Thái Nguyên: Viglacera đề xuất đầu tư Dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công II giai đoạn 2

Công ty Cổ phần Viglacera Thái Nguyên (Công ty con của Tổng Công ty Viglacera) đã đề xuất đầu tư Dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công II giai đoạn 2, tỉnh Thái Nguyên với tổng vốn gần 4 nghìn tỷ đồng.

Theo báo cáo đề xuất thì hiện trạng khu đất thực hiện dự án có khoảng 21,52ha đất ở và có khoảng 517 hộ đang sinh sống.

Theo báo cáo đề xuất thì hiện trạng khu đất thực hiện dự án có khoảng 21,52ha đất ở và có khoảng 517 hộ đang sinh sống.

Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cầu hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công II giai đoạn 2, tỉnh Thái Nguyên do Công ty Cổ phần Viglacera Thái Nguyên đề xuất đầu tư có quy mô 296,24ha, trong đó có 85,176ha trước đây được quy hoạch là rừng sản xuất, nay đã được điều chỉnh ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp thời kỳ 2021-2030 theo Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 14/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ, gồm: 26,591ha thuộc lô 1, lô 2, lô 3, lô 4 khoảnh 2; lô 1, lô 2, lô 3, lô 4 khoảnh 3 tiểu khu 222A; lô 1, lô 2, lô 3, lô 4, lô 5, lô 6, lô 7 khoảnh 1; lô 1, lô 2, lô 3, lô 6 khoảnh 2 tiểu khu 222D, hiện trạng là rừng trồng cây keo, bạch đàn còn nguyên chưa bị tác động đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, còn lại 58,585ha đất không có rừng.

Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cầu hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công II giai đoạn 2 là dự án nhóm A, loại công trình hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp, với cấp công trình cấp II thực hiện tại xã Bá Xuyên và xã Tân Quang thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên.

Theo đề xuất, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 3.985,47 tỷ đồng; do Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư với thời hạn 50 năm kể từ ngày được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.

Dự án phù hợp với Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 14/3/2023. Dự án có trong danh mục công trình, dự án thực hiện trong quy hoạch sử dụng đất thành phố Sông Công thời kỳ 2021-2030, được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt tại Quyết định số 2751/QĐ-UBND ngày 24/8/2021. Dự án được HĐND tỉnh Thái Nguyên thông qua danh mục dự án thu hồi đất tại Nghị quyết số 208/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 với diện tích 300ha tại xã Tân Quang, xã Bá Xuyên, thành phố Sông Công. Dự án đã được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 thành phố Sông Công tại Quyết định số 3396/QĐ-UBND ngày 30/12/2022.

Theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần số 4601598818, đăng ký lần đầu ngày 06/12/2022 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên cấp, số vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Viglacera Thái Nguyên là 600 tỷ đồng. Theo Bộ Tài chính (Văn bản số 2128/BTC-ĐT ngày 8/3/2023): “Chỉ có 4 bản cam kết góp vốn thành lập công ty ngày 28/12/2022 của 4 cổ đông với tổng số vốn cam kết góp là 600 tỷ đồng trước ngày 05/3/2023, chưa đủ cơ sở đánh giá việc góp vốn chủ sở hữu của các cổ đông công ty, theo quy định của pháp luật để tham gia dự án theo quy định của pháp luật và năng lực thực hiện dự án của công ty”.

Cũng theo Bộ Tài chính: “Hồ sơ dự án đề xuất sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 3.985,47 tỷ đồng với quy mô dự án khoảng 296,24ha, tương đương với suất vốn đầu tư khoảng 13,45 tỷ đồng/ha là cao hơn suất vốn đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, Khu công nghiệp vùng Trung du và miền núi phía Bắc (trong đó có tỉnh Thái Nguyên) quy mô từ 100-300ha (8,52 tỷ đồng/ha) theo Quyết định số 65/QĐ-BXD ngày 20/01/2021 của Bộ Xây dựng, ban hành suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình năm 2020 và cao hơn một số dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp tại các tỉnh lân cận như: Dự án Khu công nghiệp Châu Minh - Bắc Lý - Hương Lâm tỉnh Bắc Giang là 10,47 tỷ đồng/ha, Dự án Khu công nghiệp Việt Hàn mở rộng tỉnh Bắc Giang là 8,5 tỷ đồng/ha…”.

