Thầm lặng gìn giữ giá trị di sản văn hóa

Để Làng cổ Đông Hòa Hiệp phát huy các giá trị văn hóa, được nhiều người biết đến, bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền, các tổ chức và cộng đồng dân cư, chúng ta không thể không nhắc đến sự đóng góp thầm lặng của những người phụ nữ.

Người nhà của nhà cổ ông Trần Tuấn Kiệt trong một lần đón tiếp lãnh đạo Trung ương.

Người Việt Nam có câu “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Điều này nói lên rằng, mặc dù đàn ông có thể đóng vai trò chính trong sáng tạo giá trị vật chất, nhưng những giá trị tinh thần chủ yếu lại do người phụ nữ đem lại.

Trong các di sản văn hóa vật thể hay phi vật thể, có thể thấy rằng, giá trị tinh thần do phụ nữ tạo dựng ra là rất quan trọng. Phụ nữ là đồng tác giả và thường là nhân vật chính tạo ra linh hồn, cảm hứng của kho tàng văn hóa dân gian như: Âm nhạc, ca dao dân ca, kiến trúc, thủ công mỹ nghệ, ẩm thực...

Tiếp nối các hoạt động diễn ra trong khuôn khổ Lễ hội Văn hóa, Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp lần thứ IV năm 2019, ngày 11-11, nhiều trò chơi dân gian được diễn ra như: Kéo co, đẩy gậy, kéo tay, đua xuồng… tạo không khí vui tươi, bổ ích phục vụ du khách. Qua các trò chơi dân gian, du khách có thể hiểu hơn về nét văn hóa riêng của vùng sông nước miệt vườn.

M. THÀNH - C. THẮNG

Theo Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh, khi khảo sát hiện trạng cảnh quan để tổ chức các cuộc thi Hàng rào và cảnh quan trong khuôn khổ Lễ hội Văn hóa, Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp, bà rất lo lắng khi có những hộ chỉ toàn phụ nữ và trẻ em nên không biết có thể tham gia được không. Song, những hộ đó vẫn nỗ lực tham gia và duy trì cảnh quan đẹp trước ngôi nhà mình cho đến ngày nay.

Ấn tượng tiếp theo của bà đối với nơi đây là cách những người phụ nữ chăm chút bữa ăn cho khách và không ngừng học hỏi nâng cao, đổi mới chất lượng phục vụ để phù hợp với du khách quốc tế. Theo bà Ngọc, những người phụ nữ ở Làng cổ Đông Hòa Hiệp không chỉ giữ gìn các ngôi nhà cổ, mà còn phát triển thành công mô hình homestay và ngày càng hoàn thiện hơn nghệ thuật ẩm thực đặc sắc của miền Tây Nam bộ, giúp cho du khách ngày càng biết đến những giá trị di sản văn hóa địa phương.

Ở Làng cổ Đông Hòa Hiệp, khi nhắc đến nhà cổ ông Trần Tuấn Kiệt, chắc có lẽ bà Lê Thị Chính không phải là cái tên xa lạ. Bà Chính hiện là chủ nhà cổ ông Trần Tuấn Kiệt. Kế thừa di sản văn hóa từ ông bà để lại, những năm qua, bà cùng gia đình ra sức phát huy các giá trị văn hóa của ngôi nhà cổ để đón khách đến tham quan kết hợp dịch vụ ăn uống và nghỉ lại. Bà Chính cùng chủ nhân của một số ngôi nhà cổ khác trong làng từng được mời sang Nhật Bản để học hỏi kinh nghiệm về việc bảo tồn di tích nhà cổ cũng như chia sẻ về văn hóa ẩm thực Việt - Nhật.

Theo bà Chính, qua những chuyến giao lưu văn hóa giữa 2 nước, gặp nhiều nhà lãnh đạo của Nhật Bản và Việt Nam, bà nhận thấy bình đẳng giới đóng vai trò rất quan trọng. Từ thực tế đó, bà muốn đề cao vai trò của người phụ nữ trong công việc nói chung và gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa của Làng cổ Đông Hòa Hiệp nói riêng. “Phụ nữ chúng tôi đang dần hoàn thiện bản thân, đoàn kết, học hỏi thêm kinh nghiệm để một phần nào đó đưa văn hóa làng cổ phát triển xa hơn nữa” - bà Chính chia sẻ.

Nhìn vào thực tế, Làng cổ Đông Hòa Hiệp dù đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) công nhận và xếp hạng di tích quốc gia, nhưng sản phẩm quà lưu niệm du lịch còn thiếu phong phú, chưa mang nét đẹp văn hóa riêng của địa phương. Mặt khác, các nghề thủ công truyền thống của địa phương cũng có nguy cơ bị mai một.

Theo Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Đức Đảm, để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Làng cổ Đông Hòa Hiệp vào phát triển du lịch cộng đồng một cách bền vững và có hiệu quả cần có sự chung tay góp sức của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng dân cư địa phương, nhất là vai trò và sự tham gia của người phụ nữ tại đây.

Tới đây, Sở VH-TT&DL sẽ tiếp tục hỗ trợ huyện Cái Bè về giải pháp trong việc bảo tồn, tôn tạo để phát huy giá trị di sản Làng cổ Đông Hòa Hiệp với sự tham gia của cộng đồng, nhất là vai trò và sự tham gia của người phụ nữ tại xã. Đồng thời, tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá làng cổ đến với du khách trong nước và quốc tế; nghiên cứu duy trì lễ hội và nâng dần chất lượng tổ chức theo lệ kỳ 2 năm/lần…

M. THÀNH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/201911/tham-lang-gin-giu-gia-tri-di-san-van-hoa-881379/