Tham gia OCOP, nông dân và doanh nghiệp đều hưởng lợi
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được ví như một 'làn gió' làm thay đổi tư duy của nông dân trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng.
Từ đây, nhiều chuỗi liên kết được hình thành, doanh nghiệp có vùng nguyên liệu sạch, nông dân có nguồn thu nhập ổn định, đôi bên đều được hưởng lợi.
Phấn khởi
Năm 2020, củ đậu Hưng Tiến của HTX Nông nghiệp Hưng Tiến, xã Kim Tân (Kim Thành) trở thành 1 trong 3 sản phẩm OCOP đầu tiên của huyện Kim Thành. Chất lượng được khẳng định, sản phẩm được người tiêu dùng cả nước biết tới nhiều hơn cũng đồng nghĩa với giá trị sản phẩm được nâng cao. Đây cũng là điều mong mỏi của nông dân xã Kim Tân.
Ông Nguyễn Văn Lượng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hưng Tiến cho biết: “Chương trình OCOP đã giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp. Thay vì sản xuất theo kiểu mạnh ai nấy làm thì nay tất cả đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Sử dụng thuốc và phân bón theo quy trình để tạo ra sản phẩm đồng đều về mẫu mã và chất lượng. Tính trung bình, mỗi sào nông dân thu lãi từ 10-12 triệu đồng, có thời điểm giá bán cao, nông dân lãi gần 20 triệu đồng/sào. Sản phẩm tiêu thụ tốt, giá bán ổn định nên nông dân phấn khởi”.
Khoảng 3 năm nay, ngô nếp đã trở thành cây trồng quen thuộc của nhiều nông dân xã Thượng Quận. Từ cây trồng không có thế mạnh, nông dân đã liên kết sản xuất với doanh nghiệp để tạo ra nguồn thu ổn định. Hiện toàn bộ 5 ha trồng ngô nếp vụ xuân đều được Công ty CP Long Phát QLC ở xã Hiệp Hòa (cùng ở thị xã Kinh Môn) bao tiêu với giá ổn định 8.000 đồng/kg. “Thông qua Hội Nông dân, doanh nghiệp đã kết nối và bao tiêu toàn bộ sản lượng ngô của nông dân để làm nguyên liệu sản xuất rượu. Giống, kỹ thuật đều được doanh nghiệp hỗ trợ nên nông dân yên tâm sản xuất. Sản lượng ngô được bao tiêu toàn bộ, bảo đảm nông dân có lãi”, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thượng Quận nói.
Công ty CP Long Phát QLC hiện có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao gồm rượu An Sinh Vương ủ gỗ sồi, rượu ngô nếp + gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn-An Sinh Vương. Đây là 2 sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp với sản lượng cung cấp khoảng 3.000 lít/tháng. Anh Lê Văn Thành, đại diện Công ty CP Long Phát QLC cho biết: “Ngô nếp là một trong nguyên liệu chính để sản xuất của doanh nghiệp. Sản lượng ngô tự trồng của doanh nghiệp không đủ nên phải liên kết sản xuất với nông dân ở xã Thượng Quận để thu mua với sản lượng khoảng 60 tấn/năm. Nhờ mối liên kết này, doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu sạch, an toàn để sản xuất, còn nông dân không cần lo đầu ra cho nông sản”.
Tăng cường liên kết
Doanh nghiệp phấn khởi vì có vùng nguyên liệu an toàn, nông dân không lo đầu ra, đây là lợi ích kép trong việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp. Hiểu được điều này, ngay từ khi mới thành lập, cùng với tìm kiếm thị trường Công ty CP Chế biến thực phẩm Viway ở phường Chí Minh (Chí Linh) đã liên kết với người chăn nuôi. Doanh nghiệp tận dụng lợi thế của địa phương để xây dựng “Gà đồi Chí Linh” trở thành sản phẩm OCOP 3 sao. Mỗi tháng, công ty thu mua khoảng 3 vạn con gà đồi của các trang trại chăn nuôi trong chuỗi để sơ chế, chế biến. Ngoài gà sống, sản phẩm chủ lực mà công ty này hướng tới là gà xông muối chum đất bởi hương vị đặc trưng và thời gian bảo quản được lâu. Sản phẩm của doanh nghiệp chủ yếu được cung cấp cho hệ thống siêu thị, cửa hàng của Vinmart và Vinmart+.
Anh Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Công ty CP Chế biến thực phẩm Viway cho biết: “Doanh nghiệp đã liên kết với các hộ chăn nuôi xây dựng trang trại đầy đủ các tiêu chuẩn khắt khe trong sản xuất như quy mô, nguồn thức ăn, nước uống… để làm nguyên liệu sản xuất. Có nguyên liệu sạch thì mới sản xuất ra sản phẩm chất lượng phục vụ người tiêu dùng. Cả nông dân và doanh nghiệp đều được hưởng lợi từ liên kết này”.
Sau 4 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP đã mở ra cơ hội phát triển sản xuất, gia tăng giá trị của nhiều loại sản phẩm của địa phương. Nhiều địa phương đã phát huy các lợi thế theo nhóm sản phẩm để phát triển thành sản phẩm OCOP. Không những vậy, OCOP còn giúp nông dân dần thay đổi nhận thức trong sản xuất nông nghiệp. Ngày càng nhiều chuỗi liên kết được hình thành mang lại lợi ích cho chủ thể là các doanh nghiệp, HTX và cả nông dân.
Theo bà Bùi Thị Dung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, chương trình OCOP tạo ra môi trường cho các doanh nghiệp, HTX phát triển. Để nắm bắt được thời cơ phát triển, các chủ thể phải phát huy nội lực vốn có. Nhiều doanh nghiệp, HTX đã xây dựng các chuỗi liên kết với nông dân. Tuy nhiên chỉ liên kết theo chiều dọc là không đủ. Ngoài liên kết với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu sạch, các chủ thể cần tăng cường liên kết với các nhà phân phối, doanh nghiệp để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.