúc với không khí, nước làm ô nhiễm môi trường xung quanh.
Dưới góc độ kinh tế, cũng cần có đánh giá cụ thể, chi tiết về giá trị khoáng sản của đất đá thải mỏ, tránh trường hợp hàm lượng khoáng sản có ích trong đất đá thải mỏ vẫn cao, nhưng sử dụng sai mục đích cho hoạt động san lấp.
Dưới góc độ môi trường, để có thể đánh giá được lợi ích hay thiệt hại khi thực hiện phương án sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng, trước tiên cần xác định rõ về đặc điểm, thành phần của đất đá thải mỏ.
Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường tiếp tục thông tin!