Thái Nguyên: Nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt và tài trợ kinh phí lập quy hoạch
Thực hiện nội dung Công văn số 1154/BXD-QHKT ngày 7/4/2022 của Bộ Xây dựng về việc tăng cường quản lý công tác lập quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, ngày 15/4/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng đã ký Công văn số 1490/UBND-CNN&XD gửi Sở Xây dựng, UBND các huyện, thành phố cùng các cơ quan chức năng trong tỉnh chỉ đạo.
Chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch lập quy hoạch, lập danh mục dự án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và kế hoạch kinh phí từ ngân sách nhà nước làm cơ sở để bố trí kinh phí ngân sách Nhà nước phục vụ công tác lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên địa bàn theo quy định.
Thực hiện nghiêm các quy định về tài trợ kinh phí để lập quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng theo đúng quy định pháp luật. Việc sử dụng kinh phí tài trợ lập quy hoạch phải đảm bảo thực hiện theo đúng quy định pháp luật về quy hoạch, quy hoạch đô thị, xây dựng; phát luật về ngân sách Nhà nước và các quy định pháp luật khác liên quan. Khi triển khai lập đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng được các tổ chức, cá nhân tài trợ kinh phí phải đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về trách nhiệm, thẩm quyền và trình tự, thủ tục tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định tại Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và các quy định pháp luật có liên quan.
Chịu trách nhiệm đảm bảo việc tài trợ kinh phí lập quy hoạch là tự nguyện, không điều kiện, không vì lợi ích của nhà tài trợ làm ảnh hưởng tới lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội cũng như tính minh bạch trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và không gắn với việc lựa chọn nhà đầu tư.
Đối với thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, thành phố Phổ Yên: Rà soát, lập, điều chỉnh các Quy hoạch phân khu đô thị làm cơ sở xác định các dự án đầu tư xây dựng trong đô thị và lập quy hoạch chi tiết. Chủ động rà soát, tổ chức lập điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị ngay sau khi Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tạm thời dừng tiếp nhận kinh phí tài trợ cho công tác lập quy hoạch chi tiết đô thị và quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn đến khi có văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh nhằm tăng cường khuyến khích các tổ chức, cá nhân tài trợ kinh phí cho hoạt động lập quy hoạch xây dựng đảm bảo đúng tinh thần tại khoản 2 Điều 19 Luật Xây dựng năm 2014 và các quy định pháp luật có liên quan.
Đối với UBND huyện Đại Từ, Phú Bình, Đồng Hỷ, Phú Lương, Định Hóa, Võ Nhai: Khẩn trương tổ chức lập, hoàn thiện Quy hoạch xây dựng vùng huyện đảm bảo chính xác về số liệu, tuân thủ đúng Quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, báo cáo UBND tỉnh xem xét, phê duyệt theo quy định.
Một động thái mới, Công an tỉnh này cũng vừa chính thức đề nghị các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố phối hợp, trao đổi thông tin về công tác tài trợ lập quy hoạch từ năm 2017 cho đến nay. Rà soát, trao đổi số liệu về công tác tài trợ lập, điều chỉnh quy hoạch với các nội dung như: Loại quy hoạch được tài trợ, số lượng, hình thức nhận tài trợ (tiền, sản phẩm đồ án quy hoạch, hợp đồng ba bên), số tiền tài trợ, điều kiện ràng buộc; số lượng dự án, nội dung điều chỉnh quy hoạch theo ý kiến đề xuất của doanh nghiệp. Các dự án đã triển khai theo đồ án quy hoạch được tài trợ; Nhà tài trợ hoặc doanh nghiệp có liên quan tham gia thực hiện, làm chủ đầu tư các dự án trong đồ án quy hoạch đã tài trợ; Việc doanh nghiệp tài trợ lập quy hoạch để xin dự án nhằm mục đích chuyển nhượng lại cho nhà đầu tư thứ cấp; Tiến độ thực hiện các dự án nhận tài trợ quy hoạch; công tác triển khai hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, không gian công cộng, công viên cây xanh, nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp tại các dự án nhận tài trợ quy hoạch; Diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp, mặt nước, vườn quốc gia, khu di tích lịch sử, làng nghề văn hóa, đất sản xuất, đất khác chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở đô thị, đất thương mại dịch vụ theo nội dung triển khai của các đồ án quy hoạch được tài trợ; Số lượng dân cư bị thu hồi đất phục vụ dự án tài trợ quy hoạch; số liệu về đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, chuyển đổi nghề nghiệp liên quan các dự án tài trợ quy hoạch; Vai trò của người dân trong tham gia phản biện việc lập, giám sát thực hiện, điều chỉnh quy hoạch…
Tiếp đó, Công an Thái Nguyên cũng đề nghị các ngành chức năng và địa phương đánh giá một số vấn đề như: Công tác bảo vệ bí mật Nhà nước trong quá trình lập quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị, đặc biệt liên quan đến nhà tài trợ, đơn vị tư vấn lập quy hoạch nước ngoài; công tác bảo vệ bí mật Nhà nước trong việc thu thập thông tin đánh giá hiện trạng kinh tế - xã hội, bất cập trong cơ chế, chính sách kinh tế trong quá trình lập quy hoạch; Mục đích của các doanh nghiệp tài trợ lập, điều chỉnh quy hoạch; sự phù hợp với các quy hoạch cấp trên, quy hoạch sử dụng đất; bất cập, sơ hở, thiếu sót trong quy trình lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện, điều chỉnh quy hoạch; việc tuân thủ pháp luật trong lựa chọn đơn vị tư vấn, chủ đầu tư đối với các dự án nhận tài trợ lập quy hoạch; Đánh giá tác động tới cộng đồng, xã hội (Dự án chậm triển khai dẫn đến quy hoạch treo, lãng phí tài nguyên đất đai; lệch pha cung cầu sản phẩm bất động sản trong các đồ án tài trợ quy hoạch; dự án triển khai không phù hợp nhu cầu ở thực của người dân, hiện trạng kinh tế - xã hội của địa phương, không đồng bộ cơ sở hạ tầng, không thu hút được dân cư, không tạo được công ăn việc làm, dự án bỏ hoang...).
Sự quyết liệt vào cuộc của chính quyền tỉnh, các cơ quan chức năng tại Thái Nguyên nhằm lập lại trật tự kỷ cương trong việc quy hoạch đô thị, quy hoạch xây sẽ dựng tạo môi trường đầu tư lành mạnh cho các doanh nghiệp tại Thái Nguyên, và mang lại niềm tin cho các tầng lớp nhân dân.