Thảm kịch Jeju Air và tranh cãi về an toàn của dòng máy bay Boeing 737

Tai nạn máy bay thảm khốc tại Hàn Quốc đã làm dấy lên những lo ngại về công nghệ trên dòng máy bay 737-800, đặc biệt khi Boeing từng vướng nhiều tranh cãi đến vấn đề an toàn.

 Các đội cứu hộ làm việc tại hiện trường vụ máy bay Boeing 737-800 của Jeju Air bị rơi và bốc cháy tại Sân bay quốc tế Muan. Ảnh: Yonhap.

Các đội cứu hộ làm việc tại hiện trường vụ máy bay Boeing 737-800 của Jeju Air bị rơi và bốc cháy tại Sân bay quốc tế Muan. Ảnh: Yonhap.

Sau thảm kịch ở Hàn Quốc khiến 179 người thiệt mạng của hãng hàng không Jeju Air, chiếc máy bay 737-800 của hãng Boeing đã trở thành chủ đề được quan tâm toàn cầu.

Đây là một trong những dòng máy bay phổ biến nhất thế giới, với gần 200 hãng hàng không sử dụng, chiếm khoảng 17% đội bay toàn cầu.

Theo CNN, dù là dòng máy bay được ưa chuộng trong ngành hàng không, Boeing 737-800 cũng là loại tàu bay phải đối mặt với những quan ngại lớn về an toàn trong 3 thập kỷ qua.

Những rủi ro về công nghệ

Theo The Guardian, ra mắt vào năm 1993 và bắt đầu hoạt động từ 1997, Boeing 737-800 thuộc “thế hệ tiếp theo” của dòng 737 nổi tiếng. Với sức chứa tối đa 189 hành khách, đây là mẫu máy bay bán chạy nhất trong thế hệ của mình.

Boeing 737-800 cũng là dòng máy bay ra đời trước Boeing 737 Max - mẫu máy bay liên quan đến 2 vụ tai nạn thảm khốc vào năm 2018 và 2019 khiến 346 người thiệt mạng.

Boeing 737 Max sau đó đã bị cấm bay trong gần 2 năm, và hệ thống điều khiển bay - được điều chỉnh sau đó - đã bị xác định là nguyên nhân của cả 2 vụ tai nạn.

Theo số liệu từ công ty dữ liệu hàng không Cirium, hiện có gần 4.400 chiếc Boeing 737-800 đời cũ đang hoạt động trên toàn thế giới. Độ tuổi trung bình của đội bay này là 13 năm và những chiếc cuối cùng được bàn giao cũng đã cách đây 5 năm.

Trong vụ tai nạn gần đây, các vấn đề như triển khai càng đáp thủ công trong tình huống khẩn cấp được coi là yếu tố then chốt. Một số chuyên gia cho rằng Boeing đã không nâng cấp một số công nghệ quan trọng hoặc bổ sung các tính năng an toàn tiên tiến hơn, góp phần gây ra rủi ro đối với các mẫu máy bay cũ như 737-800.

Hơn nữa, các so sánh thường được đưa ra giữa Boeing 737-800 và thế hệ kế nhiệm là 737 Max. Dòng Max cũng từng chịu sự chỉ trích nặng nề vì các lỗi thiết kế dẫn đến những vụ tai nạn chết người trong những năm gần đây.

Thiết kế ban đầu của Hệ thống Tăng cường Đặc tính Điều khiển (MCAS) trên dòng Boeing 737 Max, vốn có một số điểm tương đồng về công nghệ với 737-800, dựa vào dữ liệu từ một cảm biến góc tấn (AOA) duy nhất. Việc thiếu hệ thống dự phòng đã bị chỉ trích nặng nề, đặc biệt sau 2 vụ tai nạn thảm khốc liên quan đến dòng Max.

Vào tháng 4/2019, CNN đưa tin việc Boeing chỉ dùng một cảm biến đơn lẻ cho dòng 737 Max đã bị Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) báo cáo 216 lần. Các chuyên gia nhấn mạnh rằng một thiết kế an toàn cần tích hợp nhiều cảm biến để giảm thiểu rủi ro do cảm biến bị lỗi.

 Danh tiếng của dòng 737 nói riêng và Boeing nói chung đang ngày càng lung lay sau hàng loạt sự cố. Ảnh: NBC.

Danh tiếng của dòng 737 nói riêng và Boeing nói chung đang ngày càng lung lay sau hàng loạt sự cố. Ảnh: NBC.

Trong khi đó, các hệ thống phần mềm trên Boeing 737-800, bao gồm cả hệ thống điều khiển bay và cảnh báo an toàn, đều bị cho là không theo kịp các tiến bộ trong công nghệ hàng không. Điển hình như hệ thống MCAS, ban đầu được thiết kế mà không có đủ các cơ chế an toàn và dự phòng, dẫn đến nhiều rủi ro vận hành đáng kể.

Trong khi các mẫu máy bay mới như 737 Max đã được cập nhật sau vụ tai nạn năm 2018, nhưng các mẫu 737-800 cũ vẫn hoạt động với hệ thống phần mềm lạc hậu này.

Các cuộc điều tra vào tháng 3 năm nay của FAA cũng đã phát hiện một số vấn đề tiềm ẩn liên quan đến dây dẫn, có thể gây ra các sự cố nghiêm trọng như mất kiểm soát hoặc mất lực đẩy động cơ trong các giai đoạn quan trọng của chuyến bay. Những vấn đề này nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cấp toàn diện và kiểm tra kỹ lưỡng hệ thống điện trên các mẫu máy bay cũ.

