Thảm cảnh bên trong hãng bay hơn 100 năm tuổi của Mỹ: Quý I sắp mất trắng hơn 4 tỷ USD tiền mặt, CEO, chủ tịch lần lượt từ chức, cổ phiếu lao dốc 25% từ đầu năm
Khủng hoảng chưa từng có với hãng bay từng được coi là biểu tượng nước Mỹ này.
Tháng 10/2023, cựu giám đốc điều hành Boeing Dave Calhoun vội tập hợp các nhân viên nhà máy sau khi được thông tin về tình trạng lỏng ốc ở hệ thống điều khiển cánh đuôi. Bốn tháng trước đó, hãng này cũng phát hiện một số vấn đề liên quan tới những lỗ bắt vít không đúng cách trên vách ngăn áp suất phía sau máy bay.
“Nhiều người thắc mắc liệu chúng tôi có đang lỡ bước hay không. Tôi thấy điều đó hoàn toàn không đúng”, Calhoun nói và tiếp tục ca ngợi sự nghiêm ngặt trong quy trình sản xuất máy bay. “Tôi tự hào về đội ngũ của mình và tin tưởng rằng chúng tôi sẽ có thể đưa Boeing đi đúng hướng”.
Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau, Boeing tiếp tục gặp sự cố. Hơn nửa giờ đồng hồ sau khi cất cánh từ thành phố Portland, bang Oregon, chiếc Boeing 737 Max 9 đã phải quay trở lại Portland hôm 5/1 vì cửa thoát hiểm giữa cabin phía sau tách hoàn toàn khỏi máy bay. 177 hành khách và thành viên phi hành đoàn đều hạ cánh an toàn, song sự việc cho thấy hành trình lấy lại danh tiếng của Boeing phía trước còn rất xa.
Để nhấn mạnh tình hình đang phức tạp như thế nào, một thông báo nội bộ có nội dung: “$$TIER-CHG: 2 – 3 $$” theo mục ngày 17/9 trên Shipside Action Tracker (SAT) đã được The Wall Street xem xét. SAT giống như một kênh của nhà máy nhằm khắc phục sự cố sản xuất.
Dựa trên nhật ký và các cuộc phỏng vấn nhân viên Boeing làm việc trên máy bay, phi hành đoàn đã không thể tuân thủ lịch trình. Áp lực sản xuất ngày càng tăng khi sự chậm trễ chồng chất. Các công nhân đã kéo dài gấp 50 lần thời gian ước tính để xử lý những chiếc đinh tán hư hỏng xung quanh khung chốt cửa. Mọi thứ chỉ chính thức hoàn thành vào ca sáng ngày 20 tháng 9, sau khi quá trình kiểm tra chất lượng lần cuối diễn ra vào tối hôm trước.
Sự cố hôm 5/1 khiến Boeing phải đối mặt với cuộc điều tra của Cục Hàng không Liên bang cũng như sự giám sát kéo dài hàng tháng trời của quốc hội và giới truyền thông. Sẽ mất rất nhiều năm để công ty này tìm lại những gì đã mất, thậm chí tạm dừng hoạt động một thời gian trước khi mọi thứ ổn thỏa.
“Họ đã gặp vấn đề về kiểm soát chất lượng từ lâu. Họ cần nhận ra những vấn đề mà họ gặp phải”, Tim Clark, chủ tịch Emirates, một trong những khách hàng quan trọng nhất của Boeing, cho biết.
Nhiều lãnh đạo cấp cao đã rời đi, trong đó có giám đốc điều hành Dave Calhoun - người từng cam kết sẽ cải thiện chất lượng và độ an toàn của hãng mình. Hiện nhà máy sẽ giảm tốc để Boeing tập trung toàn tâm vào chất lượng các chuyến bay. Công ty cũng đang đàm phán với Spirit để thực hiện thương vụ mua lại trong nỗ lực hạn chế sự cố.
“Trong nhiều năm, chúng tôi ưu tiên việc di chuyển máy bay qua nhà máy hơn là thực hiện đúng quy trình. Điều đó phải thay đổi. Đội ngũ lãnh đạo đã nhận ra sai lầm ngay sau ngày 5/1”, Brian West, giám đốc tài chính của Boeing, cho biết.
