Thảm họa động đất tại Myanmar: Hy vọng sống sót trong những đống đổ nát

Công cuộc tìm kiếm người sống sót tại những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở Myanmar sau trận động đất mạnh 7,7 độ vẫn đang được thực hiện.

Hy vọng tìm kiếm người sống sót

Tại Mandalay và Sagaing, hai thành phố miền Trung Myanmar nằm gần nhất với tâm chấn của trận động đất, người dân cho biết họ phải "tự lực cánh sinh" vì viện trợ vẫn chưa đến được khu vực do đường sá, sân bay và cầu cảng đã bị hư hại hoặc phá hủy.

Lực lượng cứu hộ cố gắng giải cứu những cư dân bị mắc kẹt dưới đống đổ nát của khu chung cư Sky Villa bị phá hủy trong động đất ở Mandalay, Myanmar, ngày 29/3/2025. Ảnh: Getty Images

Lực lượng cứu hộ cố gắng giải cứu những cư dân bị mắc kẹt dưới đống đổ nát của khu chung cư Sky Villa bị phá hủy trong động đất ở Mandalay, Myanmar, ngày 29/3/2025. Ảnh: Getty Images

Lực lượng cứu hộ đã làm việc quần quật suốt ngày đêm bất chấp mọi nguy hiểm và khó khăn để giải cứu người dân khỏi những tòa nhà hoặc khu dân cư đã bị san phẳng. Thiếu các phương tiện và máy móc hiện đại, họ phải kéo những tấm bê tông và đống gạch bằng tay không và xẻng khi nghe thấy tiếng kêu cứu bên dưới các đống đổ nát.

Có những khoảnh khắc vui mừng ngắn ngủi trong khung cảnh tan hoang do trận động đất gây ra khi họ giải cứu được các nạn nhân còn sống. Nhưng cũng có những nỗi đau buồn khi phải chứng kiến nhiều cảnh tượng tang thương, chẳng hạn như cảnh một nhà trẻ bị chôn vùi hoàn toàn dưới đống đổ nát hay hay một người con trai nắm chặt tay người mẹ đang hấp hối khi bà đang bị mắc và không thể thoát ra.

Khi thời gian trôi qua, hy vọng đang dần phai nhạt đối với vô số người bị mắc kẹt.

“Chúng tôi phải tự lo liệu lấy. Chúng tôi đang dùng xẻng và tay di chuyển gạch để cứu người”, Sagaing Soe Min, 24 tuổi cho biết. “Nghĩa trang chật kín xác chết, số người thiệt mạng quá nhiều, đến nỗi chúng tôi phải hỏa táng ba phút một lần”.

Myanmar, một trong những quốc gia nghèo nhất châu Á, vẫn đang phải chứng kiến các cuộc xung đột. Nước này đã phải đối mặt với những cơn bão lớn và các cuộc giao tranh kéo dài hàng thập kỷ. Nhưng quy mô tàn phá của trận động đất 7,7 độ này đã khiến người dân choáng váng. Nhiều người đã tự tìm cách cứu gia đình, bạn bè và hàng xóm của họ khi thiếu sự hỗ trợ từ bên ngoài.

"Chúng tôi chưa bao giờ gặp phải điều gì nghiêm trọng như vậy. Có rất nhiều khó khăn, hạn chế và rủi ro - nhưng chúng tôi đang làm hết sức mình", một nhân viên cứu hộ ở Mandalay cho biết. Nhân viên này cho biết, tình trạng mất điện, thiếu máy móc hiện đại và các dư chấn liên tục khiến họ gặp nhiều khó khăn khi phải di dời các tảng bê tông lớn.

"Chúng tôi đã dọn dẹp tòa nhà bằng máy đào và giải cứu mọi người bằng các công cụ thủ công", Thar Nge, một tình nguyện viên cho biết. Theo tình nguyện viên này, lực lượng cứu hộ cần nhiều thiết bị tốt hơn, chẳng hạn như máy cắt kim loại và máy phát điện.

