Thăm các di tích lịch sử cách mạng trên quê hương Hậu Lộc

Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, Hậu Lộc là vùng đất cổ có bề dày lịch sử, văn hóa. Nơi đây cũng là vùng đất sinh ra những người con ưu tú cho đất nước như Bảng nhãn Phạm Thanh (xã Hòa Lộc) – nhà nho khí tiết 'Quốc triều Á trạng' thời Tự Đức; Phạm Bành, em ruột Phạm Thanh – một trong những chỉ huy tài ba của cuộc khởi nghĩa Ba Đình (1886); Đinh Chương Dương (xã Hải Lộc) – nhà yêu nước và cách mạng kiên cường; Nguyễn Chí Hiền (xã Hòa Lộc) – Xứ ủy Bắc Kỳ, người trực tiếp lãnh đạo cuộc nổi dậy năm 1930 của nông dân Tiền Hải (Thái Bình); Lê Hữu Lập (xã Xuân Lộc) – người học trò ưu tú của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Bí thư đầu tiên của Việt Nam Cách mạng Thanh niên Thanh Hóa; mẹ Tơm (xã Đa Lộc) – người mẹ nghèo nhưng giàu lòng yêu nước, cách mạng... Để rồi hôm nay, mỗi di tích lịch sử cách mạng trên quê hương Hậu Lộc là nơi ghi dấu, bày tỏ lòng biết ơn của hậu thế đối với bậc tiền nhân.

Cô và trò Trường THCS Lê Hữu Lập (thị trấn Hậu Lộc) dâng hương tại khu tưởng niệm đồng chí Lê Hữu Lập. Ảnh: Huy Hùng (Trường THCS Lê Hữu Lập).

Những ngày thu lịch sử, trên hành trình về vùng đất Hậu Lộc, chúng tôi về làng Lộc Tiên, tổng Xuân Trường (nay là xã Hải Lộc) nơi sinh ra nhà cách mạng Đinh Chương Dương (1885-1972). Theo các tài liệu địa phương, ông sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm (bố ông đã từng tham gia phong trào Cần Vương và khởi nghĩa Ba Đình). Năm 1902, ông vào Nghệ An bắt liên lạc với các đầu mối của phong trào Cần Vương, mở đầu cho cuộc đời hoạt động của mình. Hơn 40 năm hoạt động, cuộc đời của nhà hoạt động cách mạng lão thành Đinh Chương Dương đã để lại tấm gương ngời sáng. Ông đã dẫn dắt nhiều thanh niên đến với cách mạng, nổi bật là đồng chí Lê Hữu Lập. Ông không chỉ hiến dâng đời mình cho cách mạng mà đã dìu dắt vợ, con tham gia góp phần cho cách mạng thành công. Đặc biệt, ông đã để lại hơn 100 bài thơ thấm đẫm tình yêu quê hương, đất nước và là nguồn tư liệu quý trong cuộc đời hoạt động sôi nổi và đấu tranh chống giặc kiên cường của ông cùng nhiều chiến sĩ cách mạng kiên trung.

Đến thăm Nhà lưu niệm chiến sĩ cách mạng Đinh Chương Dương, ngôi nhà được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống, toát lên vẻ linh thiêng, tôn nghiêm. Đặc biệt là trong cách bài trí, thờ tự, trưng bày hiện vật, các kỷ vật bên trong không gian ngôi nhà được sắp xếp hợp lý, để mỗi người dân, du khách đến tham quan càng hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp của người chiến sĩ cách mạng tiền bối kiên trung.

