Thái Nguyên ơi, biết mấy tự hào!

Tháng Tám, tiết trời vào Thu, lòng người xao động với nhiều cung bậc của cảm xúc… Cảm xúc dâng trào, tự hào khôn xiết trong mùa Thu này. Mùa Thu cách mạng và chúng ta hưởng trọn thành quả của 75 năm thành lập nước Việt Nam mới, dân chủ, của dân, vì dân. Và, để có được điều cao cả đó, Đảng, nhân dân ta đã phải trải qua các cuộc trường chinh gian khổ mà mỗi người Việt Nam nhớ về đều vời vợi nhớ thương.

Trung tâm T.P Thái Nguyên. Ảnh Phương Thơm.

Trung tâm T.P Thái Nguyên. Ảnh Phương Thơm.

Có nhà thơ đã viết: Sao tôi thương những mùa thu trăng lu / Đêm sao Mai lặng lờ cá đớp / Ngày mặt trời đỏ rợp bóng cây / Tâm hồn tôi mầu mây / Quân phục xanh mầu lá / Việt Nam tôi thương quá / Yêu thương quá Việt Nam… Tôi cũng tự hào về quê hương chúng tôi - Thái Nguyên can trường và cá tính; bản lĩnh trong hào hoa… Đất nước có ngày 19-8, ngày 2-9, còn Thái Nguyên có Ngày thành lập chính quyền cách mạng 20/8/1945; Ngày Thái Nguyên mang tên đơn vị hành chính cấp tỉnh 4/11/1831, kể đến năm nay cũng đã 189 năm. Chúng ta yêu quê hương, tự hào về quê hương với những gì đã và sẽ có…

Xa xưa nhất, Thái Nguyên là một trong những cái nôi của loài người. Chúng ta có khu vực sông và núi Thần Sa (Võ Nhai), từ cả nghìn năm trước đã nổi tiếng nhiều vàng sa khoáng cũng như các mỏ vàng. Từ các di chỉ khảo cổ khai quật từ hang Phiêng Tung, Mái đá Ngườm… tại Thần Sa những năm 1980 cho thấy đây là nơi sinh sống của người Việt cổ thời trung kỳ đồ đá cũ (10 vạn năm trước).

Trước Công lịch, một người dân ở làng Giá, xã Đông Cao (Phổ Yên) có công đánh giặc Ân, các vương triều sau ghi công phong là Mạnh điền đại vương. Sau Công lịch, năm 40, Hai Bà Trưng đứng lên khởi nghĩa đánh đổ bộ máy cai trị của nhà Hán ở Giao Chỉ, nhân dân Thái Nguyên đã tích cực tham gia. Một nữ tù trưởng cai quản 70 động thuộc Võ Nhai, Đồng Hỷ có tên Hồ Đề đã tập hợp nghĩa binh kéo về Mê Linh hợp sức, trở thành phó tướng thứ hai của Trưng Trắc, sau Trưng Nhị. Châu Giã Năng (Phổ Yên ngày nay), thời nhà Tùy, Lương là quê hương của Lý Bí (Lý Bôn), năm 542 ông đánh thắng giặc Lương, xưng vua (Lý Nam Đế), định đô ở Thăng Long, đặt tên nước là Vạn Xuân.

Thời Lý, nổi lên Phò mã lang Dương Tự Minh, một tù trưởng giàu mạnh, yêu nước và thương dân. Ông giúp triều đình giữ yên miền biên viễn rộng dài phía Bắc. Thời hậu Lê, thế kỷ XV, đất Văn Yên, Đại Từ nổi lên là một trung tâm thương mại sầm uất, cha con Lưu Nhân Chú tụ nghĩa dưới cờ Lê Lợi, lập nhiều công trạng, Lưu Nhân Chú được phong tới chức tể tướng… Thời cận đại, Thái Nguyên nổi lên như một địa danh trọng yếu…

Một sự kiện vang dội cả nước, làm rung động nước Pháp, lan tỏa ảnh hưởng tới các xứ thuộc địa đã nổ ra ở Thái Nguyên vào đêm 30 rạng sáng 31/8/1917, đó là cuộc Khởi nghĩa Thái Nguyên chống Pháp do Trịnh Văn Cấn, tức Đội Cấn và nhân sĩ Lương Ngọc Quyến lãnh đạo…

Có thể thấy, trong dòng chảy lịch sử, đẹp nhất, hào hùng nhất đối với Thái Nguyên chính là thời kỳ chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám và hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đó là việc xây dựng những An toàn khu, thành lập Đội Cứu quốc quân 2 vào 15/9/1941; thành lập Chiến khu Nguyễn Huệ tại Đại Từ năm 1944… Địa chỉ đỏ của việc thống nhất lực lượng Cứu quốc quân và Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thành quân đội thống nhất có tên Việt Nam giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân bách chiến, bách thắng ngày 15/5/1945 tại Định Biên, Định Hóa.

