Thăm 'đất thép' Quảng Trị

Tháng 6, chúng tôi về Quảng Trị vào đúng dịp Kỷ niệm 52 năm cuộc chiến đấu anh dũng trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (từ ngày 28/6 đến 16/9/1972). Nằm ở 'khúc ruột miền Trung' đầy nắng lửa, gió Lào và mưa bão triền miên, ngoài sự khốc liệt của thiên nhiên, Quảng Trị còn là vùng đất thép, là địa bàn ác liệt trong những năm tháng chiến tranh..

Đường dẫn vào cầu Hiền Lương phía Bắc được sơn màu xanh

Đường dẫn vào cầu Hiền Lương phía Bắc được sơn màu xanh

Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước, tên đất, tên người Quảng Trị đã đi vào sử sách vang dội cùng non sông, đất nước như sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, Cồn Tiên, Dốc Miếu, sông Thạch Hãn, Thành cổ, Làng Vây, Khe Sanh, Đường 9, Địa đạo Vịnh Mốc...

Trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, đất Quảng Trị đã thấm không ít máu đào của nhân dân, của bộ đội và dân công hỏa tuyến... Những địa danh oai hùng năm xưa nay đã trở thành địa chỉ đỏ cách mạng để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước của dân tộc.

Theo Quốc lộ 1 từ Quảng Bình vào là huyện Vĩnh Linh. Đây là huyện đầu tiên ở phía Bắc Quảng Trị. Cuối huyện Vĩnh Linh giáp với Gio Linh là con sông Bến Hải. Con sông này nằm ở Vĩ tuyến 17, ngày chiến tranh chống Mỹ cứu nước, sông Bến Hải trở thành giới tuyến ngăn chia hai miền Nam - Bắc. Từ sau năm 1954, cầu Hiền Lương, ở phía Bắc được sơn màu xanh dương, phía Nam sơn màu vàng, hiện nay trở thành điểm du lịch trong hành trình tri ân của du khách trong nước và quốc tế.

Cửa số 3 vào Địa đạo Vịnh Mốc

Cửa số 3 vào Địa đạo Vịnh Mốc

Vĩnh Linh là mục tiêu đánh phá hàng đầu của đế quốc Mỹ trong suốt những năm từ 1965-1972, sau khi Mỹ tạo ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ để bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc bằng không lực năm 1965. Nửa triệu tấn bom, mìn, đạn các loại đã trút xuống mảnh đất Vĩnh Linh anh hùng, tính ra mỗi người dân nơi đây đã phải gánh chịu 7 tấn bom đạn Mỹ. Với phương châm: "Một tấc không đi, một li không rời. Mỗi làng, xã là một pháo đài", người dân Vĩnh Linh đã xây dựng nên Địa đạo Vịnh Mốc. Đây là một công trình quân- dân sự của ta nhằm ứng phó các cuộc tấn công của Mỹ ngụy. Theo thống kê, có đến 18.000 ngày công được huy động để đào Địa đạo Vịnh Mốc trong 2 năm (1965-1967). Hệ thống địa đạo tồn tại ở phía Bắc sông Bến Hải, cầu Hiền Lương trong suốt cả giai đoạn ác liệt này. Để bảo đảm cho hàng trăm con người ăn, ở, sinh hoạt an toàn, tiện lợi, dọc hai bên đường hầm người ta xây dựng rất nhiều căn hộ, mỗi căn hộ đủ chỗ cho ba đến bốn người ở. Địa đạo được cấu tạo thành ba tầng. Tầng một sâu cách mặt đất từ 12-15m, là nơi chiến đấu và trú ẩn tạm thời. Tầng hai sâu 18m là nơi sống và sinh hoạt của nhân dân, đóng trụ sở của Đảng ủy, UBND và Bộ Chỉ huy quân sự. Tầng ba sâu 22m dùng làm kho chứa hậu cần cung cấp cho đảo Cồn Cỏ và phục vụ chiến đấu của quân dân Vịnh Mốc.