Nhật ký SAT cho thấy việc sửa chữa các đinh tán bị hư hỏng đã được thực hiện trong nhiều ngày. Tuy nhiên, theo Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, các công nhân dường như đã không thay thế được 4 bu lông quan trọng nhất để giữ tấm pin ở đúng vị trí. Có ý kiến còn cho rằng một thợ cơ khí đã cố tình mở chốt cửa.
Khi Dave Calhoun đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành của Boeing vào tháng 1 năm 2020, ông hứa sẽ thay đổi vận mệnh hãng bay bằng cách cải thiện độ an toàn và kỹ thuật. “Nó sẽ tồn tại trong thời gian dài và nó sẽ hùng mạnh”, ông nói với các phóng viên vào thời điểm đó.
Lời hứa chưa kịp thực hiện, 2 máy bay phản lực 737 MAX đã rơi và cướp đi sinh mạng của 346 người. Hàng trăm chiếc máy bay Boeing khác buộc phải dừng bay trong 20 tháng.
Kết thúc đại dịch, đến năm 2022, Boeing nỗ lực đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về máy bay phản lực mới, đồng thời thuê hàng nghìn nhân viên mới và tăng đều đặn sản lượng 737 MAX. Ông Calhoun cũng đưa ra các mục tiêu tài chính dựa trên kế hoạch tăng sản lượng, thậm chí hứa sẽ giao tới 450 chiếc 737 cho năm 2023.
Tuy nhiên, tính đến tháng 8, Boeing chỉ giao được 271 chiếc máy bay phản lực. Các hãng hàng không thất vọng và phải cắt giảm lịch trình vì không nhận được số máy bay như mong đợi.
Vào tháng 9, sản lượng 737 giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm và Boeing chỉ giao được 15 chiếc mới. Nguyên nhân được cho là có liên quan đến những chiếc đinh tán phía sau thân máy bay 737 do Spirit cung cấp.
Để khắc phục sự cố, Boeing cần phải kiểm tra và sửa chữa. Điều này khiến hoạt động sản xuất tại Spirit bị đình trệ. Nhà máy của Boeing cũng ảnh hưởng theo. Nhằm ‘bôi trơn’ bộ máy, Boeing ‘bấm bụng’ chấp nhận các thân máy bay có khiếm khuyết từ Spirit, bao gồm cả Line No. 8789 (737 MAX).
“Nhiều năm trước, chúng tôi không đi nhanh như vậy”, một nhân viên Boeing nói. “Tôi không nói đó là nguyên nhân gây ra vấn đề. Một cái gì đó đã xảy ra. Tôi không biết nữa”.
“Đó là một thất bại đối với tất cả chúng ta”, một nhân viên khác nói. “Tất cả chúng tôi đều cảm thấy điều đó”.
Tai họa với Alaska Airlines khiến ban lãnh đạo thêm căng thẳng. Ông Calhoun đã từng phải cố kìm nước mắt khi nói chuyện với các công nhân ngày 9/1, nơi Chủ tịch Larry Kellner phát biểu kêu gọi 150.000 nhân viên Boeing tăng cường đảm bảo an toàn.
“Đây không phải là một bài giảng. Đây là lời nhắc nhở về sự nghiêm túc mà chúng ta phải thực hiện”, ông Calhoun nói.
Sau khi ông Calhoun rời đi, chủ tịch Boeing Larry Kellner cũng sẽ ra khỏi HĐQT. Cựu CEO Qualcomm Steve Mollenkopf đã được chỉ định thay thế ông. Stan Deal, CEO mảng máy bay thương mại của Boeing (Boeing Commercial Airplanes) cũng từ chức.
Hiện Boeing đang phải hạn chế sản xuất trong thời gian tìm cách khắc phục vấn đề về chất lượng và điều này sẽ khiến hãng tiêu tốn rất nhiều tiền. Trong một hội thảo của Bank of America hôm 20/3, Giám đốc Tài chính Boeing Brian West dự báo trong quý I, Boeing có thể mất 4-4,5 tỷ USD tiền mặt. Từ đầu năm, cổ phiếu Boeing đã mất gần 25%.