'Thái tử' Lee Jae-yong mở ra kỷ nguyên mới của Samsung
'Thái tử Samsung' được mô tả là nhà lãnh đạo khiêm tốn và có tư duy kinh doanh nhạy bén. Ông đóng vai trò quan trọng trong kỷ nguyên mới của tập đoàn điện tử tiêu dùng Hàn Quốc.
Phó chủ tịch Samsung Lee Jae-yong đến Việt Nam ngày 19/10 và công tác tại Việt Nam trong ba ngày. Ông Lee - thường được truyền thông Hàn Quốc gọi là "thái tử Samsung" - muốn tìm kiếm sự hỗ trợ trong việc mở rộng hoạt động sản xuất của tập đoàn tại Việt Nam.
Ông Lee Jae-yong là con trai duy nhất của Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee. Theo bảng xếp hạng tỷ phú của Forbes, ông Lee là người giàu thứ ba Hàn Quốc với khối tài sản 6,8 tỷ USD. Forbes cũng từng xếp hạng ông cùng Chủ tịch Lee Kun-hee là người quyền lực nhất Hàn Quốc.
Tại Hàn Quốc, Samsung là một đế chế khổng lồ còn Chủ tịch Lee Kun-hee được xem như một biểu tượng của giới kinh doanh. Nhưng người thừa kế duy nhất của ông vẫn là một nhân vật bí ẩn với giới truyền thông. Ông Lee Jae-yong hiếm khi tiếp xúc với phóng viên hay xuất hiện ở nơi công cộng.
Tiếng nói tại Thung lũng Silicon
Tờ Fortune từng nhận định ông Jae-yong là "tất cả những gì mà Samsung muốn". Ông nhận bằng đại học về Lịch sử Đông Á tại Đại học Quốc gia Seoul và bằng thạc sĩ ở Đại học Keio Nhật Bản. "Thái tử Samsung" cũng theo học tiến sĩ tại Trường Kinh doanh Harvard trong vòng 5 năm dù không nhận bằng.
Con trai duy nhất của Chủ tịch Samsung thông thạo tiếng Anh và tiếng Nhật, quen biết rộng khắp châu Á và phương Tây. Kỹ sư phần mềm Ryozo Yoshikawa kể rằng vào thời điểm ông Jae-yong làm việc chính thức tại Samsung hồi năm 2001, ông ngồi giữa các bàn thư ký của từng đơn vị kinh doanh. Họ giúp người thừa kế tìm hiểu về mọi ngóc ngách của tập đoàn.
Kỹ sư Yoshikawa gia nhập Samsung vào năm 1994 và theo dõi ông Jae-yong phát triển từ một sinh viên đại học những năm 1990 thành một giám đốc điều hành trẻ tuổi. "Thái tử Samsung" trải qua hàng loạt vị trí, từ giám đốc khách hàng, giám đốc điều hành cho đến Phó chủ tịch Samsung Electronics vào năm 2012, theo Bloomberg.
Ông Greg Tarr, cựu chuyên gia phân tích công nghệ của Deutsche Bank AG, kể ông Jae-yong được cử đi đàm phán với CEO Apple Steve Jobs. Và chỉ có duy nhất một giám đốc điều hành của Samsung được mời đến lễ tưởng niệm của nhà sáng lập Apple. Đó là ông Jae-yong", ông Tarr kể lại.
Hiện, ông vẫn là cầu nối quan trọng trong mối quan hệ giữa hai tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Phó chủ tịch Samsung cũng giữ liên hệ với CEO AppleTim Cook và ông Jeff Williams, Giám đốc quản lý chuỗi cung ứng và thu mua toàn cầu của Apple.
"Tôi nghe nói rằng mối quan hệ (giữa ông Jae-yong và Apple) rất tốt. Họ giống như Romeo và Juliet. Dù gia đình hai bên cấm cản, họ vẫn quyết định đến với nhau", ông Lee Keon Hyok, cựu chuyên gia kinh tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhận xét.
"Thái tử Samsung" cũng nhận được sự kính trọng tại Thung lũng Silicon, nơi có hàng trăm lập trình viên Samsung tận tụy với việc phát triển phần mềm điện thoại thông minh. Ông Greg Tarr kể rằng ông đã gặp ông Jae-yong trong một bữa tiệc năm 2002 ở Seoul.
