Thái Nguyên nỗ lực giúp dân an cư
Với tinh thần nhân ái, không để ai bị bỏ lại phía sau, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Tỉnh ủy, cả hệ thống chính trị tỉnh Thái Nguyên đang nỗ lực vào cuộc, huy động các nguồn lực để cơ bản xóa hết nhà tạm trên địa bàn vào tháng 6/2025. Qua đó, giúp dân có mái ấm an cư, việc làm thiết thực chào mừng đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Thời gian vừa qua, tất cả các cấp, các địa phương thuộc tỉnh Thái Nguyên đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát ở địa phương mình do đồng chí Bí thư cấp ủy làm trưởng Ban để thống nhất chỉ đạo, phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị, xác định phương pháp, cách làm, nguồn lực để cơ bản xóa hết nhà tạm cho người dân vào ngày 30/6/2025, sớm hơn so với mục tiêu chung của cả nước.
Qua rà soát, tỉnh Thái Nguyên còn gần 2.800 hộ gia đình đang sinh sống trong nhà tạm, nhà dột nát, con số này có thể sẽ còn tăng lên, vì một số địa phương đang hoàn tất việc thẩm tra, rà soát, thống kê để “chốt” danh sách. Trong đó, lớn nhất là trên địa bàn huyện Định Hóa còn gần 1.100 hộ, tiếp đến là huyện Võ Nhai còn gần 1.000 hộ đang phải sống trong những căn nhà tạm, dột nát.
Tỉnh Thái Nguyên xác định nguồn lực thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là gần 100 tỷ đồng, trong đó các địa phương tự bố trí 4,44 tỷ đồng; Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Hỗ trợ nhà ở của Bộ Quốc phòng, Quỹ Thiện tâm và nguồn xã hội hóa là 11,76 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 17,88 tỷ đồng; tỉnh bố trí để hỗ trợ các hộ là gần 64 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Phó Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Thái Nguyên Lê Quang Tiến cho biết: “Với sự chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương của các cấp ủy, đứng đầu là bí thư các cấp ủy, cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh đã và đang nỗ lực vào cuộc, phối hợp chặt chẽ cùng nhau để cơ bản xóa hết nhà tạm, nhà dột nát cho người dân theo đúng tiến độ, chất lượng đề ra”.
Mặc dù số nhà tạm, nhà dột nát không nhiều như một số địa phương khác, nhưng huyện Phú Lương xác định, việc cơ bản xóa hết nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên địa bàn vào tháng 6/2025 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy và chính quyền địa phương các cấp.
Bí thư Huyện ủy Phú Lương Nguyễn Quốc Hữu chia sẻ: “Chúng tôi huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Huyện lo tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ nguồn lực; cấp xã thống nhất với các hộ bàn phương án xây mới, sửa chữa nhà, cùng với thôn, xóm vận động họ hàng, làng xóm chung tay hỗ trợ. Công việc đột xuất cần giải quyết là hỗ trợ tất cả các gia đình bị ảnh hưởng bởi bão số 3 xây lại nhà mới xong đầu tháng 12/2024 để có nhà mới đón Tết Nguyên đán tới đây”.
Võ Nhai là một trong hai huyện có số nhà tạm lớn nhất, trong khi kinh tế của huyện lại kém phát triển nhất. Những ngày gần đây, lãnh đạo huyện Võ Nhai tổ chức lễ phát động xóa nhà tạm ở những xã vùng sâu, vùng xa khó khăn nhất nhằm vận động doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị hỗ trợ, phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách” trong cộng đồng với tinh thần ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít, ai có gì giúp nấy nhằm huy động sức mạnh của cả xã hội đối với việc xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Tại các hội nghị, giao ban của Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn toàn tỉnh và các địa phương, lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các huyện, thành phố chỉ đạo xuyên suốt, phải làm tốt việc thống kê, rà soát, không để sót một nhà tạm, nhà dột nát nào không được hỗ trợ trong chương trình nhân văn, nhân ái này.
Quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, nguồn lực đã có, nhưng khó khăn, vướng mắc nhất ảnh hưởng tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn là nhiều gia đình chưa đủ điều kiện để được hỗ trợ, không ít hộ đồng bào dân tộc thiểu số quan niệm nhà đang có tang nên chưa làm nhà mới, chưa được tuổi, chờ thu hoạch rừng, bán lứa lợn để có thêm nguồn lực nhằm xây dựng căn nhà khá hơn…
Với những trường hợp khó khăn, vướng mắc như vậy, tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các cấp, theo chức năng của mình, khẩn trương vào cuộc xem xét, giải quyết vướng mắc; vận động, giải thích, thuyết phục. Như hộ nào đã có đất ở lâu năm, nhưng chưa được cấp “sổ đỏ” thì khẩn trương xem xét, đối chiếu, phù hợp quy hoạch thì cấp “sổ đỏ” ngay; thực hiện chính sách đất đai đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số để giải quyết đất ở cho người dân ở vùng này.
Các cấp, cán bộ dân vận, nhất là cơ sở và người có uy tín ở khu dân cư tăng cường giải thích, thuyết phục người dân xóa bỏ quan niệm xưa cũ, lạc hậu, tín ngưỡng không phù hợp, lệch chuẩn để cùng nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, cộng đồng chung tay làm nhà mới cải thiện cuộc sống với chỗ ở tốt hơn, có mái ấm an cư để yên tâm lập nghiệp, phát triển kinh tế.
Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Tỉnh xác định, đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp trong tỉnh đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ, bài bản, quyết liệt để cơ bản xóa hết nhà tạm, nhà dột nát vào giữa năm sau, giải quyết một trong những vấn đề thiết yếu đối với người dân trên địa bàn”.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thai-nguyen-no-luc-giup-dan-an-cu-post846629.html