Thâm canh cây ăn quả VietGAP

Trong những năm gần đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã hướng dẫn nông dân áp dụng nhiều tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất cây ăn quả, nhất là định hướng nông dân sản xuất theo nhu cầu thị trường về các sản phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Diện tích trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP của bà Nguyễn Thị Mây, xã Đồng Thanh (Kim Động)

Diện tích trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP của bà Nguyễn Thị Mây, xã Đồng Thanh (Kim Động)

Tuy nhiên, đến nay tỉ lệ diện tích cây ăn quả được chứng nhận VietGAP trong tỉnh còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Do đó, để phát triển mở rộng diện tích chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, tạo ra các sản phẩm có tiêu chuẩn chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường, tạo thương hiệu cho các sản phẩm cây ăn quả của tỉnh, nâng cao giá trị cho người sản xuất, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện mô hình “Thâm canh cây ăn quả VietGAP”.

Mô hình được triển khai từ tháng 6/2024 với quy mô 65 héc-ta, 318 hộ tham gia mô hình của các huyện Kim Động, Khoái Châu, Văn Giang, Văn Lâm; cây trồng thực hiện trong mô hình gồm ổi, cam, bưởi. Để mô hình đạt hiệu quả cao, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phân công kỹ thuật viên thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn hộ nông dân thực hiện đúng qui trình VietGAP; hỗ trợ 190.560kg phân hữu cơ vi sinh cho các hộ tham gia mô hình theo định mức được phê duyệt. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn tại các điểm triển khai về kỹ thuật sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP và các điều kiện để được chứng nhận VietGAP cho các hộ tham gia mô hình. Cùng với đó, Trung tâm lấy mẫu đất, nước, quả để đánh giá; phối hợp đánh giá hồ sơ chứng nhận VietGAP tại các điểm triển khai mô hình; hoàn thiện hồ sơ đề nghị chứng nhận VietGAP.

Do ảnh hưởng của bão số 3 đầu tháng 9/2024, nhiều diện tích cây ăn quả bị thiệt hại, ảnh hưởng đến sinh trưởng trong đó có nhiều diện tích cây ăn quả thực hiện trong mô hình. Sau bão, lũ, Trung tâm đã cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp khắc phục vườn cây ăn quả.

Ông Nguyễn Đức Luyện, xã Đại Tập (Khoái Châu) tham gia mô hình thâm canh cây ăn quả VietGAP

Ông Nguyễn Đức Luyện, xã Đại Tập (Khoái Châu) tham gia mô hình thâm canh cây ăn quả VietGAP

Ông Nguyễn Đức Luyện, xã Đại Tập (Khoái Châu) cho biết: Tham gia mô hình thâm canh cây ăn quả VietGAP với các loại cây gồm cam, bưởi, cây trồng được thực hiện bón phân, phòng trừ sâu bệnh theo đúng quy trình kỹ thuật, năng suất, chất lượng, mẫu mã quả đẹp hơn so với ngoài mô hình, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Hiệu quả kinh tế dự kiến cao hơn so với ngoài mô hình gần 100 triệu đồng/héc-ta.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trồng cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP đã góp phần tạo ra các sản phẩm có tiêu chuẩn chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường, tạo thương hiệu cho các sản phẩm cây ăn quả của tỉnh, nâng cao giá trị cho người sản xuất, bảo vệ sức khỏe, từng bước thay đổi tư duy, trình độ, cách thức tổ chức sản xuất của nông dân, bảo đảm ổn định đầu ra của sản phẩm. Ngoài ra, thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP đã hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm sử dụng phân vô cơ, tạo điều kiện khôi phục độ màu mỡ của đất.

Đào Ban

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/tham-canh-cay-an-qua-vietgap-3177260.html