Thái Nguyên dồn lực đẩy nhanh nhiều dự án trọng điểm, sẵn sàng đón 'đại bàng'

Cùng với việc bố trí tối đa nguồn lực, tỉnh Thái Nguyên đang quyết liệt giải phóng mặt bằng, tăng tốc giải ngân, thi công để đưa hàng loạt dự án trọng điểm hàng ngàn tỷ đồng hoàn thành đúng tiến độ.

Tăng tốc thi công để về đích trước tiến độ

Ngay những ngày đầu năm, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thị Thanh Hải đã dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra tiến độ thi công một số dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, dự án đường Vành đai V đoạn qua khu vực tỉnh Thái Nguyên (từ huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang) có tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng, chiều dài 6,68km do Ban Quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư.

Đến nay, dự án đã được bàn giao mặt bằng 28,3/29,29ha; giải ngân vốn đạt 58,5%; dự kiến thi công hoàn thành trong năm 2024, về đích sớm hơn 6 tháng so với tiến độ được phê duyệt.

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên kiểm tra tiến độ các dự án trọng điểm.

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên kiểm tra tiến độ các dự án trọng điểm.

Dự án tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc có tổng chiều dài tuyến 42,55km; địa điểm xây dựng tại TP Phổ Yên và huyện Đại Từ do BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư.

Dự án được khởi công ngày 12/5/2022 với tiến độ thi công 30 tháng. Đến nay đã được giải phóng mặt bằng 226,225/226,6ha; giải ngân vốn đạt 69%; dự kiến thi công hoàn thành dự án trong năm 2024.

Một dự án khác dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2024 là dự án xây dựng trụ sở làm việc Khối các cơ quan tỉnh Thái Nguyên có diện tích đất gần 14 nghìn m2; địa điểm xây dựng tại phường Trưng Vương (TP Thái Nguyên), tổng mức đầu tư 405 tỷ đồng. Hiện nay, nhà thầu đang triển khai thi công các tầng 1,2,3,4,5 của công trình.

Ngoài ra, đoàn công tác cũng đến thực địa tại một số dự án đang trong quá trình triển khai và dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

Đó là dự án khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Tây Phổ Yên có diện tích quy hoạch 1.128ha. Dự án này vừa được UBND tỉnh xin ý kiến các bộ, ngành về đồ án quy hoạch chung xây dựng đến năm 2045. Hiện nay, BQL các KCN Thái Nguyên đang tiếp thu, hoàn thiện theo ý kiến tham gia của các bộ, ngành, trình Sở Xây dựng thẩm định, UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.

Một phần khu vực quy hoạch Dự án Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Tây Phổ Yên.

Một phần khu vực quy hoạch Dự án Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Tây Phổ Yên.

Dự án sân vận động Thái Nguyên được giao cho BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư; địa điểm thực hiện tại xã Phúc Trìu (TP Thái Nguyên). Dự án có tổng mức đầu tư trên 535 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào quý 2/2025. Đến nay, dự án đã được GPMB khoảng 15/15,47ha.

Dự án xây dựng Sân vận động Thái Nguyên.

Dự án xây dựng Sân vận động Thái Nguyên.

Dự án Khu thể thao sân golf Tân Thái (huyện Đại Từ) do Công ty CP Golf Tân Thái làm chủ đầu tư với tổng kinh phí gần 600 tỷ đồng. Dự án có diện tích 84,2ha, dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động trong quý 4 năm 2025. Đến nay, nhà đầu tư đã được giao đất giai đoạn 1 với diện tích 45,7ha và đang triển khai đầu tư xây dựng theo quy hoạch, đảm bảo tiến độ. Đại diện công ty cam kết phấn đấu hoàn thành dự án trước 1 năm so với kế hoạch.

Bí thư Nguyễn Thanh Hải cho biết, đây là các dự án trọng điểm của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020-2025. Vì thế, tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt; bố trí tối đa nguồn lực để hoàn thành theo kế hoạch.

Dự án Khu thể thao sân golf Tân Thái (huyện Đại Từ).

Dự án Khu thể thao sân golf Tân Thái (huyện Đại Từ).

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên yêu cầu các chủ đầu tư đôn đốc nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ dự án, đảm bảo chất lượng, an toàn lao động và đúng quy định của pháp luật. Các sở, ngành, địa phương tích cực phối hợp với chủ đầu tư và các nhà thầu kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng theo kế hoạch.

