Thái Nguyên sẵn sàng cho ngày bầu cử

Tại thời điểm này, công tác triển khai tổ chức ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp tỉnh Thái Nguyên tại các địa phương, đơn vị đã hoàn thành trước tiến độ, bảo đảm chất lượng và theo đúng quy định của pháp luật.

Toàn bộ 9/9 UBND cấp huyện, 178/178 UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh đã thành lập xong Ủy ban Bầu cử ở cấp mình. Tỉnh Thái Nguyên đã thành lập 3 ban bầu cử ĐBQH và 27 ban bầu cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026. Ngoài ra, 88 ban bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện và 1.358 ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã cũng đã được thành lập và kiện toàn bảo đảm thành phần, tiến độ theo đúng quy định.

Tới nay, tỉnh Thái Nguyên chưa có đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến công tác bầu cử và người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp. Công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát bầu cử đã được các cơ quan liên quan của tỉnh triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Trên địa bàn tỉnh cũng chưa phát sinh vướng mắc trong công tác triển khai cuộc bầu cử.

Theo phân bổ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổng số ĐBQH khóa XV được bầu tại tỉnh Thái Nguyên là 7 đại biểu. Tại Hội nghị hiệp thương vòng ba, các đại biểu đã thảo luận, biểu quyết nhất trí lựa chọn, lập danh sách những người ứng cử ĐBQH khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026 gồm 13 người (trong đó, Trung ương giới thiệu 3 người, tỉnh giới thiệu 10 người).

Về cơ cấu người ứng cử ĐBQH do tỉnh giới thiệu, dân tộc thiểu số 6/10 người (chiếm 60%); phụ nữ 7 người (70%); tuổi trẻ 4 người (40%); ngoài Đảng 1 người (10%). Hội nghị cũng đã biểu quyết thống nhất, lựa chọn, lập danh sách những người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 gồm 105 người. Trong đó, cơ cấu dân tộc thiểu số 31/105 người (chiếm 29,5%); phụ nữ 47/105 người (44,7%); tuổi trẻ 33/105 người (31,4%); ngoài Đảng 10/105 người (9,5%); tái cử 29 người (38,7%).

Ông Phạm Thái Hanh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh cho biết, việc lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp là công việc rất quan trọng, phải được tiến hành chặt chẽ, kỹ lưỡng, theo đúng quy định; ngoài bảo đảm về số lượng, cơ cấu, thành phần, cần phải đặc biệt chú trọng về tiêu chuẩn, chất lượng người được giới thiệu ứng cử. Trong quá trình hiệp thương, lựa chọn giới thiệu người ứng cử, dù là tự ứng cử hay được các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu đều phải được thực hiện bình đẳng, dân chủ, khách quan, đúng quy định…

“Để cuộc bầu cử diễn ra đúng luật, đạt kết quả cao nhất, ngoài công tác hiệp thương, lựa chọn người ứng cử bảo đảm cơ cấu, thành phần, số lượng và tiêu chuẩn, thời gian tới MTTQ các cấp trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để mọi người dân hiểu rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của Quốc hội, của HĐND, cũng như nắm vững những nội dung chủ yếu của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, nhất là những nội dung về quyền và nghĩa vụ của công dân trong bầu cử, ứng cử; nắm vững tiêu chuẩn ĐBQH, tiêu chuẩn đại biểu HĐND để lựa chọn, bầu được những người đủ tiêu chuẩn, xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước các cấp. Đồng thời, coi trọng sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp với Ủy ban Bầu cử, Thường trực HĐND, UBND và các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam cùng cấp trong việc triển khai các bước của công tác bầu cử”, ông Phạm Thái Hanh chia sẻ.

Tuệ Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thai-nguyen-san-sang-cho-ngay-bau-cu-559806.html