Thăm cột mốc 314 nơi biên cương Xà Xía

Điểm cuối cùng của tuyến biên giới đất liền Việt Nam và Campuchia được ghi dấu bằng cột mốc 314 ở Xà Xía (phường Mỹ Đức, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang). Công trình vừa là biểu tượng cho chủ quyền Tổ quốc, cũng đang trở thành một điểm đến hấp dẫn với nhân dân hai nước và bạn bè quốc tế, góp phần thúc đẩy du lịch và giao lưu văn hóa giữa các quốc gia.

Cờ Tổ quốc tung bay trên cột mốc.

Cờ Tổ quốc tung bay trên cột mốc.

Dải biên cương trên đất liền của Việt Nam-Campuchia có chiều dài khoảng 1.270km, đi qua địa giới hành chính 10 tỉnh của Việt Nam (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang) và 9 tỉnh của Campuchia (Rattanakiri, Mondulkiri, Kratie, Tboung Khmum, Prey Veng, Svay Rieng, Kandal, Takeo và Kampot).

Qua cửa khẩu quốc tế Xà Xía-Hà Tiên, nơi có cột mốc 313, tiếp tục hành trình trên con đường trải dài, đan rộng với hai hàng cọc tiêu đỏ rực chừng 1km là đến cột mốc 314 đặt tại vĩ độ: 10 độ 25 phút 24,7 giây; kinh độ: 104 độ 26 phút 26,6 giây.

Cột mốc 314 đánh dấu tình hữu nghị hai nước Việt Nam-Campuchia.

Cột mốc 314 đánh dấu tình hữu nghị hai nước Việt Nam-Campuchia.

Đây là vị trí mốc đặc biệt quan trọng về mặt địa lý - mốc cuối cùng trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia. Biên giới giữa hai nước tại Hà Tiên dài khoảng 39,5km, trong đó có khoảng 13,5km là biên giới trên đất liền. Cột mốc 314 mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi vai trò đánh dấu điểm khởi đầu trong việc thúc đẩy công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới hai nước.

Cuối năm 2018, hai nước hoàn thành phân giới khoảng 1.045km đường biên giới, xây dựng được 2.047 cột mốc tại 1.553 vị trí (chưa kể cột mốc không số cắm tại vị trí ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia).

Hiện, Việt Nam và Campuchia đang nỗ lực phối hợp giải quyết các công việc còn lại để sớm hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền nhằm xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.

Công trình cột mốc 314 được khánh thành năm 2012.

Công trình cột mốc 314 được khánh thành năm 2012.

Khu vực cột mốc 314 có diện tích gần 400m² được ốp đá hoa cương và nền tôn cao gần 2m. Cột mốc đứng chân tại phường Mỹ Đức, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, Việt Nam và xã Rus Xây Sroc Khang Lếch, huyện Kom Pong Trach, tỉnh Kampot, Campuchia.

Công trình vừa là dấu mốc biên giới, vừa là biểu tượng sâu sắc của tình hữu nghị, gắn bó sâu sắc.

Bộ đội biên phòng trang nghiêm trong nghi thức chào cột mốc chủ quyền.

Bộ đội biên phòng trang nghiêm trong nghi thức chào cột mốc chủ quyền.

Để có cột mốc khang trang như hiện nay, các lực lượng xây dựng và phân giới cắm mốc của cả hai bên đã làm việc nghiêm cẩn, đầy trách nhiệm, vượt qua những thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên, từ thủy triều đến môi trường rừng đước sình lầy.

Với mỗi người lính, đây là khoảnh khắc vô cùng xúc động trong nhiệm vụ tuần tra.

Với mỗi người lính, đây là khoảnh khắc vô cùng xúc động trong nhiệm vụ tuần tra.

Hàng trăm cột bê-tông sâu hàng chục mét đã được đóng xuống; hàng nghìn mét khối đất đá được san ủi, và hơn 2.000m³ bê-tông được đổ để tạo nên một công trình kiên cố, vững chãi.

Cột mốc 314 thi công trong khoảng 2 tháng, hoàn thành đúng tiến độ để trở thành điểm tựa vững vàng. Cột mốc có hai mặt khắc được chữ Việt Nam và chữ Campuchia, hệ thống đèn cao áp chiếu sáng.

Kiểm tra cột mốc là nhiệm vụ quan trọng của bộ đội biên phòng.

Kiểm tra cột mốc là nhiệm vụ quan trọng của bộ đội biên phòng.

Bao quanh khu vực cột mốc là bậc thang dẫn lên từ hai phía, cây cảnh thắm tươi tạo nên không gian vừa trang trọng vừa thơ mộng.

Nơi đây, vào ngày 24/6/2012, nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam-Campuchia (24/6/1967-24/6/2012) đã diễn ra Lễ khánh thành cột mốc 314 với sự tham dự của Thủ tướng cùng đoàn đại biểu hai nước.

