Thảm kịch Nakba có lặp lại?

Sau 19 tháng, cuộc chiến ở Dải Gaza do quân đội Israel tiến hành đang bước sang giai đoạn mới, có thể khiến toàn bộ người Palestine bị đẩy ra khỏi vùng đất cuối cùng của mình.

Bước leo thang mới cho xung đột ở Gaza

Ngày 16/5/2025, Lực lượng Phòng vệ Israel đã chính thức phát động chiến dịch quân sự mới mang tên “Xe ngựa của Gideon” nhằm vào lực lượng Hamas. Chiến dịch được công bố như một bước đột phá trong cuộc chiến tại Dải Gaza. Đây không đơn thuần là một chiến dịch quân sự thông thường mà được mô tả là “giai đoạn đầu tiên của cuộc tấn công quy mô lớn” nhằm “giải cứu con tin, tiêu diệt Hamas và kiểm soát các khu vực chiến lược”.

Dải Gaza hoang tàn sau gần 2 năm xung đột.

Dải Gaza hoang tàn sau gần 2 năm xung đột.

Khác với các chiến dịch quân sự nhằm vào Dải Gaza thời gian qua vốn tập trung vào mục tiêu đánh nhanh, rút gọn, lần này Lực lượng Phòng vệ Israel triển khai lực lượng mặt đất tiến sâu vào các khu đô thị đông dân như trại tị nạn Jabalya và khu vực Al-Salateen. Hàng trăm cuộc không kích dồn dập nhắm vào hơn 150 mục tiêu được cho là cơ sở khủng bố của Hamas, bao gồm cả các khu dân cư ở Beit Lahia và Jabalya, khiến ít nhất 115 người Palestine thiệt mạng, phần lớn là phụ nữ và trẻ em.

Đáng chú ý, Lực lượng Phòng vệ Israel còn phát tờ rơi yêu cầu người dân Gaza di tản khẩn cấp về phía Nam, một chiến thuật gợi nhớ đến lệnh sơ tán cưỡng bức trong chiến tranh 1948 - thời điểm xảy ra thảm họa Nakba.

Thủ tướng Israel và dàn lãnh đạo quân đội đang có những hành động rất cứng rắn.

Thủ tướng Israel và dàn lãnh đạo quân đội đang có những hành động rất cứng rắn.

Chiến dịch diễn ra sau khi thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ, Ai Cập và Qatar làm trung gian đổ vỡ vào tháng 3/2025, tạo điều kiện cho Israel mở rộng phạm vi tấn công và kiểm soát toàn bộ Gaza.

Mục tiêu thực sự của Israel?

Theo các phân tích từ giới chuyên gia và thông tin nội bộ, chiến dịch “Xe ngựa của Gideon” không chỉ nhằm mục đích quân sự là tiêu diệt Hamas mà còn hướng tới việc chiếm đóng toàn bộ Dải Gaza. Bộ trưởng Tài chính Israel, ông Bezalel Smotrich, lãnh đạo phe cực hữu trong chính phủ mới đây đã công khai ủng hộ việc “san bằng” Gaza và mở rộng chiến sự sang Bờ Tây.

Cùng với hành động lần này của Lực lượng Phòng vệ, chính phủ do Thủ tướng Benjamin Netanyahu dường như đang muốn biến Dải Gaza thành “vùng đất trống” không có người Palestine sinh sống. Thủ tướng Netanyahu cách đây không lâu đã nói rằng: “Người dân Gaza sẽ phải di dời về phía Nam sau khi nội các an ninh Israel phê chuẩn chiến dịch quân sự mở rộng tại khu vực”.

Nakba 1948 từng là sự kiện đau xót của người Palestine.

Nakba 1948 từng là sự kiện đau xót của người Palestine.

Lý giải về hành động quân sự quyết đoán này của ông Netanyahu, giáo sư Jon B. Alterman, Phó Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận định chiến dịch này phục vụ mục đích chính trị nội bộ của Thủ tướng Netanyahu, người đang đối mặt áp lực từ phe cực hữu trong liên minh cầm quyền và các vụ điều tra tham nhũng. Việc tái chiếm Gaza có thể giúp ông trì hoãn các vụ kiện và củng cố quyền lực trước thềm bầu cử năm tới.

Phát biểu về kế hoạch mới, Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết: "Lực lượng thuộc Bộ Tư lệnh miền Nam sẽ tiếp tục hoạt động để bảo vệ công dân Israel và thực hiện các mục tiêu của cuộc chiến" bao gồm “buộc người dân Palestine di chuyển về phía Nam Dải Gaza, đồng thời ngăn chặn các nhóm vũ trang chiếm đoạt hàng viện trợ nhân đạo”. Theo Lực lượng Phòng vệ thì chiến lược này sẽ giúp họ bóp nghẹt Hamas. Tuy nhiên, giới chức quốc tế, đặc biệt là Cơ quan cứu trợ của Liên hợp quốc cho người Palestine (UNRWA) thì lại cho rằng đây là một chiến thuật sẽ khiến tình hình nhân đạo tại Gaza ngày càng nghiêm trọng.

Báo cáo từ Sáng kiến Phân loại an ninh lương thực (IPC) ngày 12/5/2025 cho thấy khoảng 500.000 người, tương đương 22% dân số Gaza, đang đối mặt với nạn đói ở mức độ thảm họa (Giai đoạn 5). Hơn 93% dân số sống trong tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trong khi giá lương thực tăng gấp 30 lần so với đầu năm 2025, khiến người dân không thể mua nổi thực phẩm cơ bản.

