Ứng dụng giao đồ ăn và hành trình thay đổi khẩu vị thế giới

Từng là dịch vụ bên lề, giao đồ ăn giờ đây là minh chứng sống động cho cách công nghệ tái thiết lịch sử ngành ẩm thực…

Thế giới ẩm thực đã trải qua một cuộc cách mạng trong vài thập kỷ qua, khi khái niệm "thức ăn mang đi" truyền thống được nâng tầm thành một ngành công nghiệp tỷ đô nhờ sự bùng nổ của công nghệ. Từ những startup nhỏ lẻ, giờ đây, các ứng dụng giao đồ ăn đã trở thành những gã khổng lồ, định hình lại cách chúng ta thưởng thức ẩm thực.

HÀNH TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA ỨNG DỤNG GIAO ĐỒ ĂN

Trước khi bùng nổ như hiện nay, thị trường giao đồ ăn thế giới đã chứng kiến sự ra đời và phát triển của hàng loạt ứng dụng tiên phong, mỗi cái tên gắn liền với một giai đoạn chuyển mình của thói quen ăn uống toàn cầu.

Grubhub

Grubhub là một trong những ứng dụng giao đồ ăn sớm nhất và có ảnh hưởng nhất trên thế giới. Ứng dụng được sáng lập bởi Matt Maloney và Mike Evans vào năm 2004 tại Chicago, Hoa Kỳ. Ý tưởng ban đầu của họ là tạo ra một giải pháp thay thế cho việc gọi điện thoại đặt đồ ăn từ menu giấy.

 Grubhub là một trong những ứng dụng giao đồ ăn lâu đời nhất tại Mỹ

Grubhub là một trong những ứng dụng giao đồ ăn lâu đời nhất tại Mỹ

Theo một bài viết trên The New York Times, Grubhub ban đầu chỉ là một hệ thống đặt hàng trực tuyến, kết nối khách hàng với các nhà hàng có dịch vụ giao hàng riêng. Mãi đến sau này, họ mới phát triển đội ngũ giao hàng của riêng mình thông qua việc sáp nhập với một đối thủ cạnh tranh lớn ở New York là Seamless vào năm 2013. Thành công của Grubhub đã đặt nền móng cho mô hình kinh doanh ứng dụng giao đồ ăn, chứng minh tiềm năng to lớn của việc số hóa quy trình đặt và giao món ăn.

Deliveroo

Deliveroo được thành lập bởi William Shu và Greg Orlowski vào năm 2013 tại London, Vương quốc Anh. Deliveroo nhanh chóng tạo được tiếng vang với mô hình tập trung vào phân khúc nhà hàng cao cấp và thời gian giao hàng nhanh chóng. Khác với nhiều đối thủ ban đầu, Deliveroo ngay từ đầu đã xây dựng đội ngũ tài xế riêng và hệ thống logistics tinh vi.

 Deliveroo thành công nhờ vào việc hợp tác với các nhà bếp chỉ phục vụ đồ Take away

Deliveroo thành công nhờ vào việc hợp tác với các nhà bếp chỉ phục vụ đồ Take away

Một báo cáo của TechCrunch từng nhấn mạnh cách Deliveroo tập trung vào chất lượng dịch vụ và mở rộng sang các thành phố lớn trên khắp thế giới. Đặc biệt, Deliveroo còn tiên phong với khái niệm "bếp trung tâm" (dark kitchens/cloud kitchens) là những nhà bếp chỉ phục vụ mục đích giao hàng, giúp các nhà hàng mở rộng phạm vi mà không cần mặt bằng truyền thống.

Uber Eats

Uber Eats là một nhánh nhỏ không thể tách rời từ công ty mẹ Uber, ông lớn trong lĩnh vực gọi xe công nghệ. Uber Eats chính thức ra mắt vào năm 2014 tại Los Angeles, Hoa Kỳ, ban đầu là một dịch vụ thử nghiệm có tên "UberFresh" cung cấp bữa trưa cố định.

