Tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
XÂY DỰNG, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG VÀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH; PHÁT HUY SỨC MẠNH ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN; HUY ĐỘNG VÀ SỬ DỤNG HIỆU QUẢ CÁC NGUỒN LỰC; ĐỔI MỚI SÁNG TẠO, ĐƯA QUẢNG TRỊ PHÁT TRIỂN NHANH, BỀN VỮNG TRONG KỶ NGUYÊN MỚI
(Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030)
(Tiếp theo)
1.6. Phương thức lãnh đạo của cấp ủy ngày càng đổi mới, khoa học
Cấp ủy các cấp đã bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng và tình hình thực tiễn địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả; ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề với các chủ trương, quyết sách lãnh đạo trên các lĩnh vực của đời sống xã hội có trọng tâm, trọng điểm, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân. Giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, đoàn kết, thống nhất trong cấp ủy; duy trì chế độ sinh hoạt định kỳ, giao ban, làm việc với các cơ quan, đơn vị, địa phương để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ và giải quyết những vấn đề phát sinh, điểm nghẽn.
Đã chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, làm việc khoa học, hiệu quả, quyết tâm và quyết liệt trên tinh thần không bao biện làm thay nhưng không buông lỏng; đề cao trách nhiệm của tập thể, đồng thời phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của cá nhân trong việc thảo luận, bàn, quyết định những vấn đề quan trọng theo thẩm quyền; xác định đúng những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, xây dựng các giải pháp đột phá để lãnh đạo hệ thống chính trị thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Phường Đồng Hới - Ảnh: A.Tuấn
1.7. Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả
Hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp được đổi mới, tăng cường chất vấn, trả lời chất vấn và giám sát; nghị quyết của hội đồng nhân dân ban hành đúng luật, sát thực tế, nhiều nội dung có tính đặc thù và nhân văn cao, đáp ứng kịp thời nguyện vọng của cử tri và Nhân dân. Hiệu lực, hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp tiếp tục được nâng cao, cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, năng lực, tận tụy phục vụ Nhân dân. Kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường. Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, cải cách hành chính và xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số được đẩy mạnh.
Công tác thanh tra thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng thanh tra quản lý nhà nước về tài chính, ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, đất đai,... Giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo; thực hiện nền nếp công tác tiếp công dân.
1.8. Phát huy dân chủ, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân thông qua vai trò của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội
Vai trò của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục được khẳng định và nâng cao. Công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền dần đi vào chiều sâu. Tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập trung hướng mạnh về cơ sở, từng bước thực hiện chuyển đổi số theo xu thế phát triển, xác định được các bước đột phá về chất lượng thông qua triển khai các đề án chuyên đề. Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới, xóa nhà tạm, nhà dột nát; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, cứu trợ.
Các hội quần chúng phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị của tỉnh; thực hiện đúng nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự bảo đảm kinh phí hoạt động; tập trung xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức hội, hội viên.
Việc sắp xếp, tinh gọn cơ quan Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ đóng góp quan trọng vào xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự đồng thuận xã hội.
2. Phát triển kinh tế, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường
2.1. Kinh tế tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng đạt khá
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 6,82%/năm, trong đó, năm 2025 dự kiến tăng 8%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỉ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ; giảm dần tỉ trọng khu vực nông nghiệp. GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt 79,1 triệu đồng, tăng 1,6 lần so với năm 2020. Đã khai thác, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, nhất là du lịch, dịch vụ, năng lượng, kinh tế rừng, biển. Hợp tác, trao đổi trong vùng Bắc Trung Bộ được quan tâm, phát triển hài hòa lợi ích mỗi địa phương.
Công nghiệp từng bước trở thành ngành kinh tế trọng điểm với sự đóng góp của công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo. Sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng GRDP khu vực công nghiệp bình quân 10,9%/năm. Công nghiệp năng lượng được chú trọng đầu tư, nhất là năng lượng xanh, tái tạo. Công nghiệp dệt may, chế biến nông, lâm nghiệp, thủy sản có chuyển biến. Công tác thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp được chú trọng. Tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn có bước phát triển khá, góp phần giải quyết việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.
Du lịch phát triển, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Các chương trình phát triển du lịch được triển khai đồng bộ, linh hoạt. Hoạt động quảng bá, xúc tiến, liên kết phát triển du lịch tiếp tục được đẩy mạnh, chuyên nghiệp và hiệu quả; nhiều hoạt động, sự kiện du lịch được tổ chức quy mô. Hạ tầng du lịch được đầu tư, nâng cấp, từng bước hiện đại. Nhiều khu, điểm tham quan, sản phẩm được đưa vào khai thác trong đó có các sản phẩm du lịch đẳng cấp quốc tế. Vị thế và thương hiệu điểm đến trong bản đồ du lịch Việt Nam, khu vực và thế giới được nâng cao.
Nông nghiệp duy trì ổn định, đạt kết quả khá toàn diện; phát huy vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế. Sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển sang kinh tế nông nghiệp, phát triển bền vững, sinh thái, xanh, tuần hoàn và ứng dụng công nghệ cao gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả. Tốc độ tăng trưởng GRDP lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân 3,13%/năm. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp gắn bảo vệ rừng với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; độ che phủ rừng đạt khoảng 61,5%. Công tác chống khai thác IUU được đẩy mạnh; phát triển thủy sản theo hướng bền vững. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả toàn diện; tỉ lệ xã nông thôn mới chiếm hơn 80%. Diện mạo nông thôn thực sự khởi sắc và có nhiều đổi mới.