Các bệnh viện lớn như al-Awda và European vốn được tài trợ bởi các tổ chức quốc tế cũng buộc phải đóng cửa do thiếu nhiên liệu và thuốc men, trong khi ít nhất 57 người đã chết vì đói. Israel đã phong tỏa hoàn toàn viện trợ nhân đạo từ tháng 3/2025, vi phạm Công ước Geneva về bảo vệ dân thường trong chiến tranh, khiến tình hình càng thêm bi đát. Những con số thương vong và mất mát không chỉ là thống kê mà là những câu chuyện đau thương của hàng triệu người vô tội đang bị kẹt giữa cuộc chiến không hồi kết.

Nguy cơ tái diễn Nakba 1948

Ngày 15/5/2025 đánh dấu tròn 77 năm kể từ Nakba, sự kiện ghi dấu việc hơn 750.000 người Palestine bị cưỡng bức di cư trong quá trình thành lập Nhà nước Israel vào năm 1948. Nakba, trong tiếng Arab có nghĩa là “thảm họa”, không chỉ là sự kiện lịch sử mà còn là nỗi ám ảnh dai dẳng của người Palestine.

Tháng 3/2025, trong bài phát biểu tại Hạ viện Mỹ, nghị sĩ Rashida Tlaib (người Mỹ gốc Palestine duy nhất trong Quốc hội), đã cáo buộc Israel thực hiện “chiến dịch diệt chủng” và “thanh lọc sắc tộc” tại Gaza, đồng thời nhấn mạnh: “Nakba chưa bao giờ kết thúc”. Bà Tlaib trích dẫn số liệu từ các tổ chức nhân quyền rằng hơn 53.000 người Palestine đã thiệt mạng kể từ tháng 10/2023, phần lớn trong đó là dân thường.

Giấc mơ về nhà nước của người Palestine vẫn luôn cháy bỏng.

Giấc mơ về nhà nước của người Palestine vẫn luôn cháy bỏng.

Liên hợp quốc cũng đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ tái diễn Nakba. Cao ủy Nhân quyền của Liên hợp quốc, ông Volker Turk gọi các cuộc tấn công của Israel tại Gaza hiện nay là “hành động thách thức luật pháp quốc tế”, nhằm “thay đổi vĩnh viễn cơ cấu nhân khẩu học Gaza”. Chiến thuật yêu cầu dân thường di tản ồ ạt, giống như cách Israel từng sử dụng 1948 để ép buộc người Palestine rời bỏ nhà cửa, đang được tái hiện một cách có hệ thống.

Nhiều học giả và chuyên gia nhân quyền cảnh báo rằng, những hành động hiện tại tại Gaza có thể cấu thành tội ác diệt chủng, với bằng chứng là việc phá hủy cơ sở hạ tầng, ném bom trường học, bệnh viện, các khu dân cư, cùng với chiến thuật thanh lọc sắc tộc có hệ thống. Với con số thống kê khủng khiếp, khoảng 2,5% dân số bị thiệt mạng, 8,4% bị thương và 90% dân số bị cưỡng ép di dời trên tổng số 2,1 triệu người Palestine ở Dải Gaza, tình trạng này không chỉ là một thảm họa nhân đạo mà đang trở thành cuộc chiến sinh tồn của một dân tộc.

Sự bất lực của cộng đồng quốc tế

Dù cộng đồng quốc tế đã lên án mạnh mẽ các hành động của Israel, nhưng sự phản ứng thực tế vẫn còn nhiều mâu thuẫn và mơ hồ. Mỹ, đồng minh thân cận nhất của Israel mới đây bất ngờ đề xuất biến Gaza thành “khu vực tự do” do Mỹ kiểm soát, đồng thời đổ lỗi cho Hamas là rào cản cho hòa bình. Chiến dịch “Xe ngựa của Gideon” được khởi động ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có chuyến thăm Trung Đông và gặp nhiều đối tác Arab để ký những thỏa thuận kinh tế lớn nhưng lại gần như không đả động gì đến vấn đề của người Palestine khiến cho người ta dễ hiểu rằng Mỹ đang ủng hộ cách làm của Israel hiện nay. Ông Trump trước đó thừa nhận người dân ở Dải Gaza "đang chết đói" và tuyên bố “Mỹ sẽ giải quyết tình hình tại đây”.

Các nước Arab như Qatar thì lên tiếng kêu gọi ngừng bắn khẩn cấp nhưng bị chính quyền Israel từ chối. Các nước châu Âu, vốn cũng tham gia bảo trợ cho tiến trình hòa bình Trung Đông thì từ lâu đã “quên” nhiệm vụ của mình vì những vấn đề riêng của họ. Sự thiếu đồng thuận và thiếu hành động quyết liệt từ cộng đồng quốc tế khiến Gaza ngày càng trở thành “vùng đất chết” - nơi người Palestine không chỉ mất nhà cửa mà còn đánh mất hy vọng về một quốc gia độc lập, tự do.

Thảm họa nhân đạo với người Palestine ở Gaza đang ngày càng nghiêm trọng.

Thảm họa nhân đạo với người Palestine ở Gaza đang ngày càng nghiêm trọng.

77 năm sau Nakba, người Palestine lại đứng trước nguy cơ bị “đuổi” khỏi quê hương mình, sự tồn tại của dân tộc Palestine đang bị đe dọa nghiêm trọng. Những gì đang diễn ra ở Gaza là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ cho cộng đồng quốc tế về việc lịch sử có thể lặp lại nếu không có sự can thiệp kịp thời và công bằng. Câu hỏi lớn nhất hiện nay là liệu lương tri nhân loại có đủ mạnh để ngăn chặn một Nakba mới, để bảo vệ quyền sống của hàng triệu người Palestine dưới bom đạn chiến tranh?

Tử Uyên

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/tham-kich-nakba-co-lap-lai--i768978/