Trang lịch sử sáng chói và là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân Thái Nguyên là đóng góp xuất sắc cho thắng lợi của cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp 9 năm, trong đó là bảo vệ thành công ATK tuyệt mật của cơ quan đầu não… Kết thúc các cuộc kháng chiến, Thái Nguyên có 180 điểm di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến, nhiều điểm di tích là quan trọng và đặc biệt quan trọng của đất nước. Ở đó chẳng những là chứng nhân mà còn là hành trang oai hùng để Thái Nguyên phát triển trong thời hòa bình, xây dựng…

Chúng ta cũng có quyền tự hào được sống, chiến đấu và lao động ở một vùng đất luôn đi đầu,luôn đoàn kết 8 dân tộc anh em, luôn tạo ra các điểm nhấn cho những đổi mới và phát triển… Để Thái Nguyên sau 75 năm có một diện mạo như hôm nay…

Trải qua 75 năm Nước Việt Nam mới, Thái Nguyên cũng có 31 năm (1965-1996) chung tỉnh cùng tỉnh Bắc Kạn, 20 năm ở vị trí trung tâm và là thủ phủ của Khu tự trị Việt Bắc (1956-1976). Trong hòa bình, Thái Nguyên là trung tâm của công nghiệp, đào tạo và văn hóa. Đối với Đảng bộ tỉnh, Thái Nguyên đã trải qua 19 nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội tỉnh Đảng bộ; kết quả phục vụ phát triển mỗi giai đoạn có khác nhau ít nhiều nhưng chung nhất là đưa tỉnh phát triển, đi tới.

Trong mạch cảm xúc tự hào và trách nhiệm, tôi đã đọc một cách chăm chú Dự thảo Báo cáo chính trị sẽ được trình Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XX sắp tới. Như nhà thơ Tố Hữu đã từng viết: 5 năm với bấy nhiêu ngày / Mà xem trời đất đổi thay đã nhiều! Bởi khi viết nhận xét này, tôi đặt mình ít nhất có 10 năm là thành viên của Ban Chấp hành Đảng bộ, thấu hiểu rằng để có thêm một chút tăng trưởng là nỗ lực, là lao động trách nhiệm của cán bộ và hơn triệu dân trong tỉnh… Kết lại của 5 năm (2015-2020) là những con số biết nói: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 11,1%/năm; bình quân thu nhập mỗi người dân năm 2015 là 51 triệu VND và ở năm 2020 này là 90 triệu VND; Công nghiệp và xây dựng đã đạt ngót 60%; thu ngân sách tăng bình quân 16,3% mỗi năm, năm cuối so với đầu nhiệm kỳ tăng 2,1 lần… Cây chè, mặc dù chúng ta chưa hẳn hài lòng về quy hoạch, phát triển sản phẩm đa dạng để tăng giá trị nhưng dấu ấn nhiệm kỳ là Thái Nguyên với 22.000ha, đã đứng đầu cả nước về diện tích (trước đứng đầu là Lâm Đồng) bình quân chung tăng chừng 4% một năm… Câu chuyện “xuyên nhiệm kỳ” về điện, đường, trường, trạm vẫn còn rất “nóng” vì đòi hỏi của cuộc sống, của phát triển luôn như vậy và 5 năm qua Thái Nguyên đã cố gắng đầu tư.

Thông thường, sau mỗi kỳ đại hội là việc đưa nghị quyết vào cuộc sống hay nói cách khác, nghị quyết được cuộc sống đón nhận thế nào? Vậy trước thềm đại hội và trong cả quá trình nữa, câu hỏi đặt ra là đã đưa được cuộc sống vào nghị quyết hay chưa. Nói cách khác,những đòi hỏi khả dĩ của cuộc sống hôm nay phải được đưa vào nghị quyết để phấn đấu thực hiện cho 5 năm tới?...

Tôi ngắm nhìn và hiểu dần ý nghĩa 2 bức phù điêu nơi Quảng trường Võ Nguyên Giáp. Đã hơn một nhiệm kỳ trôi qua cho việc thi công công trình cực kỳ ý nghĩa này. Chiều 20/8/1945, nơi đây chứng kiến Lễ mít tinh thành lập chính quyền cách mạng tỉnh Thái Nguyên, do Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp chủ trì… Vậy mà đã ba phần tư thế kỷ. Chữ tự hào không chỉ riêng ai, có đúng thế không bạn đọc yêu quý.

Hữu Minh (Hội nhà báo Việt Nam)

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/chinh-tri/thai-nguyen-oi-biet-may-tu-hao-274910-97.html