Thắm đỏ tình yêu nghề, mến trẻ

Yêu nghề, mến trẻ, thời gian qua, các tổng phụ trách đội trên địa bàn tỉnh đã dồn tâm sức, cống hiến nhiều cho công tác đội, phong trào thanh thiếu nhi. Ngày nối ngày, họ đã và đang vượt khó, nêu gương sáng cho các cô, cậu học trò nhỏ.

 Các giáo viên tổng phụ trách đội thành phố Đông Hà chụp ảnh lưu niệm trong một hoạt động tập thể - Ảnh: Q.H

Các giáo viên tổng phụ trách đội thành phố Đông Hà chụp ảnh lưu niệm trong một hoạt động tập thể - Ảnh: Q.H

Không mến trẻ, đừng làm tổng phụ trách đội

Đến nhiều ngôi trường trên địa bàn tỉnh, không khó để bắt gặp hình ảnh các tổng phụ trách đội với màu áo xanh dương và chiếc khăn quàng thắm đỏ trên vai. Mỗi người một hoàn cảnh, cá tính nhưng họ gặp nhau ở điểm chung là luôn yêu nghề, mến trẻ. Nếu thiếu một trong hai yếu tố này, có lẽ các thầy, cô khó gắn bó với công việc cần dồn nhiều tâm huyết, thời gian, công sức…

Ở tuổi 36, cô giáo Hồ Xuân Huyền đã 9 năm gắn bó với công việc Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Kim Đồng, huyện Vĩnh Linh. Cô Huyền vốn là một giáo viên mỹ thuật, xinh đẹp và tài năng. Đến với công tác đội và phong trào thanh thiếu nhi như một cái duyên, cô yêu nghề từ lúc nào không hay. Với sự nỗ lực không ngừng, cô Huyền đã tổ chức, triển khai nhiều hoạt động, mô hình ý nghĩa như: “Xe sách di động”, “Cổng trường an toàn giao thông”, “Nhà vệ sinh thân thiện”, “Trò chơi dân gian trên sân trường”… Niềm vui lớn nhất của cô là thấy nụ cười nở trên môi đội viên. Cô Huyền tâm sự: “Làm tổng phụ trách đội khó mà dễ. Khó bởi công việc đòi hỏi người giáo viên phải luôn thay đổi mình, học hỏi, tìm tòi, sáng tạo... không ngừng. Tuy nhiên, chỉ cần yêu nghề, mến trẻ thì tất cả việc khó đều hóa dễ”.

Khác với cô giáo Hồ Xuân Huyền, Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học thị trấn Cam Lộ Mai Thị Hồng Quyên (sinh năm 1986) đến với màu áo xanh dương và chiếc khăn quàng đỏ từ sự lựa chọn. Từng là đội viên, hình ảnh của giáo viên tổng phụ trách đội năm xưa đã in sâu trong tâm trí, thôi thúc cô Quyên bước tiếp con đường. Để làm tốt nhiệm vụ, cô luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các em nhỏ, đặc biệt là đội viên có hoàn cảnh khó khăn. Cùng với đó, cô chú tâm xây dựng các hoạt động, phong trào phù hợp với đội viên. “Ở lứa tuổi của mình, các em nhỏ thường nhanh… chán. Vì thế, tôi phải cố gắng đa dạng hóa các hoạt động, phong trào. Nhiều khi cảm thấy mệt nhoài nhưng cứ thấy nụ cười của đội viên là mọi cảm xúc tiêu cực tan biến”, cô Quyên bộc bạch.

Theo số liệu thống kê của Hội đồng Đội tỉnh, hiện nay, tại các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh có gần 200 tổng phụ trách đội đang miệt mài cống hiến. Phần lớn tổng phụ trách đội đến với nghề như một cái duyên. Xuất thân là giáo viên âm nhạc, mỹ thuật, thể dục…, họ được ban giám hiệu tin chọn giao nhiệm vụ mới. Dù là ai, ở đâu, có được đào tạo chuyên sâu hay không, phần lớn tổng phụ trách đội đều là người có kỹ năng tập hợp đội viên; sở hữu nhiều tài lẻ; luôn đầy ắp những ý tưởng. Họ đã trực tiếp tham mưu, tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng, đạo đức, lối sống văn hóa cho đội viên, thiếu nhi… Nhiều người đã gắn bó với màu áo xanh dương, chiếc khăn quảng đỏ đến tuổi hưu.