 Lợi thế về mạng lưới của Uber giúp Uber Eats đạt được doanh số khủng

Lợi thế về mạng lưới của Uber giúp Uber Eats đạt được doanh số khủng

Tuy nhiên, nhận thấy tiềm năng khổng lồ, Uber đã nhanh chóng mở rộng thành một ứng dụng giao đồ ăn hoàn chỉnh. Theo Forbes, lợi thế lớn nhất của Uber Eats là khả năng tận dụng mạng lưới tài xế rộng lớn và công nghệ định vị tiên tiến của Uber. Điều này giúp họ nhanh chóng mở rộng quy mô ra hàng trăm thành phố và quốc gia trên toàn cầu, trở thành một trong những người chơi thống trị.

DoorDash

Thành lập vào năm 2013 bởi các nhóm các sinh viên Đại học Stanford, Andy Fang, Stanley Tang, Tony Xu và Evan Moore, DoorDash đã nhanh chóng trở thành ứng dụng giao đồ ăn hàng đầu tại Hoa Kỳ. Khác biệt của DoorDash nằm ở sự tập trung vào các thị trường ngoại ô và khu vực chưa được khai thác nhiều, cũng như việc hợp tác đa dạng với nhiều loại hình nhà hàng, từ chuỗi lớn đến các quán ăn nhỏ địa phương.

 Ứng dụng giao đồ ăn DoorDash tập trung vào các nhà hàng địa phương nhỏ lẻ

Ứng dụng giao đồ ăn DoorDash tập trung vào các nhà hàng địa phương nhỏ lẻ

Một bài phân tích của Bloomberg đã chỉ ra rằng, thành công của DoorDash đến từ thuật toán tối ưu hóa tuyến đường, chiến lược mở rộng thị trường thông minh và khả năng thích ứng nhanh chóng với nhu cầu của cả nhà hàng và khách hàng.

Meituan-Dianping

Mặc dù không phải là ứng dụng giao đồ ăn thuần túy ban đầu, Meituan-Dianping (nay chủ yếu hoạt động dưới tên Meituan) đã trở thành "gã khổng lồ" dịch vụ theo yêu cầu tại Trung Quốc. Trong đó, dịch vụ giao đồ ăn là một trong những trụ cột chính. Ra đời từ sự sáp nhập của Meituan (dịch vụ mua sắm theo nhóm) và Dianping (đánh giá nhà hàng) vào năm 2015, công ty này đã xây dựng một hệ sinh thái khổng lồ, cung cấp mọi thứ từ giao đồ ăn, đặt vé xem phim, đặt phòng khách sạn đến dịch vụ đi chợ hộ.

 Siêu ứng dụng Meituan vô cùng phổ biến và nổi tiếng trên mạng xã hội Douyin của Trung Quốc

Siêu ứng dụng Meituan vô cùng phổ biến và nổi tiếng trên mạng xã hội Douyin của Trung Quốc

The Wall Street Journal đã mô tả Meituan như một "siêu ứng dụng", nơi giao đồ ăn là một phần không thể thiếu, được hỗ trợ bởi mạng lưới logistics dày đặc và công nghệ AI tiên tiến để tối ưu hóa mọi hoạt động.

VIỆT NAM KHÔNG NẰM NGOÀI XU THẾ CHUNG

Sự phát triển vượt bậc của các ứng dụng giao đồ ăn trên thế giới đã tạo tiền đề vững chắc cho sự bùng nổ của ngành này tại Việt Nam. Các mô hình kinh doanh thành công từ phương Tây đến phương Đông nhanh chóng được học hỏi, điều chỉnh và bản địa hóa để phù hợp với đặc thù riêng biệt.

Việt Nam với dân số trẻ, tỷ lệ sử dụng smartphone cao và thói quen tiêu dùng tiện lợi, nhanh chóng trở thành mảnh đất màu mỡ cho các dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến. Các ứng dụng nội địa và quốc tế khi gia nhập thị trường đều áp dụng những chiến lược cốt lõi đã được chứng minh hiệu quả trên thế giới. Đơn cử như xây dựng mạng lưới đối tác nhà hàng đa dạng, phát triển đội ngũ tài xế đông đảo, và không ngừng cải thiện trải nghiệm người dùng qua công nghệ.