Trạm kiểm soát biên phòng 314.

Trạm kiểm soát biên phòng 314.

Sau khi khánh thành, công trình cột mốc được tỉnh Kiên Giang bàn giao cho cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên quản lý, trong nhiệm vụ thiêng liêng là bảo vệ biên giới Tổ quốc.

Kể từ khi nhận nhiệm vụ quan trọng này, những người lính biên phòng đã vượt qua mọi điều kiện khắc nghiệt, phức tạp nhằm bảo đảm cột mốc đứng chân vững chãi, nguyên vẹn.

Bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ mốc giới, những người lính mang quân hàm xanh còn làm tốt công tác đối ngoại, tạo mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền và người dân bên kia biên giới, giúp họ hiểu rõ giá trị, tầm quan trọng của mốc giới.

Hà Tiên là miền đất hội tụ nhiều tinh hoa của các dân tộc anh em.

Hà Tiên là miền đất hội tụ nhiều tinh hoa của các dân tộc anh em.

Để duy trì quân số có mặt 24/24 giờ, Ban Chỉ huy Đồn biên phòng đã bố trí, phân công cán bộ, chiến sĩ trực liên tục. Chốt biên phòng đứng chân ngay gần cột mốc để bộ đội thực hiện nhiệm vụ tuần tra thông suốt.

Hình ảnh những người lính biên phòng uy nghiêm mà tình cảm bên cột mốc 314, tận tụy trồng cây xanh dọc những tuyến đường khiến bất cứ ai cũng không khỏi xúc động.

Từng hàng cây vừa lớn lên vừa dãi dầu nắng gió biên cương, nhưng cũng dần cứng cáp cùng đôi tay, trái tim người lính. Bộ đội luôn nỗ lực chăm sóc cảnh quan thật gọn gàng, đẹp đẽ, xứng đáng với giá trị của cột mốc thiêng liêng.

Bà con địa phương cũng chung sức, chung lòng trong việc bảo vệ cột mốc. Mọi người dân, từ các cụ già cho đến những trẻ nhỏ, đều nhận thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ biên giới nên sẵn sàng tham gia. Sau khi khách tham quan chụp ảnh lưu niệm và rời đi, bộ đội và bà con lại dọn dẹp, chỉnh trang thật chu đáo.

Bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ biên cương, bộ đội biên phòng cùng phía Campuchia thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin về các vụ việc xảy ra trên tuyến biên giới, thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị, góp phần xây dựng mối quan hệ vững chắc, hiểu biết sâu sắc giữa nhân dân và lực lượng bảo vệ biên giới của hai quốc gia.

Bảo vệ chủ quyền biên giới là nhiệm vụ quan trọng của lực lượng bộ đội biên phòng.

Bảo vệ chủ quyền biên giới là nhiệm vụ quan trọng của lực lượng bộ đội biên phòng.

Vừa là công trình có thiết kế vững vàng, trang trọng, vừa tọa lạc tại vị trí đắc địa trên bờ biển với khí hậu trong lành, cảnh quan thiên nhiên phóng khoáng, tươi đẹp, lại gần khu vực cửa khẩu quốc tế, cột mốc 314 đang dần trở thành một điểm đến hấp dẫn với nhân dân hai nước và bạn bè quốc tế, góp phần thúc đẩy du lịch và giao lưu văn hóa giữa các quốc gia.

Hành trình biên giới luôn được hình dung bằng tên các đồn biên phòng và số thứ tự khắc trên cột mốc chủ quyền. Những con số, tên đất nước, mầu sơn đỏ... đều dấy lên niềm xúc động khó tả. Sau lưng là vững vàng cột mốc, trước mắt lồng lộng biển trời, càng thêm yêu Tổ quốc mình, thêm biết ơn bao hy sinh anh dũng mà thầm lặng.

Nghĩa vụ thiêng liêng hòa trong niềm xúc động.

Nghĩa vụ thiêng liêng hòa trong niềm xúc động.

Bà con dân tộc Khmer gắn bó với cột mốc 314, cũng trở thành những "chiến sĩ" đặc biệt nơi biên cương. Nhiều em học sinh dù tuổi còn nhỏ đã ý thức sâu sắc, sau giờ học thường xuyên lên khu vực cột mốc dọn dẹp, chăm sóc cảnh quan.

Trước cột mốc, cảm nhận sâu hơn sức mạnh của lòng yêu nước, và niềm xúc động càng trở nên mãnh liệt trước những con người đang ngày đêm lặng lẽ bảo vệ biên cương. Khi ấy, cột mốc không hẳn là một điểm dừng, mà chính là giá trị hội tụ của cảm xúc, tự hào và trách nhiệm lớn lao.

MAI LỮ-TRẦN THÀNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tham-cot-moc-314-noi-bien-cuong-xa-xia-post869804.html