Vượt khó để thêm yêu nghề

Không phải ai cũng nguyện làm tổng phụ trách đội lâu dài. Một số người đã xin nghỉ hoặc chuyển sang vị trí khác chỉ sau thời gian ngắn gắn bó. Nguyên nhân đến từ khó khăn, thử thách trong công việc. Đồng nghiệp thường bảo tổng phụ trách đội là người “đa nghề”. Cái gì họ cũng phải làm, từ dạy múa hát, tập trống kèn, quản lý trật tự, hướng dẫn kỹ năng mềm, đến lo miếng ăn, giấc ngủ cho học trò... Có người còn hóm hỉnh chiết tự “tổng phụ trách đội” là dù cố hết sức để làm tốt mọi việc nhưng nhiều lúc vẫn bị “phụ”, bị “trách”.

Hiểu điều đó nên khi bước vào nghề, phần lớn tổng phụ trách đội đã xác định phải chấp nhận “khó”, “khổ”. Trong một ngày, các thầy cô rất tất bật, dạy đủ số tiết theo quy định rồi quay qua nghĩ ý tưởng, tổ chức, triển khai các hoạt động, phong trào. Vì thế, ai cũng quen với việc đến trường sớm nhất, rời trường sau cùng. Điều đáng nói là đồng lương cho công việc vất vả của tổng phụ trách đội lại khá khiêm tốn. Một số người phải kiếm việc làm thêm ngoài giờ.

Vất vả, khó khăn là vậy nhưng phần lớn các tổng phụ trách đội vẫn yêu và gắn bó với công việc đang làm. Họ nhận ra, công việc lấy đi nhiều thời gian, công sức nhưng lại mang đến cho mình rất nhiều giá trị như: Sự tự tin, khả năng làm việc nhóm, luôn đầy ắp ý tưởng, kỹ năng mềm… Hơn ai hết, các tổng phụ trách đội hiểu sâu sắc ý nghĩa của nhiệm vụ đang làm đối với trường, lớp, đặc biệt là đội viên. Dưới sự dẫn dắt của tổng phụ trách đội và các thầy, cô giáo khác, nhiều học sinh đã vươn lên, trở thành con ngoan, trò giỏi.

Theo Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Mai Văn Nam, trong 80 mùa hoa đội ta lớn lên cùng quê hương, đất nước, các thế hệ tổng phụ trách đội trên địa bàn đã dồn tâm sức, giúp có ngày càng nhiều con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ. Nhận thức vai trò quan trọng của đội ngũ tổng phụ trách đội, Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh luôn dành sự quan tâm sâu sắc, kịp thời, động viên khen thưởng cá nhân tiêu biểu; tổ chức các chương trình tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng; phối hợp tập huấn, cấp chứng chỉ để làm căn cứ cho giáo viên tổng phụ trách đội nâng hạng… Hội đồng Đội tỉnh chủ động phối hợp, làm việc với ngành GD&ĐT để tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách cho các tổng phụ trách đội. “Thời gian tới, Tỉnh đoàn, Hội Đồng đội tỉnh sẽ nỗ lực tạo thêm không gian sáng tạo, giúp tổng phụ trách đội phát huy tốt vai trò của mình. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục phối hợp, tham mưu để có thể tạo thêm cơ chế, chính sách thuận lợi giúp tổng phụ trách đội vơi bớt khó khăn. Hy vọng các thầy, cô tổng phụ trách đội sẽ luôn giữ ngọn lửa nhiệt huyết đỏ rực như màu chiếc khăn quàng trên vai”, anh Mai Văn Nam chia sẻ.

Quang Hiệp

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=157472&title=tham-do-tinh-yeu-nghe-men-tre