Thăm bảo tàng người anh hùng 'áo vải'

Chúng tôi đến bảo tàng mang tên người anh hùng 'áo vải' Quang Trung – Nguyễn Huệ (thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa Tây Sơn vào những năm thế kỷ 18) như một sự sắp đặt.

Bởi lớp tập huấn phê bình văn học nghệ thuật được tổ chức tại Quy Nhơn – Bình Định vào cuối tháng 8/2024 thu hút các nhà báo, phóng viên, biên tập viên, lãnh đạo cơ quan tuyên giáo, hội văn học nghệ thuật, các trường đại học, nhà xuất bản của 49 tỉnh, thành về dự. Dù chỉ gói gọn trong 3 ngày tập huấn, nhưng ban tổ chức vẫn bố trí 1 buổi để học viên đến tham quan bảo tàng.

Gian thờ Nguyễn Nhạc.

Gian thờ Nguyễn Nhạc.

Gian thờ Nguyễn Lữ.

Gian thờ Nguyễn Lữ.

Gian thờ Nguyễn Huệ.

Gian thờ Nguyễn Huệ.

Nơi đây không chỉ lưu giữ những hiện vật lịch sử liên quan đến cuộc khởi nghĩa Tây Sơn mà còn là nơi lưu lại dấu tích ba anh em họ Nguyễn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Được khánh thành vào năm 1978 tại làng Liên Mỹ, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 45 km theo đường quốc lộ 19. Nơi đây được coi là bảo tàng Danh nhân lớn nhất cũng như bảo tàng thu hút được đông đảo khách đến tham quan du lịch và tìm hiểu về lịch sử nhiều nhất ở Việt Nam.

 Tác giả bên giếng nước cổ nhà Tây Sơn.

Tác giả bên giếng nước cổ nhà Tây Sơn.

Khu vực bảo tàng Tây Sơn Quang Trung Bình Định được thiết kế với cấu trúc 9 phòng trưng bày lưu giữ khoảng trên 11.000 hiện vật quan trọng liên quan đến khởi nghĩa Tây Sơn và 3 anh em họ Nguyễn. Nằm trong quần thể bảo tàng là điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt cùng các danh tướng thân cận, dưới sự chung tay góp sức của đông đảo nhân dân, vào năm 1958 điện thờ chính thức được khởi công xây dựng và hoàn thành vào năm 1960 ngay trên nền nhà cũ của ba em nhà Tây Sơn, với diện tích lên tới 2.325 m2. Bảo tàng Quang Trung Bình Định có 9 phòng trưng bày có lối kiến trúc vừa hiện đại vừa cổ kính với hệ mái lợp ngói âm dương tráng men và được thiết kế như một ngôi đình hay chùa của người Việt từ thế kỷ 18. Nhà trưng bày có 9 gian với hơn 11.000 tài liệu được trưng bày. Các giai đoạn phát triển của cuộc Khởi nghĩa Tây Sơn và Hoàng đế Quang Trung (1788 - 1792). Bảo tàng được thiết kế với bố cục cân đối, tỏa tròn ra 4 hướng và chụm lại vào điểm chính giữa – nơi đặt tượng đài Quang Trung – Nguyễn Huệ. Từ xa nhìn vào ta thấy bao quanh Bảo tàng Quang Trung là “khí chất” cổ xưa với những lớp mái ngói đỏ gạch, đường cong chạm khắc những hình uốn lượn điêu nghệ.

Hình ảnh tái hiện về quân Tây Sơn tập luyện.

Hình ảnh tái hiện về quân Tây Sơn tập luyện.

Trước sân có cổng tam quan, kế đó là nhà bia ghi công lao của vị anh hùng Quang Trung bằng chữ Quốc ngữ. Chính điện được chia thành ba gian, gian giữa thờ Nguyễn Huệ, gian bên trái thờ Nguyễn Nhạc, gian còn lại thờ Nguyễn Lữ. Hai đầu hồi điện đặt ban thờ các văn thần, võ sĩ nhà Tây Sơn: Bùi Thị Xuân, Ngô Thì Nhậm, Trần Quang Diệu, Ngô Văn Sở, Trần Văn Kỷ, Võ Văn Dũng…

Cho đến nay, trong khu vườn cũ của gia đình nhà vua Quang Trung vẫn còn lưu giữ 2 di tích cực kỳ quý giá: Giếng nước xưa và cây me cổ thụ, tương truyền lại là có từ thời Hồ Phi Phúc (thân sinh của ba anh em nhà Tây Sơn). Giếng nước cổ nằm bên phải điện Tây Sơn với đường kính là 0,9m. Nguyên tác được xây bằng đá ong và không sâu như bây giờ bởi sau này dân làng mới trùng tu để làm giếng chung cho cả làng.

Đoàn chúng tôi sau khi thắp hương trong các gian thờ, được hướng dẫn viên đề nghị tham quan di tích giếng nước. Tận tay từng thành viên trong đoàn thả dây gàu, kéo từng gàu nước mát, rửa mặt rồi uống, thưởng thức dòng nước ngọt từ gia đình nhà vua... Bảo tàng Quang Trung không chỉ là nơi lưu giữ những hiện vật lịch sử mà còn là nơi lưu truyền tinh thần võ thuật dân tộc Tây Sơn – môn võ thuật truyền thống của Bình Định. Để làm tăng thêm tính sinh động cho những bài múa võ, người dân nơi đây còn cho tái hiện màn trống trận năm xưa của vua Quang Trung. Mỗi bài trống trận đều gồm có 3 phần: Xuất trận, công thành, khải hoàn… Nhưng điểm đặc biệt ở đây là không hề có hồi trống thu quân, bởi người đời truyền tai nhau rằng trong cuộc đời thân chinh của “người anh hùng áo vải đất Tây Sơn” chưa một lần thất trận, chưa một lần phải thu quân, cứ chiến thắng liên tiếp như hồi trống dồn dập không dừng.

Bình Định nằm ở khu vực miền Trung của đất nước, nơi đây quanh năm sóng biển rì rào, nhiều danh thắng đẹp. Nơi có truyền thống võ thuật thấm sâu vào máu thịt nhân dân - được xem là cái nôi của nghệ thuật tuồng, bài chòi và các làng nghề truyền thống. Về Bình Định, dù có đi đâu, làm gì bạn hãy dành thời gian để đến đây để biết được về một triều đại ghi dấu ấn lớn của dân tộc ta. Và ngày nay, đây cũng là địa điểm mà khách du lịch đến tham quan, nghiên cứu, học tập, như một cách tìm hiểu về nguồn cội hào hùng của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ.

CÔNG NAM

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/tham-bao-tang-nguoi-anh-hung-ao-vai-123961.html