Cây táu bạc có niên đại 2.100 năm, tương truyền trồng từ thời vua Hùng thứ 18
Cây táu bạc ở đền Thiên Cổ, thôn Hương Lan (xã Trưng Vương, TP Việt Trì) có niên đại khoảng 2.100 năm. Tương truyền, cây gắn liền với thời các vua Hùng dựng nước, mang những giá trị vô giá về văn hóa và truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta.
VIDEO: Cây táu bạc có niên đại 2.100 năm, được trồng từ thời Vua Hùng thứ 18. Viết Hà thực hiện.

Cây táu bạc tọa lạc tại đền Thiên Cổ, mỗi năm cây ra hoa màu trắng nên người dân nơi đây gọi cây táu bạc. Cây táu có chiều cao 25m, chu vi gốc cây là 6,1m, đường kính tán cây rộng tới 27m.


Theo ông Nguyễn Thiện Ninh (88 tuổi) thủ từ đền Thiên Cổ, hai bên cổng đền Thiên Cổ vốn có 2 cây táu có niên đại giống nhau. Nhưng cách đây 500 năm, sau trận cuồng phong một cây táu đã bị gãy, đổ.

Theo ông Ninh, cây táu cổ gắn liền với sự tích thiêng của đền Thiên Cổ, nơi thờ vợ chồng thầy giáo Vũ Thế Lang và thục nương Nguyễn Thị Thục. Đây là hai người có công dạy công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa, con vua Hùng thứ 18. Khi vợ chồng thầy giáo mất, người dân địa phương đã chôn cất và lập đền thờ ngay tại làng. Để ghi dấu ấn, tạo nên cảnh quan cho ngôi đền, người dân đã trồng hai cây táu từ thời đó.


Văn bia lập trong di tích ghi: “Gần 2.100 năm trôi qua, trải qua biến thiên của thời gian, chiến tranh, nhân dân nơi đây vẫn sẵn sàng hy sinh cả tính mệnh để bảo tồn nguyên vẹn đình, miếu, lăng mộ, hai cây táu quý, di tích quý giá của thời đại Hùng Vương”.

Ông Bùi Phúc Khánh - Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Phú Thọ, giải thích, cây táu bạc có tên khoa học Vatica subglabra Merrill.



Theo ông Khánh, cây táu bạc là một trong những cây cổ thụ lâu năm nhất được phát hiện tại Việt Nam. Năm 2012, cây táu được công nhận là cây di sản Việt Nam.

“Tên tuổi của cây táu nổi tiếng trong giới khoa học của Việt Nam, khu vực và thế giới. Độ tuổi của 'cụ' táu bạc không chỉ là ước lượng hay nói vống lên tùy thích. Các nhà khoa học trong và ngoài nước đã nghiên cứu, lấy mẫu thí nghiệm rất kỹ lưỡng và có kết luận 'cụ' đã có niên đại 2.100 năm”, ông Khánh cho hay.


Năm 2014, “sức khỏe” cây táu bạc suy yếu nghiêm trọng. Thân cây lão hóa, bị mối xông mục ruỗng, thiếu chất dinh dưỡng, nhiều cành bị khô và chết dần. “Khi sức khỏe cụ yếu, cả dân làng lo lắng, tìm cách chữa trị, mời các nhà khoa học, chuyên gia đến thẩm định, tìm hướng khắc phục, cứu cây”, ông Ninh nói.

Theo ông Bùi Phúc Khánh, để khôi phục, duy trì sự sống tốt cho cây, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Phú Thọ mời chuyên gia từ Australia sang khảo sát, cho ý kiến về phương pháp chữa trị và hình thành nên đề tài khoa học: “Nghiên cứu mô hình thử nghiệm chăm sóc, kéo dài tuổi thọ cây táu cổ”.

Sau nhiều nỗ lực cứu chữa, cây táu bạc lại nở hoa. Mùa hoa mới minh chứng cho một sức sống trường tồn của cây. “Cây táu cổ ở đền Thiên Cổ không chỉ góp thêm cảnh quan cổ kính cho nơi đây, mà còn là chứng nhân lịch sử, văn hóa của dân tộc trong suốt chiều dài hàng ngàn năm qua. Ngoài ra, việc cứu chữa thành công cây táu bạc còn góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo vệ nguồn gen của một số loại cây quý hiếm”, ông Khánh nói.