Với liên tiếp những tai nạn và tai tiếng xảy ra của Boeing 737-800, 737 Max và các dòng khác, vào tháng 5 năm nay, sau khi xem xét quy trình sản xuất và các tiêu chuẩn của Boeing, Giám đốc FAA Mike Whitaker cho biết cơ quan quản lý đã phát hiện ra các vấn đề liên quan đến các khía cạnh "thực sự quan trọng" trong dây chuyền sản xuất và lắp ráp của Boeing.

Đồng thời, cơ quan này cũng cho công ty thời hạn đến cuối tháng 5 để đưa ra kế hoạch khắc phục các vấn đề sản xuất, theo CNN.

Các cáo buộc che giấu tội lỗi

Tháng 7 vừa qua, Boeing đồng ý nhận tội âm mưu gian lận khi lừa dối Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) về thông tin liên quan đến dòng 737 Max.

Việc này khiến FAA chỉ yêu cầu đào tạo phi công trên máy tính thay vì các khóa huấn luyện chuyên sâu buồng lái mô phỏng - một quyết định giúp giảm chi phí cho các hãng hàng không và có thể ngăn các hãng chuyển sang mua máy bay từ Airbus - nhưng lại làm dấy lên nghi ngờ về mức độ sẵn sàng ứng phó trong các tình huống khẩn cấp.

Dù vậy, các công tố viên cho biết không có đủ bằng chứng để khẳng định hành động này liên quan trực tiếp đến các vụ tai nạn thảm khốc trước đó.

Hôm 1/10, tờ Business Insider đưa tin Hội đồng An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) đã đưa ra cảnh báo khẩn cấp về nguy cơ lỗi trên các dòng máy bay 737 của Boeing.

Theo báo cáo ngày 26/9, ít nhất 40 hãng hàng không quốc tế đang vận hành máy bay có linh kiện dẫn hướng bị lỗi đồng thời đã đưa ra các khuyến nghị an toàn khẩn cấp đối với Boeing và Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA).

Hướng dẫn vận hành của Boeing khuyến cáo phi công đối mặt với bánh lái bị kẹt nên áp dụng "lực tối đa" để vượt qua tình trạng này. Tuy nhiên, NTSB cảnh báo việc sử dụng lực tối đa trên các hệ thống bánh lái bị lỗi có thể "gây mất kiểm soát hoặc trượt khỏi đường băng".

Chủ tịch NTSB, Jennifer Homendy, cho biết Boeing đã nhận được 353 thiết bị dẫn hướng bị lỗi kể từ tháng 2/2017. Trong số này, 271 thiết bị có thể đã được lắp đặt trên các máy bay đang vận hành bởi ít nhất 40 hãng hàng không nước ngoài, và 16 thiết bị “có thể vẫn đang được sử dụng trên các máy bay đăng ký tại Mỹ”.

Bà Homendy cũng chỉ trích Boeing vì không thông báo cho United Airlines về việc các thiết bị bị lỗi đã được lắp đặt trên các máy bay mà hãng bàn giao.

 Hình ảnh từ cuộc điều tra của NTSB cho thấy bên trong Chuyến bay 1282 của Alaska Airlines trên chiếc Boeing 737 Max 9, đã xảy ra một vụ nổ dữ dội khi máy bay bị mất chốt cửa. Ảnh: NTSB.

Hình ảnh từ cuộc điều tra của NTSB cho thấy bên trong Chuyến bay 1282 của Alaska Airlines trên chiếc Boeing 737 Max 9, đã xảy ra một vụ nổ dữ dội khi máy bay bị mất chốt cửa. Ảnh: NTSB.

Với những tai tiếng kể trên, giới chuyên môn tiếp tục đặt câu hỏi về độ tin cậy của các sản phẩm Boeing.

Phó giáo sư Guy Gratton từ Đại học Cranfield cho rằng các lỗi lặp đi lặp lại đang làm suy giảm uy tín của Boeing. Dù ông vẫn khẳng định sẵn sàng bay trên những chiếc 737 vì tin tưởng vào hệ thống an toàn tổng thể của ngành hàng không, những vụ việc liên tục cho thấy sản phẩm Boeing không còn giữ được vị thế cạnh tranh so với các đối thủ.

Năm nay, hàng loạt người đã cáo buộc Boeing lơ là trong kiểm soát an toàn và chất lượng.

Một số cáo buộc gây chấn động đã được công khai trong báo cáo dài 204 trang của tiểu ban Thượng viện Mỹ công bố ngày 17/6, nhằm điều tra về các thực hành an toàn và chất lượng của Boeing.

Trong báo cáo, Sam Mohawk, một thanh tra đảm bảo chất lượng của Boeing, cho biết công ty đã mất dấu hàng trăm bộ phận bị lỗi của dòng 737 và ra lệnh cho nhân viên che giấu các bộ phận máy bay được lưu trữ không đúng cách để tránh bị thanh tra FAA phát hiện.

Merle Meyers, cựu quản lý chất lượng của Boeing, tiết lộ đội sản xuất của công ty thường xuyên tìm cách thu hồi các bộ phận hỏng từ khu vực “tái chế” ngay cả sau khi chúng đã bị loại bỏ.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/tham-kich-jeju-air-va-tranh-cai-ve-an-toan-cua-dong-may-bay-boeing-737-post1521668.html