Cách thị trấn Hậu Lộc khoảng 2km, khu tưởng niệm đồng chí Lê Hữu Lập – người thanh niên cộng sản đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa, nằm trên địa bàn xã Xuân Lộc với không gian thoáng đãng, bình yên. Đồng chí Lê Hữu Lập (1897-1934) sinh ra ở tổng Xuân Trường (nay là xã Xuân Lộc). Năm 1923, Lê Hữu Lập theo Đinh Chương Dương hoạt động cách mạng. Năm 1924, ông được nhà cách mạng Đinh Chương Dương đưa sang Trung Quốc tham gia tổ chức Tâm Tâm Xã. Sau này, được tiếp thu Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và trở thành người cộng sản đầu tiên của quê hương Thanh Hóa. Ngày nay, khu tưởng niệm đồng chí Lê Hữu Lập được xây dựng là nơi tái hiện thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của người chiến sĩ cách mạng và sự tri ân của thế hệ trẻ đối với bậc cách mạng tiền bối thông qua các hình ảnh, hiện vật và tài liệu trưng bày. Khu tưởng niệm đã trở thành một địa điểm lịch sử thiêng liêng, là điểm di tích quan trọng, giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Hiện nay, tại thị trấn Hậu Lộc có ngôi trường mang tên người chiến sĩ cách mạng – Trường THCS Lê Hữu Lập. Ngôi trường có bề dày thành tích và dẫn đầu phong trào dạy và học của huyện Hậu Lộc nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung. Tên của ông cũng đã được đặt cho các tuyến đường, phố của tỉnh Thanh Hóa và cả nước.

Xuôi về vùng biển Đa Lộc, chúng tôi về thăm di tích lịch sử cách mạng nhà bà Nguyễn Thị Quyển (mẹ Tơm). Vùng đất Hanh Cát, Hanh Cù xưa (nay là thôn Đông Thành, xã Đa Lộc) là nơi người mẹ nghèo cùng gia đình đã nuôi giấu nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng. Để ghi nhớ công lao của gia đình mẹ Tơm đã đấu tranh chống đế quốc và bảo vệ cách mạng, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngày 9-3-1966, Thủ tướng Chính phủ đã tặng gia đình bà “Bằng có công với nước” và kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công”. Hai con trai bà Quyển là ông Vũ Văn Sồ và ông Vũ Đức Hậu được Nhà nước tặng kỷ niệm chương “Cán bộ cách mạng bị tù đày”. Ngày 8-9-2009, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã Quyết định xếp hạng nhà bà Nguyễn Thị Quyển (mẹ Tơm) xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc là “Địa điểm di tích lịch sử cách mạng”. Ngày 22-12-2010, nhà lưu niệm mẹ Tơm thuộc Khu Di tích lịch sử cách mạng nhà bà Nguyễn Thị Quyển (mẹ Tơm) được khởi công xây dựng và khánh thành ngày 15-9-2011. Hiện nay, khu mộ mẹ Tơm nằm trong khu di tích cũng đã được cháu, chắt tôn tạo khang trang, xứng đáng với công lao đóng góp cho cách mạng của ông bà và các con. Nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ, thu hút đông đảo Nhân dân, du khách đến tham quan, tìm hiểu truyền thống lịch sử.

Trên vùng đất Hậu Lộc, còn nhiều di tích lịch sử văn hóa, cách mạng như: nhà thờ họ Tăng (xã Hưng Lộc) là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng và in ấn tài liệu tuyên truyền của Đảng thời kỳ 1942-1945; di tích lịch sử cách mạng Phú Nhi (Hưng Lộc); chùa Vích - là công trình kiến trúc nghệ thuật thế kỷ XVII. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chùa Vích là nơi được các nhà hoạt động cách mạng dùng làm địa điểm hội họp và tuyên truyền Chủ nghĩa Mác-Lênin. Nơi ATK (an toàn khu) của các đồng chí Đinh Chương Dương, Lê Hữu Lập, Lê Tất Đắc, Đinh Chương Lân,... trong những năm tháng hoạt động bí mật ở Hậu Lộc, Thanh Hóa; nhà lưu niệm chiến sĩ cách mạng Nguyễn Chí Hiền (Hòa Lộc) - là địa điểm di tích lưu niệm danh nhân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bảo vệ Tổ quốc; trận địa Đông Ngàn (Hoa Lộc) – nơi trung đội gái dân quân Hoa Lộc bắn rơi máy bay Mỹ...

Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, cách mạng luôn được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân huyện Hậu Lộc quan tâm, chú trọng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào cách mạng cho thế hệ trẻ. Từ truyền thống lịch sử, văn hóa vừa là niềm tự hào cũng là một phần sức mạnh nội lực để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Hậu Lộc nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương giàu mạnh, phát triển.

Ngọc Huấn

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/tham-cac-di-tich-lich-su-cach-mang-tren-que-huong-hau-loc/193209.htm