Liên quan đến đề xuất của Công ty Cổ phần Viglacera Thái Nguyên, trong Văn bản số 1102/BXD-QHKT ngày 24/3/2023 Bộ Xây dựng kiến nghị về phương án thiết kế sơ bộ mạng lưới hạ tầng kỹ thuật, đề nghị làm rõ một số nội dung đề xuất chưa phù hợp quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp được phê duyệt bao gồm: Lộ giới đường giao thông mặt cắt TB-IB 55m, mặt cắt 3-5 25,5m (theo quy hoạch, giao thông Khu công nghiệp có các lộ giới là 36m, 28,5m và 22,5m). Xây dựng trạm cấp nước với công suất 12.000 m3/ngày đêm (theo quy hoạch chỉ xây dựng trạm cấp nước công suất 4.800 m3/ngày đêm để đáp ứng nhu cầu cho Khu số 2). Rà soát lại cơ cấu sử dụng đất của Khu số 2 do có sự điều chỉnh mặt cắt giao thông và tăng công suất trạm cấp nước; bổ sung đánh giá về khoảng cách an toàn môi trường của Khu liên hiệp xử lý chất thải Sông Công (tiếp giáp phía Đông Bắc của Khu số 2) đối với Khu công nghiệp.

Về xác định chi phí xây dựng và chi phí thiết kế, Bộ Xây dựng cho rằng: “Hồ sơ sơ bộ tổng mức đầu tư chưa thể hiện cơ sở, dữ liệu tính toán khối lượng các công tác xây dựng; số lượng, chủng loại thiết bị của dự án; giá và đơn giá được áp dụng… Chi phí một số hạng mục công trình có giá trị lớn được tạm tính nhưng không thể hiện căn cứ (như chi phí xây dựng nhà để xe Phòng cháy chữa cháy, nhà lưu trú cho đội cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Khu công nghiệp và cảnh quan hạ tầng ngoài nhà); do đó, chưa đủ có cơ sở để cho ý kiến chi tiết về chi phí xây dựng và chi phí thiết bị trong sơ bộ tổng mức đầu tư”.

Về việc bố trí nhà ở tái định cư, Bộ Xây dựng chỉ rõ: “Tại khoản 4, 5 Điều 35 Luật Nhà ở năm 2014 quy định trường hợp thu hồi đất và giải tỏa nhà ở để thực hiện dự án hạ tầng Khu công nghiệp, mà người có nhà ở bị giải tỏa có nhu cầu tái định cư thì chủ đầu tư dự án, phải xây dựng nhà ở để bố trí tái định cư trong cùng khu vực được quy hoạch xây dựng nhà ở cho người lao động, làm việc trong khu công nghiệp hoặc bố trí nhà ở tại nơi khác cho người được tái định cư. Trường hợp phải đầu tư xây dựng nhà ở để phục vụ tải định cư thì phải thực hiện theo dự án; đối với khu vực nông thôn thì dự án đầu tư xây dựng nhà ở để phục vụ tái định cư, phải bao gồm cả việc bố trí quỹ đất để phục vụ sản xuất cho người thuộc diện được tái định cư.

Theo báo cáo đề xuất thì hiện trạng khu đất thực hiện dự án có khoảng 21,5ha đất ở và có khoảng 517 hộ đang sinh sống. Theo báo cáo, Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 KCN Sông Công II (Quyết định số 2994/QĐ-UBND ngày 30/11/2022 của UBND tỉnh Thái Nguyên, dự kiến bố trí khoảng 23,24ha đất xây dựng nhà ở tái định cư với khoảng 500-700 lô đất phục vụ tái định cư, và đề xuất để giảm áp lực công tác giải phóng mặt bằng sẽ ưu tiên người dân thực hiện phương án tái định cư hỗ trợ bằng tiền theo phương thức tự nguyện. Như vậy, hồ sơ dự án đã có phương án tại định cư, tuy nhiên chưa báo cáo cụ thể nhu cầu về nhà ở tái định cư của 317 hộ dân nêu trên, do vậy, đề nghị căn cứ quy định pháp luật về nhà ở nêu trên để đảm bảo bố trí theo đúng quy định pháp luật.”

Được biết: Theo kế hoạch, tại Kỳ họp chuyên đề thứ 14 tới đây, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV sẽ thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng 26,591ha rừng trồng sản xuất, để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Sông Công II giai đoạn 2, tỉnh Thái Nguyên (Dự án đang đề xuất chủ trương đầu tư) nói trên.

Thái Nguyên Nhân

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/thai-nguyen-viglacera-de-xuat-da-u-tu-du-an-xay-dung-va-kinh-doanh-ket-cau-ha-ta-ng-khu-cong-nghiep-song-cong-ii-giai-doan-2-359939.html