Giản dị, khiêm tốn
Nhưng vị chuyên gia công nghệ không nhận ra bản thân đang nói chuyện với ai cho đến khi họ trao đổi danh thiếp."Ông ấy rất bình thường và khiêm tốn", ông Tarr nhớ lại. "Ông Lee cũng vô cùng sắc sảo khi hiểu rằng điện thoại không chỉ đơn giản là thiết bị nghe gọi. Đó là thời điểm 5 năm trước khi chúng ta có iPhone", ông nói thêm.
Ông David Herro, Giám đốc đầu tư của Harris Associates LP (Chicago), đã gặp ông Jae-yong vài lần, trong đó có một cuộc nói chuyện 90 phút tại trụ sở chính của Samsung. "Thay vì khoác lác, thái độ của ông ấy là: 'Được rồi, chúng tôi đã đến được đây nhưng không dễ dàng để ở lại'", ông Herro kể lại.
"Một trong những mối quan tâm hàng đầu của ông ấy là làm cách nào để tập đoàn luôn tiến lên phía trước. Theo tôi, đó là một tư duy kinh doanh rất trưởng thành", ông bình luận.
Những người từng tiếp xúc với phó chủ tịch Samsung đều nhận xét ông là người thân thiện và giản dị. Một cựu nhân viên Samsung kể rằng "thái tử" thường đi một mình, không quá chú trọng vào ăn mặc và rất nhiệt tình chào hỏi mọi người. Ông Jae-yong còn yêu cầu nhân viên không phải cúi đầu chào 90 độ tại trụ sở chính Samsung.
Người thừa kế Samsung đã ly dị và có hai con. Theo nguồn tin của Fortune, cuộc sống của người bố đơn thân và hai con cũng vô cùng đơn giản. Người đàn ông giàu thứ ba Hàn Quốc sống trong một ngôi nhà khá khiêm tốn tại một khu phố cao cấp ở Seoul.
Một số người nhận xét ông Lee không có khả năng và phong thái lãnh đạo như cha mình. Tuy nhiên, nhiều nhân viên trong Samsung cho rằng sự trầm lắng, điềm đạm của "thái tử" che giấu quyết tâm vững vàng bên trong. Theo họ, chính tính cách này sẽ giúp Samsung giữ vị trí hàng đầu toàn cầu về truyền hình, chip nhớ, màn hình phẳng và điện thoại thông minh.
Ông Jae-yong sẽ là người chịu trách nhiệm cho các lĩnh vực kinh doanh mới của tập đoàn, bao gồm chăm sóc sức khỏe sinh học và năng lượng mặt trời, theo Reuters. Đây vốn là động lực tăng trưởng trong tương lai của Samsung dù chưa đem lại doanh thu đáng kể vào thời điểm hiện tại.
Kỷ nguyên mới
Những người thân thiết nhận xét chính sự nhạy bén kinh doanh của vị phó chủ tịch đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi của gã khổng lồ điện tử tiêu dùng Hàn Quốc. "Ông ấy rất nhạy bén và thấu đáo. Ông Lee cũng có công lớn trong việc đưa ra những quyết định quan trọng, chẳng hạn như việc Samsung chuyển từ sử dụng LCD sang OLED", một vị giám đốc điều hành của Samsung tiết lộ.
"Luôn có những tin đồn xung quanh ông Lee, nhưng ông ấy không giống những gì được miêu tả trên các phương tiện truyền thông. Ông rất tận tâm với công việc và là một doanh nhân nghiêm túc", người này nói với Reuters.
Hồi tháng 9, Samsung tuyên bố Phó chủ tịch Lee Jae-yong đã "đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các hoạt động kinh doanh mới và mối quan hệ với khách hàng và đối tác toàn cầu". Tập đoàn bác bỏ các báo cáo của truyền thông về những hành vi sai trái của ông Lee và nhận định điều này có thể ảnh hưởng đến "không chỉ Samsung và còn tương lai của nền kinh tế Hàn Quốc".
Tập đoàn cũng nhấn mạnh vai trò của ông Lee trong thỏa thuận 5G với Tập đoàn viễn thông KDDI của Nhật Bản vào năm ngoái bất chấp quan hệ song phương ngày càng xấu đi. Samsung Electronics - viên ngọc quý của Samsung - báo cáo doanh thu hàng năm vào năm 2019 tương đương 12% sản lượng kinh tế của Hàn Quốc.
Ông Lee vẫn đang vướng vào cuộc chiến pháp lý với các công tố viên Hàn Quốc vì những cáo buộc hối lộ và tham nhũng. Trong một tuyên bố hồi năm 2017, ông khẳng định ước mơ của mình là "được công nhận khả năng giống như người cha Lee Kun-hee và ông nội Lee Byung-chull và cống hiến bản thân để phát triển đất nước".