Thar Nge đã giúp đưa một bé gái bốn tuổi đến nơi an toàn. "Cô bé đã cầu xin anh cứu mình", anh nói. Bé gái này nằm trong số 12 trẻ em cùng với bốn giáo viên được cứu sau khi tòa nhà 2 tầng của nhà trẻ Bright Kids ở Kyaukse, một thị trấn phía nam Mandalay, bị đổ sập. Lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể 16 trẻ em và một giáo viên.

Những lời cầu cứu khẩn thiết

Những cảnh tượng tương tự đã diễn ra trên khắp miền Trung Myanmar. Các nhóm tình nguyện viên sử dụng mọi thứ họ có sẵn để giải cứu những người sống sót, đào bằng tay và bò qua các công trình đổ nát mà không có thiết bị an toàn.

Các bệnh viện tại Myanmar đều đã quá tải. Các cơ quan cứu trợ cảnh báo rằng có phải mất nhiều ngày hoặc nhiều tuần để xác định quy mô thảm họa.

Những hình ảnh về các tu viện, chùa chiền và nhà thờ Hồi giáo lịch sử ở các khu vực trung tâm bị phá hủy hoặc sụp đổ một phần, hay các tòa nhà cao tầng bị đổ sập...được đăng tải trên nhiều phương tiện truyền thông.

Nhiều người cũng đăng tải những lời cầu xin giúp đỡ trên mạng xã hội, với hy vọng có một phép màu xảy ra. Trên Facebook, một người đàn ông ở Mandalay đã kêu cứu, phát đi video về những khối bê tông, dầm gỗ và thanh kim loại và mẹ cùng các con của anh đang bị vùi lấp dưới đống đổ nát.

Trong một video khác trên Facebook, một người đàn ông nghẹn ngào vì xúc động, cầu nguyện cho mẹ mình. Anh ngồi bên cạnh thi thể của bà vẫn mắc kẹt trong đống đổ nát.

Thủ đô Naypyidaw của Myanamar cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Một nhân viên cứu hộ ở đó cho biết các đội cứu hộ đã làm việc suốt đêm và nói thêm rằng điều đau lòng nhất là phải từ bỏ những người bị mắc kẹt.

“Tôi cảm thấy rất nặng nề. Vẫn còn rất nhiều thi thể cần di chuyển. Không chỉ di chuyển, mà còn phải đào lên. Các thi thể đang được chuyển đến nhà xác trong thành phố, nhưng ở đó không có điện”, một tình nguyện viên cho biết.

Tại Naypyidaw và Mandalay, không có đủ các nhân viên cứu hộ để tiếp nhận và xử lý tất cả các cuộc gọi. “Chúng tôi phải thực hiện các biện pháp cứu họ bằng nguồn nhân lực ít ỏi”, Thein Min Tun, một nhân viên tình nguyện ở Mandalay nói.

Han Myo Aung, một tình nguyện viên khác thừa nhận họ vẫn còn rất nhiều việc phải làm. “Ngay cả khi khả năng tìm thấy nhiều người sống sót rất thấp, chúng tôi cũng cần phải phá dỡ các tòa nhà có nguy cơ sụp đổ".

"Chúng tôi chưa bao giờ trải qua một trận động đất như thế này trước đây", Han Myo Aung chia sẻ.

Hôm 29/3, chính quyền Myanmar cho biết đã có ít nhất 1.644 người đã thiệt mạng và hơn 3.400 người bị thương sau trận động đất. Nhưng ở nhiều nơi thông tin liên lạc đã bị cắt đứt vì thế rất khó đánh giá chính xác con số thương vong và thiệt hại.

Vài giờ sau khi trận động đất xảy ra, Người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing Min Aung Hlaing đã kêu gọi giúp đỡ từ các quốc gia và tổ chức bên ngoài. Một số nhóm vũ trang đối đầu với quân đội đã kêu gọi ngừng bắn một phần trong hai tuần để tiếp tục nỗ lực cứu hộ.

Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/tham-hoa-dong-dat-tai-myanmar-hy-vong-song-sot-trong-nhung-dong-do-nat-post1188351.vov