Thái Nguyên: Trên 120 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong lĩnh vực nông nghiệp

Tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt thực hiện 121 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, với tổng kinh phí trên trên 163 tỷ đồng cho 33 doanh nghiệp, 88 hợp tác xã với trên 3.600 hộ tham gia liên kết.

Từ năm 2018 đến nay, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt thực hiện 121 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, với tổng kinh phí trên trên 163 tỷ đồng cho 33 doanh nghiệp, 88 hợp tác xã với trên 3.600 hộ tham gia liên kết.

Cụ thể, có 88 dự án thuộc lĩnh vực trồng trọt, 25 dự án lĩnh vực chăn nuôi, 02 dự án lĩnh vực lâm nghiệp và 06 dự án lĩnh vực thủy sản. Theo đánh giá, sau khi triển khai các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, hầu hết các hợp tác xã đã kết nạp thêm các thành viên liên kết, mở rộng diện tích sản xuất, tăng vốn điều lệ; dần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung; nhiều sản phẩm được xếp hạng OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó 2 sản phẩm được xếp hạng OCOP 5 sao.

Sản phẩm của HTX Hương Vân trà đã đạt Chứng nhận OCOP 4 sao cung ứng ra thị trường.

Sản phẩm của HTX Hương Vân trà đã đạt Chứng nhận OCOP 4 sao cung ứng ra thị trường.

Một số dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tiêu biểu phải kể đến như: Dự án phát triển vùng nguyên liệu trồng cây quế, liên kết với doanh nghiệp trong việc thu mua, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm từ cây quế theo chuỗi giá trị trên địa bàn huyện Định Hóa, giai đoạn 2018 - 2020 do Công ty TNHH Vũ Hoa chủ trì thực hiện; Dự án xây dựng mô hình liên kết sản xuất chè VietGAP, chuyển đổi hữu cơ theo chuỗi giá trị gắn với du lịch làng nghề trên địa bàn huyện Phú Lương của Hợp tác xã chè an toàn Khe Cốc, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương; Dự án trồng, chăm sóc, chế biến, bảo quản, đóng gói, quảng bá sản phẩm chè Tân Cương, TP. Thái Nguyên của Hợp tác xã chè Hảo Đạt; Dự án liên kết phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh chè an toàn VietGAP, hữu cơ gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn xã La Bằng, huyện Đại Từ của Hợp tác xã chè La Bằng; Dự án xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nhung hươu tại Hợp tác xã chăn nuôi hươu Hội Cựu chiến binh Trọng Hùng, xã Tân Hòa, huyện Phú Bình.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có 04 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực trồng trọt do các doanh nghiệp, hợp tác xã tự triển khai thực hiện. Ngoài ra, có trên 1.300 trang trại chăn nuôi, hầu hết sản xuất theo chuỗi liên kết, áp dụng đồng bộ các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, trong đó, 400 trang trại đã liên kết với 13 công ty chăn nuôi liên doanh, gia công, hình thành 16 chuỗi hoạt động liên kết sản xuất chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm. Trong lĩnh vực thủy sản, có 05 công ty nuôi thương phẩm các đối tượng có giá trị kinh tế, liên kết sản xuất và tiêu thụ; 03 hợp tác xã nuôi tổng hợp các loài cá truyền thống đã có sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên cho biết, trong những tháng cuối năm, sẽ tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy và chính quyền các cấp triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ, tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Duy trì công tác điều tra dự tính, dự báo, tăng cường điều tra bổ sung theo dõi sát diễn biến các đối tượng sâu bệnh hại trên cây trồng và chủ động đề xuất các biện pháp phòng trừ có hiệu quả. Chỉ đạo, hướng dẫn trồng rừng theo quy trình kỹ thuật và khung thời vụ, đảm bảo chất lượng, số lượng cung ứng cây giống, kiểm tra chặt chẽ đối tượng đưa vào thiết kế trồng rừng đảm bảo đúng quy định, phấn đấu hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm 2023. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý đê điều; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh.

Điểm sáng đáng chú ý trong phát triển nông nghiệp Thái Nguyên là việc tăng cường công tác kết nối, xúc tiến thương mại. Đến nay, đã có gần 190 nghìn hộ sản xuất nông nghiệp được tạo tài khoản để đưa sản phẩm lên giao dịch trên sàn thương mại điện tử với 1.852 sản phẩm, tổng số giao dịch trên 2 sàn Postmart.vn và Voso.vn là 14.594. Cung cấp danh sách các cơ sở có sản phẩm đạt Chứng nhận OCOP của tỉnh, cơ sở được cấp xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tại các hệ thống siêu thị, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên cả nước.

Nguyên Mạnh

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/thai-nguyen-tren-120-du-an-lien-ket-san-xuat-theo-chuoi-gia-tri-trong-linh-vuc-nong-nghiep-80865.html