Thái Nguyên thực hiện tiêu chí giáo dục trong xây dựng nông thôn mới

Thái Nguyên triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí về giáo dục trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Giáo viên Trường Tiểu học Quang Sơn, xã Quang Sơn, tỉnh Thái Nguyên hướng dẫn, rèn luyện các kỹ năng cho học sinh lớp 1.

Giáo viên Trường Tiểu học Quang Sơn, xã Quang Sơn, tỉnh Thái Nguyên hướng dẫn, rèn luyện các kỹ năng cho học sinh lớp 1.

Kết quả nổi bật trước hợp nhất

Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, có 2 tiêu chí trực tiếp liên quan đến lĩnh vực giáo dục. Tiêu chí số 5 (Trường học) quy định, xã đạt chuẩn khi có từ 70% trở lên số trường học (mầm non, tiểu học, THCS, liên cấp) đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học.

Tiêu chí số 14 (Giáo dục và Đào tạo) yêu cầu xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS từ mức độ 2 trở lên; xóa mù chữ mức độ 2 và tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học lên bậc trung học đạt từ 70% trở lên.

Thực hiện các tiêu chí trên, ngành giáo dục các địa phương trong tỉnh Thái Nguyên đã chủ động rà soát, điều chỉnh mạng lưới trường lớp phù hợp với điều kiện thực tế; sắp xếp tổ chức bộ máy hiệu quả; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý.

Từ ngày 1/7/2025, tỉnh Thái Nguyên (mới) được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn theo Nghị quyết số 202/2025/QH15 của Quốc hội. Sau hợp nhất, tỉnh có diện tích tự nhiên hơn 8.375 km², dân số gần 1,8 triệu người, với 92 xã, phường.

 Cô và trò Trường Tiểu học Thần Sa, xã Thần Sa, tỉnh Thái Nguyên, trong giờ học làm quen với tiếng Việt.

Cô và trò Trường Tiểu học Thần Sa, xã Thần Sa, tỉnh Thái Nguyên, trong giờ học làm quen với tiếng Việt.

Trước thời điểm sáp nhập, cả hai tỉnh đều đạt nhiều kết quả tích cực trong thực hiện tiêu chí giáo dục. Thái Nguyên (cũ) có hơn 600 trường học đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 89,2% - cao so với mặt bằng chung toàn quốc. Tỉnh Bắc Kạn cũng có hơn 140 trường đạt chuẩn, chiếm 49,65%.

Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng trường chuẩn, chất lượng phổ cập giáo dục tại hai địa phương cũng được nâng lên rõ rệt. Thái Nguyên là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn phổ cập tiểu học mức độ 3 và THCS mức độ 2. Bắc Kạn duy trì chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập tiểu học mức độ 3, phổ cập THCS mức độ 2 và xóa mù chữ mức độ 2.

Nhà giáo Nguyễn Thị Chai - Hiệu trưởng Trường Mầm non Nhã Lộng, xã Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên - chia sẻ: “Ngoài nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, nhà trường còn tích cực vận động xã hội hóa để sửa chữa những hạng mục nhỏ, đảm bảo đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Đây là sự chung tay của cả hệ thống chính trị và cộng đồng phụ huynh.”

Tại Trường Tiểu học và THCS Sỹ Bình, xã Vĩnh Thông, tỉnh Thái Nguyên, thầy Hiệu trưởng Chu Quốc Đạt tự hào cho biết: “Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS và hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100% mỗi năm. Trường luôn duy trì chuẩn phổ cập giáo dục, đồng thời được đầu tư kiên cố hóa các phòng học, đáp ứng đầy đủ điều kiện dạy và học.”

Những kết quả đó đã và đang tạo nền tảng vững chắc giúp Thái Nguyên thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, đồng thời thúc đẩy công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 29.

Những bước đi tiếp theo

Sau hợp nhất, tỉnh Thái Nguyên hiện có 976 cơ sở giáo dục, bao gồm 351 trường mầm non, 263 trường tiểu học, 49 trường liên cấp tiểu học - THCS, 238 trường THCS, 4 trường THCS - THPT, 46 trường THPT; 2 trung tâm giáo dục thường xuyên và 16 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên, đơn vị đang tiếp tục thực hiện các tiêu chí Trường học, Giáo dục và Đào tạo trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển trường học đạt chuẩn quốc gia; xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá và công nhận trường chuẩn; tập trung đầu tư cơ sở vật chất theo hướng đồng bộ, trọng điểm, phù hợp với quy hoạch phát triển nông thôn mới tại từng địa phương.

 Chất lượng dạy và học trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ngày càng được nâng cao. Ảnh: backan.gov.vn

Chất lượng dạy và học trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ngày càng được nâng cao. Ảnh: backan.gov.vn

Song song với đó, công tác phổ cập giáo dục tiếp tục được chú trọng. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các địa phương tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và tổ chức xã hội để huy động tối đa nguồn lực chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.

Việc xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, thân thiện, lấy học sinh làm trung tâm tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác xã hội hóa giáo dục, vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đóng góp cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy cũng đang phát huy hiệu quả rõ nét.

Trong tương lai, với nền tảng đã được xây dựng vững chắc, việc thực hiện tốt các tiêu chí về giáo dục không chỉ góp phần đưa các địa phương sớm đạt chuẩn nông thôn mới, mà còn đóng vai trò tạo đà phát triển lâu dài, bền vững cho tỉnh Thái Nguyên.

Quốc Tuân

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thai-nguyen-thuc-hien-tieu-chi-giao-duc-trong-xay-dung-nong-thon-moi-post738862.html