 Theo báo cáo của Momentum Work năm 2024, GrabFood đang là nền tảng dẫn đầu thị trường giao đồ ăn

Theo báo cáo của Momentum Work năm 2024, GrabFood đang là nền tảng dẫn đầu thị trường giao đồ ăn

Theo báo cáo của Momentum Work, GrabFood chiếm tới 48% thị phần ở Việt Nam. Ứng dụng này có lợi thế mạng lưới gọi xe sẵn. Họ đã áp dụng mô hình "siêu ứng dụng" tương tự Meituan-Dianping, tích hợp giao đồ ăn cùng các dịch vụ khác như gọi xe, giao hàng, đi chợ hộ, tạo nên một hệ sinh thái tiện ích cho người dùng. Tương tự, ShopeeFood cũng thể hiện sức mạnh từ nền tảng thương mại điện tử khổng lồ của mình, tận dụng lượng người dùng sẵn có và hệ thống khuyến mãi hấp dẫn.

Tuy nhiên, việc sao chép mô hình thành công không phải lúc nào cũng đảm bảo chiến thắng. Thị trường giao đồ ăn Việt Nam đã chứng kiến một cuộc cạnh tranh cực kỳ khốc liệt, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có nguồn lực tài chính dồi dào, khả năng thích ứng nhanh nhạy và chiến lược dài hơi.

Điển hình là trường hợp của Baemin đến Hàn Quốc, thuộc sở hữu của Delivery Hero (công ty mẹ của Foodpanda). Từng được kỳ vọng sẽ tạo nên làn gió mới với chiến lược marketing độc đáo và hình ảnh thương hiệu trẻ trung, thân thiện. Baemin đã đầu tư mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, sau nhiều năm nỗ lực, đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ GrabFood và ShopeeFood, Baemin đã phải nói lời chia tay với thị trường Việt Nam.

 Thông báo chính thức ngừng hoạt động của Baemin tại Việt Nam mặc cho nỗ lực marketing của hãng

Thông báo chính thức ngừng hoạt động của Baemin tại Việt Nam mặc cho nỗ lực marketing của hãng

Sự rút lui của Baemin không chỉ là một bài học đắt giá mà còn khẳng định sự khó khăn trong việc giành giật thị phần từ tay các ông lớn đã có chỗ đứng vững chắc. Cũng như cho thấy rằng, ngay cả với mô hình thành công trên trường quốc tế, việc am hiểu và thích nghi sâu sắc với văn hóa, thói quen tiêu dùng, và đặc biệt là sự cạnh tranh gay gắt ở thị trường địa phương là yếu tố sống còn.

Hiện tại, GrabFood và ShopeeFood đang là hai "ông lớn" thống trị thị trường, chiếm phần lớn thị phần. Tuy nhiên, thị trường không ngừng vận động. Sự xuất hiện của các "tân binh" với mô hình khác biệt, như Xanh SM với cam kết sử dụng 100% xe điện, đang hứa hẹn mang đến những làn gió mới.

Thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam đang cho thấy tốc độ tăng trưởng ấn tượng, được đánh giá là nhanh nhất Đông Nam Á.

Theo báo cáo "Các nền tảng giao đồ ăn ở Đông Nam Á" của Momentum Work, năm 2023, quy mô thị trường này đã đạt khoảng 1,1 tỷ USD và được dự báo sẽ gần chạm mốc 2 tỷ USD vào năm 2027. Với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 15% từ năm 2023 đến 2027, ngành này cũng dự kiến sẽ có khoảng 28 triệu người dùng vào năm 2027.

Mặc dù tiềm năng lớn, thị trường vẫn đang bị chi phối bởi hai "ông lớn" là GrabFood và ShopeeFood, khi hai nền tảng này cùng nhau nắm giữ hơn 90% tổng thị phần. Thực tế này đã dẫn đến việc Baemin, một ứng dụng từng rất được quan tâm, phải chính thức dừng hoạt động tại Việt Nam vào tháng 12/2023.

Nguyên Gia

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/ung-dung-giao-do-an-va-hanh-trinh-thay-doi-khau-vi-the-gioi-post561699.html