Bà Nguyễn Thanh Hải lưu ý, trong quá trình triển khai thi công cần nghiêm túc thực hiện việc thanh, quyết toán đối với khối lượng công việc đã hoàn thành, góp phần thực hiện tốt việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công; thực hiện đúng cam kết tiến độ thi công, sớm đưa các công trình, dự án vào khai thác, góp phần tạo thêm điểm nhấn, động lực phát triển cho tỉnh Thái Nguyên...

Sẵn sàng đón "đại bàng" tỷ USD

Cùng với việc thúc đẩy hạ tầng giao thông, đô thị, Thái Nguyên cũng quan tâm đến các chính sách thu hút đầu tư để để xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những tỉnh giàu có và phồn thịnh nhất miền Bắc như mong mỏi của Bác Hồ khi về thăm Thái Nguyên năm 1964.

Cùng với việc thúc đẩy hạ tầng giao thông, đô thị, Thái Nguyên cũng quan tâm đến các chính sách thu hút đầu tư.

Cùng với việc thúc đẩy hạ tầng giao thông, đô thị, Thái Nguyên cũng quan tâm đến các chính sách thu hút đầu tư.

UBND tỉnh Thái Nguyên vừa ban hành chương trình xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên năm 2024. Trong đó, tỉnh nêu rõ quan điểm tập trung phát triển cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; phát triển khu vực phía Nam của tỉnh.

Đồng thời, chú trọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, công nghệ cao, điện tử, bán dẫn, chuỗi sản xuất, chuỗi sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; khuyến khích xã hội hóa xúc tiến đầu tư, sử dụng các nguồn lực ngoài ngân sách; tập trung vào công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, hỗ trợ nhà đầu tư.

Với tinh thần đó, ngay từ những ngày đầu năm 2024, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho đại diện pháp luật của Công ty TNHH Trina Solar Cell, với tổng mức đầu tư 454 triệu USD vào Khu công nghiệp Yên Bình.

Đây là dự án thứ 3 của Tập đoàn Trina Solar triển khai trên địa bàn tỉnh, nâng tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp này tại Thái Nguyên lên 932 triệu USD.

Tỉnh Thái Nguyên dồn lực đẩy nhanh nhiều dự án trọng điểm, sẵn sàng đón ‘đại bàng’.

Tỉnh Thái Nguyên dồn lực đẩy nhanh nhiều dự án trọng điểm, sẵn sàng đón ‘đại bàng’.

Trước đó, Trina Solar đã triển khai 2 dự án tại Khu công nghiệp Yên Bình với tổng số vốn đăng ký đầu tư 478 triệu USD, gồm: Dự án sản xuất tấm tế bào quang điện (pin năng lượng mặt trời), tấm module năng lượng mặt trời (vốn đầu tư 203 triệu USD) và Dự án sản xuất thanh Silic và tấm Silic đơn tinh thể (vốn đầu tư 275 triệu USD).

Cả 2 dự án đều sản xuất theo hướng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh. Hiện nay, 2 dự án đang hoạt động ổn định, đạt doanh thu gần 1,2 tỷ USD trong năm 2023; tạo việc làm ổn định cho khoảng 1.400 lao động, trong đó 90% là lao động Việt Nam.

Trong năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đã đã tổ chức và tham dự 4 chương trình xúc tiến đầu tư nước ngoài tại 6 quốc gia, vùng lãnh thổ, gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Cuba, Đài Loan, Trung Quốc... để quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên.

Kết quả, Thái Nguyên đã cấp quyết định chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư 10 dự án với tổng số vốn 1.503 tỷ đồng; cấp quyết định chấp thuận nhà đầu tư cho 14 dự án với tổng số vốn 16.989 tỷ đồng; phê duyệt kết quả trúng đấu giá lựa chọn nhà đầu tư với 5 dự án có tổng số vốn đạt 3.869,15 tỷ đồng…

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Thái Nguyên có 41 dự án FDI cấp mới với tổng số vốn đăng ký đạt 253,38 triệu USD, 17 lượt dự án tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký đạt 136,23 triệu USD.

Bảo Khánh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thai-nguyen-don-luc-day-nhanh-nhieu-du-an-trong-diem-san-sang-don-dai-bang-2254489.html