Thăm 'địa chỉ đỏ' Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi vinh dự được tham gia Lễ khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi vinh dự được tham gia Lễ khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Các nhà báo tìm hiểu tư liệu, hiện vật tại Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ (Thái Nguyên).

Các nhà báo tìm hiểu tư liệu, hiện vật tại Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ (Thái Nguyên).

Sử sách ghi lại, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được thành lập ngày 4/4/1949. Đây là nơi đầu tiên và duy nhất dạy làm báo trong thời kỳ kháng chiến ở Việt Nam. Lúc bấy giờ, lớp học được mở với 42 học viên. Trong 3 tháng hoạt động, lớp học có 29 giảng viên trực tiếp giảng dạy, trong đó có các đồng chí: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi... Các học viên được học nhiều chuyên đề như: Xã luận, viết tin chiến sự trên báo chí... Lớp học bế mạc ngày 6/7/1949.

Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng do Bác Hồ đặt theo tên nhà báo cách mạng Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947). Trường chỉ có lớp đầu tiên và duy nhất. Từ mái trường tranh tre nứa lá giữa đại ngàn Việt Bắc, các học viên như: Thép Mới, Chính Yên, Trần Kiên, Mai Thanh Hải, Mai Hồ, nhà văn Hữu Mai, nhà thơ Hải Như… đã tỏa về muôn nẻo, có mặt ở những chiến trường ác liệt nhất. Không ít trong số họ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến. Ngày 28/3/2019, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có quyết định về việc xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia đối với Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) do Hội Nhà báo Việt Nam làm chủ đầu tư, bằng nguồn xã hội hóa. Di tích được xây dựng trên diện tích 859m2, gồm 3 hạng mục: Nhà Tổng bộ Việt Minh phỏng dựng, xây mới theo kiến trúc nhà sàn truyền thống; Nhà dạy học làm báo 2 tầng, được xây mới trên cơ sở thiết kế theo hình ảnh tư liệu; các hạng mục khác (nhà bia, phù điêu…). Trên cơ sở những giá trị và ý nghĩa lịch sử của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, việc tu bổ, tôn tạo di tích này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc ghi dấu một phần lịch sử thiêng liêng của nghề báo, nhằm tôn vinh di sản báo chí to lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà báo cách mạng tiền bối đã để lại cho thế hệ nhà báo hôm nay và mai sau. Được biết, đây là một công trình mang tính nghệ thuật, văn hóa và lịch sử cao. Sau khi hoàn thành sẽ là nơi lưu giữ và giới thiệu những giá trị của báo chí cách mạng tại Việt Bắc, phục vụ nhu cầu tham quan của nhân dân và du khách, phục vụ kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/2025).

Nhà báo Trần Thị Kim Hoa, phụ trách Bảo tàng Báo chí Việt Nam, chủ đầu tư dự án chia sẻ: "Việc tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng nhằm thực hiện hiệu quả hoạt động tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi đến công chúng trong và ngoài nước về những di sản vô giá của báo chí cách mạng Việt Nam mà các thế hệ người làm báo đã nỗ lực xây dựng và phát triển. Qua đó, mong muốn người làm báo cả nước, đông đảo công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, các sinh viên, học sinh đến thăm, tìm hiểu nhiều hơn về di tích, góp phần bồi đắp kiến thức khoa học lịch sử và văn hóa, làm sâu sắc thêm lòng tự hào dân tộc”.

Nhiều người khi thăm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã không giấu được niềm xúc động, bởi báo chí hiện nay đã tôn vinh vị trí, tầm vóc những thế hệ nhà báo đầu tiên, giá trị cống hiến to lớn trong di tích. Nhà báo Nguyễn Mạnh Tuấn, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Hòa Bình, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh chia sẻ: "Tôi rất xúc động và tự hào khi được về thăm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng - "địa chỉ đỏ” trong bản đồ lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Những tư liệu, hiện vật, bài giảng của các thế hệ người làm báo đầu tiên được tái hiện sinh động, tuy được bày trí trong không gian mộc mạc, giản dị nhưng chứa đựng biết bao tâm huyết, trách nhiệm của người làm báo. Qua đó tiếp thêm niềm tự hào, truyền cảm hứng, vững niềm tin, khát vọng, sáng tạo không ngừng trong quá trình làm việc để tôi và những người làm báo tiếp tục lao động, sáng tạo, xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng phát triển”.

Những tài liệu, kỷ vật được trưng bày tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là những bằng chứng sinh động, tài liệu giáo dục truyền thống vô giá về lòng yêu nước, về truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam. Có thể nói, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã đào tạo được những cán bộ nòng cốt, xuất chúng, góp phần to lớn xây dựng nền báo chí hôm nay, ghi dấu một phần lịch sử thiêng liêng của nghề báo, là "địa chỉ đỏ” mà mọi nhà báo khắp cả nước tìm về.

Hoàng Anh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/192350/tham-dia-chi-do-truong-day-lam-bao-huynh-thuc-khang.htm