Thái Thùy Linh: Từ ca sĩ Sao Mai điểm hẹn đến...nghiệp nông dân
'Bầu trời có sao chiều sao sớm, Đú Sáng kia có ở… một làng hữu cơ', câu hát tự cải biên từ sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương chợt ngân nga trong lòng tôi trong chuyến tham quan mô hình làng hữu cơ do ca sĩ Thái Thùy Linh làm trưởng nhóm.
Có đến tận nơi, thấy tận mắt những gì mà cô đã và đang làm, với những thành quả đã gặt hái được mới thấy sự đam mê, công sức và cả sự hy sinh của cô ca sĩ Sao Mai điểm hẹn 2004 vì ba chữ Xóm Hữu cơ là không thể đong đếm được.
Tinh thần vì cộng đồng
Biết Thái Thùy Linh và mô hình làng hữu cơ của chị đã lâu, giờ đây, những bạn bè và người hâm mộ muốn gặp cô ca sĩ Sao Mai thì phải cất công lên núi. Đó chính là lý do mà tôi dành hai ngày cuối tuần, tranh thủ tiết Xuân mát mẻ, khô ráo để đến thăm chị. Năm nay, mùa Xuân đến muộn. Có lẽ nhờ vậy mà chuyến đi tới Đú Sáng (Kim Bôi, Hòa Bình) của tôi lại thêm rộn ràng bởi hoa đào và hoa rừng đồng loạt khoe sắc.
Cùng thưởng thức ly vối nóng trong không gian trong lành mà Thái Thùy Linh gọi đùa là đầy “oxy tươi”, tôi lắng nghe chị chia sẻ về cơ duyên và hành trình đưa cô ca sĩ đam mê hoạt động cộng đồng thành nông dân công nghệ, hay nhà kinh doanh bất động sản cộng đồng.
“Tôi luôn quan tâm đến vấn đề CON NGƯỜI và dự án nào của tôi cũng vì CON NGƯỜI. Trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra, song hành với cái nghiệp cầm ca thì tôi được mọi người biết đến là một người làm thiện nguyện năng nổ. Từ những chương trình dành cho các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tại các bệnh viện cho đến các chiến dịch vì học sinh dân tộc miền núi hay đồng hành với người có hội chứng tự kỷ… Tôi sống bằng nghề hát nhưng bản thân lại luôn hướng đến cộng đồng”, ca sĩ Thái Thùy Linh chia sẻ.
Chính vì cá tính và cách sống đặt vấn đề con người lên hàng đầu nên qua những chiến dịch giải cứu nông sản, Linh nhận ra mâu thuẫn mà bản thân không cho phép mình tiếp tục “giải cứu” khi chính bản thân chị không sử dụng các nông sản đó trong căn bếp nhà mình. Lý do cực kỳ đơn giản: nó không đủ an toàn, bởi các chị không thể khẳng định được những nông sản mình giải cứu loại nào là an toàn, loại nào là vẫn còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Nếu giải cứu nông sản bẩn sẽ thành làm hại người tiêu dùng. Linh đau đáu suy nghĩ về một giải pháp dài hơi và bền vững hơn.
Trong lúc cô ca sĩ Sao Mai vẫn còn đang suy nghĩ thì Hà Nội – nơi mà chính gia đình và những người thân của chị đang sinh sống – trải qua những đợt cảnh báo về hàm lượng bụi mịn vượt ngưỡng cho phép rất nhiều lần. Chưa nguôi chuyện bụi mịn lại đến vụ cháy nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông… Vậy là cả nhà lại “bế” nhau về quê lánh nạn.
Linh loay hoay với gia đình nhỏ của mình, xoay xở tuyệt vọng để thêm oxy cho gia đình bằng cách trồng thêm nhiều cây xanh ở ban công, trồng dây leo rủ che kín ban công để ngăn phần nào bụi mịn… Đêm đêm, chị trăn trở với câu hỏi: nông nghiệp sạch, phải bắt đầu từ đâu?
“Làm các chương trình trong 10 năm trong bệnh viện – tiếp xúc với bệnh nhân, tôi cũng có hiểu biết nhất định về nguyên nhân các bệnh quái ác. Cái miệng của chúng ta chính là cửa ngõ cho bệnh dịch. Vậy phải làm sao để nông dân đi theo hướng sản xuất sạch, để thức ăn trong tủ lạnh từng gia đình đều an toàn hoặc ít độc hại hơn? Thực tế, nhiều người ở thành phố, muốn sử dụng thực phẩm sạch, đẹp mã nhưng giá phải thật rẻ… Điều này là khó có thể và chỉ khiến nông dân đổ xô theo hướng sản xuất nông sản bẩn để cạnh tranh về giá thành”, Thái Thùy Linh phân tích.
Cú hích Covid-19
Thái Thùy Linh quyết định bỏ phố về rừng kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu và gieo rắc bất tiện trên mọi phương diện của đời sống xã hội. Ý tưởng về rừng xuất phát từ chuyến “cách ly” bất đắc dĩ tại Vườn Du ca ở Hòa Thạch, Quốc Oai mà gia đình Thùy Linh bị kẹt lại do Covid-19 bùng phát.
