Thấm đẫm nhân ái, bao dung

Một trong những bài học lớn nhất kể từ sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đến nay là về lòng nhân ái, hòa hợp dân tộc, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai tươi sáng của đất nước. Mọi tầng lớp, lực lượng, 'hễ ai là người Việt Nam' đều góp sức, góp công cùng một ý chí xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, thịnh vượng.

Đất nước ta là một dân tộc đã trải qua muôn vàn đau thương và tổn thất vì chiến tranh trong quá khứ. Dải đất thân yêu của chúng ta đã từng trong cảnh chia cắt hai miền Nam - Bắc với vĩ tuyến 17 là ranh giới tạm thời. Nhưng từ trong sâu thẳm trái tim của mỗi người dân đất Việt luôn có ý chí sắt đá: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, từ đó đã làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử.

Kể từ sau ngày Bắc - Nam sum họp một nhà, Đảng, Nhà nước ta đã lấy lợi ích cốt lõi của quốc gia, dân tộc là điểm tương đồng của mọi người dân có dòng máu Việt, dù ở trong nước hay nước ngoài để phát huy mạnh mẽ tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong các kỳ đại hội của Đảng ta, đều nhấn mạnh tầm quan trọng to lớn của đại đoàn kết toàn dân tộc, không phân biệt vai trò, đóng góp của người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài đối với đất nước. Đặc biệt là chủ trương lớn và xuyên suốt hàng chục năm qua tại Nghị quyết số 36/NQ-TƯ ngày 26-3-2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và gần đây nhất là Kết luận số 12-KL/TƯ ngày 12-8-2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới... Đây là những văn kiện có ý nghĩa lịch sử, vừa thể hiện tư duy đổi mới, đột phá của Đảng, Nhà nước về vai trò, tầm quan trọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, vừa thấm đẫm truyền thống nhân ái, bao dung của dân tộc ta.

Chúng ta đã được chứng kiến rất nhiều hình ảnh xúc động về hòa hợp, hòa giải dân tộc. Đó là những cuộc trở về đầy xúc động của những người con xa quê. Đặt chân lên mảnh đất quê hương sau bao năm xa cách, họ đã khẳng định một điều: Người Việt Nam dù ở bất kỳ đâu, dù ra đi với lý do nào, từ trong sâu thẳm trái tim luôn nặng tình với quê hương, mong ngày trở về, được đóng góp cho quê hương, đất nước.

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng, dân tộc ta luôn có truyền thống nhân ái và bao dung. Ở mọi hoàn cảnh, chúng ta không đào bới quá khứ để nuôi hận thù, làm sâu sắc thêm sự mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ. Nhưng trên hết, chúng ta không lãng quên lịch sử; luôn ghi nhớ sâu sắc những mất mát trong chiến tranh để trân trọng hòa bình và những thành quả có được ngày hôm nay.

Đề cập đến vấn đề này, trong bài viết với tiêu đề "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một", Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Hòa hợp dân tộc không có nghĩa là quên lãng lịch sử hay xóa nhòa sự khác biệt, mà là chấp nhận những góc nhìn khác nhau trong tinh thần bao dung và tôn trọng, để cùng hướng tới mục tiêu lớn hơn: Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, hùng mạnh, văn minh, thịnh vượng, để các thế hệ mai sau không bao giờ phải chứng kiến chiến tranh, chia ly và hận thù, mất mát như cha ông từng đối mặt”.

Mới đây nhất, trong diễn văn tại Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: "Với chủ trương khép lại quá khứ, tôn trọng khác biệt, hướng tới tương lai, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cùng ra sức phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, hạnh phúc, giàu mạnh và phát triển".

Để đất nước có được độc lập, thống nhất trọn vẹn, nhân dân được sống trong hòa bình như ngày nay, chúng ta đã trải qua các cuộc trường kỳ kháng chiến với những hy sinh, mất mát lớn lao. Dù trong thời chiến hay thời bình, sức mạnh, ý chí Việt Nam không gì sánh nổi chính là khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Chúng ta quán triệt sâu sắc, thực hiện nhất quán quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc trên tinh thần chung một dòng máu con Lạc cháu Hồng, đều là anh em ruột thịt, “như cây một cội, như con một nhà”.

Mở rộng vòng tay đón nhận những người con xa quê hướng về Tổ quốc, Đảng, Nhà nước ta luôn tạo điều kiện thuận lợi để bà con trở về nguồn cội, thăm thân, thờ cúng tổ tiên, đóng góp cho quê hương đất nước. Cùng với đó, tiếp tục giải quyết có lý, có tình, trên cơ sở đạo lý Việt Nam về các vấn đề nhân đạo do lịch sử để lại, nhằm thực hiện chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt là tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở lấy liên minh công nhân - nông dân - trí thức làm nền tảng, đoàn kết mọi người trong đại gia đình dân tộc Việt Nam dù sống ở trong nước hay đang định cư ở nước ngoài…

Tất cả người Việt Nam đều là con dân nước Việt. Chúng ta đều có quyền sống, làm việc, quyền tự do mưu cầu hạnh phúc, yêu thương trên mảnh đất quê hương và đều có quyền, trách nhiệm góp sức xây dựng đất nước trong kỷ nguyên mới. Đây chính là thời điểm lịch sử để mọi người Việt Nam trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài, muôn triệu người như một, đoàn kết, chung tay, hướng về Tổ quốc vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Lòng yêu nước là sự tự hào về Tổ quốc thân yêu. Thể hiện lòng yêu nước chính là mỗi người đóng góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Và ở bất cứ đâu, thuộc tầng lớp nào, đây đều là quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam.

Chí Kiên

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tham-dam-nhan-ai-bao-dung-701065.html