Các loại hình dịch vụ, thương mại tiếp tục phát triển, hình thành mạng lưới phân phối rộng khắp; thương mại điện tử được chú trọng. Tốc độ tăng trưởng GRDP khu vực dịch vụ đạt bình quân 6,45%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 10,2%/năm. Dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính, viễn thông, các loại hình dịch vụ khác... tiếp tục phát triển nhanh, với nhiều sản phẩm mới tiện ích.
Công tác quy hoạch, quản lý đô thị được tăng cường. Đã hoàn thành có chất lượng quy hoạch tỉnh, quy hoạch và định hướng phát triển ngành. Nâng cao hiệu quả quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc, quản lý chất lượng công trình, chỉnh trang đô thị. Tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 34,1%, tăng hơn 2% so với năm 2020.
2.2. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được chú trọng đầu tư, kết nối đồng bộ, từng bước hiện đại
Huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển đạt nhiều kết quả tích cực. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đạt gần 290.000 tỉ đồng, tăng gần 1,8 lần so với giai đoạn trước. Đã tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt đột phá chiến lược về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm có tính kết nối liên vùng. Hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và xây dựng mới các khu công nghiệp tiếp tục được đầu tư. Hệ thống trường, lớp học, mạng lưới y tế và các công trình hạ tầng xã hội khác được đầu tư, nâng cấp theo hướng chuẩn hóa, hiện đại. Đã thu hút được nhiều nguồn lực xây dựng các khu đô thị, khu nghỉ dưỡng.
2.3. Hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo được đẩy mạnh, từng bước trở thành động lực thúc đẩy phát triển
Công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ vào quản lý, sản xuất, kinh doanh được đẩy mạnh; tập trung thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh, các giải pháp ứng dụng công nghệ nhằm phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Nhiều công nghệ tiên tiến được ứng dụng trong thực tiễn và mang lại kết quả cao, đến nay, đã làm chủ và sẵn sàng chuyển giao gần 200 kết quả nghiên cứu để ứng dụng và nhân rộng vào sản xuất và đời sống. Công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm khoa học, công nghệ tiếp tục được đẩy mạnh; chú trọng khuyến khích, tôn vinh các ý tưởng, dự án tiềm năng, sáng tạo kỹ thuật phục vụ sản xuất, đời sống.
2.4. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư có nhiều đổi mới và quyết liệt hơn; môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện
Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư đã quan tâm thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn có thương hiệu, uy tín đầu tư các dự án lớn, có tính lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy hình thành chuỗi sản xuất, sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Đã ban hành các chủ trương, chính sách phù hợp, thuận lợi, cắt giảm nhiều thủ tục hành chính; thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp, nhà đầu tư; giải quyết kịp thời các thủ tục để đẩy nhanh tiến độ dự án; tổ chức tốt các hội nghị xúc tiến đầu tư. Thường xuyên rà soát, đôn đốc tiến độ các dự án, thu hồi các dự án chậm tiến độ, không triển khai để tránh lãng phí nguồn lực. Giai đoạn 2021 - 2025, thu hút 10 dự án FDI với số vốn đăng ký hơn 2.500 triệu USD, nâng tổng số dự án FDI lên 57 dự án với tổng vốn đầu tư gần 4.019 triệu USD; phê duyệt và chấp thuận chủ trương đầu tư 509 dự án trong nước, với tổng vốn đầu tư gần 220.000 tỉ đồng.
2.5. Các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp được tạo điều kiện và môi trường thuận lợi, bình đẳng để phát triển
Thực hiện quyết liệt việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, nhất là sau đại dịch Covid-19. Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, hỗ trợ sản xuất nhỏ nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận thị trường. Tích cực tổ chức các hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại để hỗ trợ đầu ra cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mới được hình thành, tạo điều kiện thuận lợi thu hút và sử dụng lao động địa phương. Giai đoạn 2021 - 2025, có khoảng 5.400 doanh nghiệp được thành lập mới, với số vốn đăng ký gần 68.000 tỉ đồng.
2.6. Hoạt động tài chính, tín dụng đạt kết quả tích cực
Thu ngân sách trên địa bàn tăng trưởng khá, tổng thu ngân sách giai đoạn 2021 - 2025 đạt hơn 59.300 tỉ đồng. Cơ cấu chi ngân sách theo hướng giảm dần các khoản chi thường xuyên, tăng dần tỉ lệ cho đầu tư phát triển, ưu tiên cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các công trình trọng điểm, cấp bách và nâng cao đời sống Nhân dân. Hệ thống các tổ chức tín dụng ngày càng phát triển, cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
2.7. Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu
Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã bám sát yêu cầu thực tiễn; Luật Đất đai năm 2024 được triển khai kịp thời. Đã tập trung tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các dự án trọng điểm. Công tác quản lý biển đảo, tài nguyên, khoáng sản, mỏ vật liệu xây dựng, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, khu bảo tồn thiên nhiên, đánh giá tác động môi trường của các dự án được chú trọng, thực hiện theo quy định. Công tác dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu được tăng cường, hạn chế thấp nhất thiệt hại.