Chỉ khi đại dịch xảy đến, sự đông đúc của thành phố mang đến quá nhiều nguy cơ cho sức khỏe thì những người thành phố bị kẹt lại ở nông thôn mới nhận ra bản thân đã bị thiếu thốn môi trường tự nhiên, trong lành quá lâu mà không biết. Thái Thùy Linh biết điều này từ khi Covid-19 chưa xuất hiện, nhưng đó chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Thời gian đó, chị vẫn còn bận rộn với những dự án âm nhạc nên nỗ lực xích lại môi trường tự nhiên qua những lần đưa các con về quê chơi, ở lại nhiều nhất có thể hay cố gắng cải tạo không gian xanh giữa lòng thành phố cho cả gia đình. Nhưng, Linh biết như thế là chưa đủ…
Sau chuyến tình nguyện vào tâm dịch Covid-19 TP. Hồ Chí Minh để mang 70.000 suất ăn đến cho người dân, hỗ trợ lực lượng y bác sĩ chống dịch và xăng xe cho người dân rời Sài Thành về quê… Thái Thùy Linh trở về Hà Nội mang theo một ký ức tang thương.
“Tôi suy nghĩ rất nhiều và thấy mình không thể nào lập tức váy áo xúng xính, đứng trên sân khấu sau khi vừa rời khỏi nơi tang thương như thế. Tôi quyết định tạm dừng việc ca hát để tự chữa lành và tái tạo năng lượng với cuộc đời. Lang thang trên mạng nhiều, tôi gặp Thạc sĩ Hoàng Xuân Công – người khởi xướng Liên minh nông nghiệp tử tế. Bằng kiến thức của mình, anh đã hướng dẫn nông dân sử dụng những thứ mà các vùng nông thôn đều có để xử lý phân bón, nước thải…”.
Thái Thùy Linh cũng có duyên gặp gỡ bà Nguyễn Thị Liên - Chủ trại giun quế GHT ở xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Nữ Thiếu tá quân đội về hưu, đã ngót 70 tuổi song vẫn không quản ngại chuyện đi về giữa Hà Nội và Hòa Bình để sát cánh cùng với xóm hữu cơ trong vai trò cố vấn kỹ thuật.
Tìm được hướng, tìm được bạn đồng hành tiếp đó tìm địa điểm là xong. Trước đây, Thái Thùy Linh có nhiều chuyến đi chơi, biểu diễn ở Hòa Bình, nhưng phần lớn chỉ đến thành phố. Chị chưa từng đến những vùng hẻo lánh, kém phát triển hơn. Khi đến Kim Bôi, chị nhận ra, nơi đây cũng đẹp chẳng kém những nơi khác mà chị đến. Miền đất này cũng không quá xa Hà Nội. Nghĩ là làm. Linh đi tìm đất để “định nơi xây nhà”. Cái duyên với Đú Sáng đã bắt đầu như thế.
Linh từ một ca sĩ 20 năm chỉ biết hát trở thành nông dân. Bạn bè, người thân của Linh động viên có, hoài nghi có. Người ta thắc mắc cô Linh thì biết gì về nông nghiệp mà lại đứng lên hướng dẫn bà con? Vậy muốn thuyết phục được bà con thì mình phải đi đầu. Thế là gần một năm qua, Thái Thùy Linh tự canh tác hữu cơ và cải tạo chính mảnh đất của mình.
Chị bảo: “Khi tôi cải tạo đất bằng vi sinh, những người dân bản địa đến làm cho tôi sẽ hiểu về canh tác hữu cơ. Khi tôi thành lập Xóm Hữu cơ thì những người thành phố về đầu tư những mảnh vườn nhỏ trong xóm của tôi sẽ biết canh tác hữu cơ. Dần dần, tôi mong muốn có thể lan tỏa tinh thần sản xuất hữu cơ thành thôn Hữu cơ hay xã Hữu cơ, thậm chí huyện Hữu cơ”.
Ban đầu, nhiều người hiểu lầm Thái Thùy Linh đầu tư mô hình sản xuất nông sản hữu cơ, cũng có người tưởng đây là một chương trình tình nguyện… Nhưng Linh cho biết: “Đây là một mô hình kinh doanh bất động sản mới. Ý tưởng ban đầu tôi chỉ làm để áp dụng với một nhóm nhỏ khách hàng, nhưng càng làm, tôi càng thấy ý nghĩa của nó đối với cộng đồng nên muốn phát triển và nhân rộng mô hình này”.
Cuối cuộc chuyện trò, tôi tình cờ gặp Thạc sĩ Hoàng Xuân Công Phó Viện trưởng Viện Phát triển tài năng Việt Nam, đồng sáng lập Liên minh nông nghiệp tử tế mà Thái Thùy Linh nhắc đến khi anh đang hướng dẫn bà con cách xử lý mùi chuồng trại gia súc. Anh chia sẻ: “Tôi thận trọng khi đánh giá một dự án là thành công. Nhưng với dự án của Linh thì tôi khẳng định là cô ấy đang trên đà thành công vì Linh đã làm và kết hợp được với người dân địa phương. Linh đã tập sự làm nông dân, khuyến khích được bà con sử dụng nguyên liệu tại địa phương để làm vi sinh, sao cho tiết kiệm chi phí sản xuất, sống được bằng nghề nông và không gây hại cho bản thân, môi trường và người tiêu dùng”.
Bà Nguyễn Thị Liên nhận xét về Linh: “Em ấy rất sáng tạo và luôn hướng đến môi trường”.
Chia tay Thái Thùy Linh, chia tay bà con nông dân ở Đú Sáng, chào tạm biệt những công dân mới của Xóm Hữu Cơ… tôi thấy lòng dâng lên niềm vui là lạ. Một cô ca sĩ đi ủng, đội nón kín mít đứng giữa trời nắng gió Kim Bôi để chỉ huy máy xúc, máy ủi cải tạo “vương quốc” hữu cơ của mình. Nó là cái gì đó cao hơn cả niềm đam mê và tôi biết, với Linh, đó là mục tiêu sống, SỐNG SẠCH.