Bên trong Địa đạo Vịnh Mốc bảo đảm cho hàng trăm con người ăn ở an toàn trong những năm chiến tranh ác liệt

Bên trong Địa đạo Vịnh Mốc bảo đảm cho hàng trăm con người ăn ở an toàn trong những năm chiến tranh ác liệt

Từ cầu Hiền Lương, chúng tôi ngược lên phía thượng nguồn sông Bến Hải, thuộc địa phận huyện Gio Linh để ghé thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Nghĩa trang được xây dựng từ tháng 10/1975, hoàn thành vào tháng 4/1977.

Bức tranh Đồi chè Long Cốc được xây dựng tại khu mộ các Anh hùng liệt sĩ quê hương Phú Thọ (Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn)

Bức tranh Đồi chè Long Cốc được xây dựng tại khu mộ các Anh hùng liệt sĩ quê hương Phú Thọ (Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn)

Đây là nơi yên nghỉ của hơn 10.000 Anh hùng liệt sĩ của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam và Quân đội Nhân dân Việt Nam hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn, còn gọi là đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Đây cũng là nơi an nghỉ của hơn 300 Anh hùng liệt sĩ quê hương Đất Tổ.

Khu quy tập phần mộ các Anh hùng liệt sĩ là những người con quê hương Phú Thọ- Vĩnh Phúc

Khu quy tập phần mộ các Anh hùng liệt sĩ là những người con quê hương Phú Thọ- Vĩnh Phúc

Theo Ban Quản lý Nghĩa trang, trung bình mỗi năm, nghĩa trang đón khoảng 20.000 lượt người đến thăm viếng. Họ là những cựu chiến binh về thăm lại chiến trường xưa, ôn lại ký ức Trường Sơn cùng đồng đội; là những người cha, người mẹ, người thân, đến đây để tìm lại bóng dáng người thân yêu ròng rã mấy mươi năm biền biệt chẳng về; là những người trẻ sinh ra sau chiến tranh đến để bày tỏ lòng tri ân... Trong mạch giao cảm giữa người mất - người còn, của tình đồng chí, đồng đội, của thế hệ trước và nay, của bom đạn và hòa bình, cứ thế mạch nguồn Trường Sơn vẫn chảy ấm áp đến lạ thường, mỗi câu chuyện như mới hôm qua.

CCB Võ Tuấn Thung (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) hàng năm đều đến thắp hương cho các đồng đội tại Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9

CCB Võ Tuấn Thung (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) hàng năm đều đến thắp hương cho các đồng đội tại Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9

Rời Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, xuôi về đồng bằng, cách biên giới Việt - Lào khoảng 20km là thị trấn Khe Sanh, trung tâm huyện lỵ của huyện Hướng Hóa. Trong chiến tranh, Khe Sanh nổi tiếng trên toàn thế giới, bởi địa danh này được giới sử học, quân sự đánh giá là “Điện Biên Phủ” thứ 2 trong chiến tranh Việt Nam. Nơi đây, Mỹ và chế độ ngụy quyền đã xây dựng một tập đoàn quân sự cực mạnh nhằm trấn giữ và cắt đứt sự tiếp tế của ta cho chiến trường miền Nam thông qua đường Trường Sơn. Trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh từ đầu tháng 1 đến tháng 7-1968, tập đoàn cứ điểm này đã bị quân ta xóa sổ hoàn toàn. Tất cả binh lực, vũ khí, khí tài, thiết bị chiến tranh đã bị quân ta tiêu diệt, phá hủy và thu gọn. Hiện, tại lòng chảo Khe Sanh, nơi chiến trường khốc năm xưa vẫn còn ngổn ngang dấu tích của cuộc chiến với xác máy bay, xe tăng, pháo và hầm hào, lô cốt, công sự... Đặc biệt, ở thung lũng Khe Sanh còn không ít bom đạn nằm trong lòng đất.

Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9

Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9

Thăm Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 - nơi quy tập gần 11.000 phần mộ Anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9, chiến trường Quảng Trị và nước bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng tôi ai cũng xúc động khi thắp nén nhang thơm lên từng phần mộ, trong đó có những phần mộ chưa có tên. Khác với Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 nằm trên vùng đồi tĩnh lặng, là nơi quy tập nhiều ngôi mộ tập thể và hàng ngàn mộ chiến sĩ chưa xác định được danh tính, trong đó có những người con quê hương Phú Thọ.

Rời Khe Sanh, trận “Điện Biên Phủ” thứ 2 chúng tôi qua thành phố Đông Hà để vào Thành cổ Quảng Trị. Địa danh này nằm bên dòng sông Thạch Hãn và được xây dựng từ thời kỳ đầu nhà Nguyễn. Trong năm 1972, nơi đây đã diễn ra trận chiến vô dùng ác liệt kéo dài 81 ngày đêm giữa quân ta và Mỹ, ngụy. Trận chiến đã làm thành cổ này trở thành bình địa vì hỏa lực hung bạo của kẻ thù, nay chỉ còn sót lại vài đoạn hào sâu và tường thành xây bằng gạch nhưng chi chít đạn bom.

Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị

Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị

Chị Phạm Thị Thu Hiền- Hướng dẫn viên tại Thành cổ đưa chúng tôi đến từng điểm tham quan, từ Đài tưởng niệm 81 ngày đêm luôn nghi ngút khói hương của du khách đến thăm và viếng các hương hồn liệt sĩ đến Nhà bảo tàng lưu giữ những kỷ vật của các chiến sỹ bảo vệ Thành cổ, cả bức tường thành còn sót lại lưu dấu bom đạn.

Bức tường còn sót lại tại Thành cổ Quảng Trị

Bức tường còn sót lại tại Thành cổ Quảng Trị

Bằng giọng xứ Quảng nhẹ nhàng, mỗi tấm hình, mỗi câu chuyện về người lái đò đưa chiến sỹ qua sông Thạch Hãn, về những bức thư cũng là tờ giấy báo tử của các chiến sỹ Thành cổ gửi về gia đình trước lúc ra trận được chị Hiền tái hiện lại khiến ai cũng nghẹn ngào xúc động. Ngay từ những ngày đầu chiến dịch phòng ngự Thành cổ Quảng Trị, có thời điểm “các chiến sĩ Trung đoàn 48 đã chiến đấu kiên cường, dũng cảm “1 chọi 100” đánh quỵ Lữ đoàn 2 dù”. Trong trận địa đang nghiêng ngả, chao đảo vì bom đạn của địch, bộ đội ta vẫn kiên cường đánh trả. Trong đó, “có ngày Tiểu đoàn 8, Tiểu đoàn 3 đánh lui 13 đợt tiến công của địch. Chiến sĩ Phan Văn Ba (Tiểu đoàn 3) bị thương nát một bàn tay vẫn kiên quyết xin ở lại chiến đấu”. Tình trạng thiếu thốn, khó khăn do tiếp tế vũ khí đạn dược, hậu cần gặp khó khăn khiến “chiến sĩ ta phải sống bằng lương khô, nước lã, bắn dè xẻn từng viên đạn trong vòng vây địch” cũng không làm nhụt ý chí, quyết tâm của bộ đội ta.

Đường vào Thành cổ Quảng Trị

Đường vào Thành cổ Quảng Trị

Đau thương là thế, hy sinh là thế, biết rằng ra đi sẽ không có ngày về nhưng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” - 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị là một trong những biểu hiện rõ ràng nhất, sinh động nhất của khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại.

... Rời Thành cổ trong buổi chiều hoàng hôn sâu lắng của vùng đất thép Quảng Trị, chúng tôi thêm tự hào về một giai đoạn lịch sử đầy bi tráng của đất nước và càng thêm trân quý hơn nữa giá trị của độc lập, tự do và hòa bình hôm nay.

Việt Hà

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/tham-dat-thep-quang-tri-214381.htm