Khoảng 400.000 người phải sơ tán khỏi thành phố Goma và các vùng phụ cận sau cảnh báo về khả năng núi lửa phun trào lần hai. Ảnh: AP.
Các hình ảnh radar cho thấy miệng núi lửa vẫn đang tiếp tục mở rộng. “Chúng tôi không thể loại trừ một vụ phun trào nữa xảy ra trên mặt đất hoặc ở dưới hồ", ông Njike Kaiko Guillaume, phát ngôn viên của đơn vị quân đội địa phương, cho biết. Trong ảnh, người dân đang khẩn trương sơ tán khỏi các khu vực nguy hiểm. Ảnh: New York Times.
Phụ nữ và trẻ em Congo trú ẩn bên trong một nhà thờ ở thị trấn Sake, gần Goma, hôm 28/5 sau khi di chuyển khỏi khu vực nguy cơ cao. Cô Kabuo Asifiwe Muliwavyo, 36 tuổi, cùng 7 người con đã đến điểm sơ tán từ giữa tuần. Họ chưa được ăn gì kể từ khi tới nơi. "Họ (chính quyền) bảo sẽ có đợt phun trào lần hai nên khuyên chúng tôi tránh đi. Nhưng mãi mà chưa có gì xảy ra. Còn chúng tôi thì đang chết đói dần", cô nói với Reuters, trong khi ôm đứa con một tuổi đang gào khóc. Ảnh: Reuters.
Người dân Goma nhận thực phẩm viện trợ từ một tổ chức thanh niên tại điểm sơ tán ở Sake. Ảnh: AFP.
Trước đó, ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất thế giới phun trào hôm 22/5. Dung nham tràn vào các ngôi làng ở miền Đông Congo khiến ít nhất 31 người thiệt mạng và 3.000 ngôi nhà bị phá hủy. Ảnh: AP.
Sau khi núi lửa phun, thành phố Goma trải qua một loạt trận động đất và dư chấn. Người dân ở mười khu dân cư trong khu vực "vùng đỏ" của thành phố hiện phải sơ tán. Tính đến nay, khoảng 80.000 hộ gia đình đã di chuyển. Ảnh: New York Times.
Những vết nứt được nhìn thấy trên đường do dư chấn sau vụ phun trào của núi lửa Nyiragongo gần Goma, thuộc Cộng hòa Dân chủ Congo. Ảnh: Reuters.
Bé Jolie (11 tuổi) trên đường sơ tán cùng gia đình. Hôm 28/5, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF cho biết trong 400.000 người phải đi lánh nạn có gần 280.000 trẻ em. Ảnh: Reuters.
Các gia đình nói họ đang phải vật lộn tìm kiếm thức ăn và nước uống. Trong khi đó, Liên Hợp Quốc đang kêu gọi viện trợ và cảnh báo về nguy cơ dịch tả xảy ra tại các điểm sơ tán. Ảnh: Reuters.
Minh An