Thầm lặng nghề công tác xã hội

Tổ CTXH Bệnh viện Đa khoa Phú Yên tham gia hội thi tìm hiểu nghề CTXH năm 2020. Ảnh: KIM CHI

Sau 10 năm triển khai đề án Phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) giai đoạn 2010-2020, CTXH đã được công nhận là một nghề với nhiều công việc đáp ứng nhu cầu phục vụ xã hội.

CTXH là nghề mới ở Việt Nam nên nhiều người còn lạ lẫm với tên gọi của nghề này. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đất nước, nghề CTXH ngày càng được định hình và hướng tới mục tiêu tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của con người, góp phần giải quyết các vấn đề của xã hội liên quan đến cá nhân, gia đình, cộng đồng những người yếu thế.

Gương sáng thầm lặng

Ông Đinh Viết Hậu, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB-XH) cho biết: Đến nay, Phú Yên đã xây dựng được hệ thống tổ chức nhân sự CTXH tương đối phù hợp và đã đi vào hoạt động có hiệu quả. 100% xã, phường, thị trấn có cộng tác viên CTXH với chức năng nhiệm vụ được quy định. Ngoài tình yêu thương, tận tụy với nghề khi chăm sóc, hỗ trợ những người yếu thế trong xã hội, những nhân viên CTXH đã biết tổ chức thực hiện công việc một cách chuyên nghiệp hơn.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Sen có gần 8 năm công tác tại Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh, là một trong những người điển hình gắn bó với nghề CTXH. Hàng ngày, chị chăm sóc cho các đối tượng tận tình chu đáo từ miếng cơm, ngụm nước; tắm giặt, vệ sinh lúc ở nhà cũng như lúc đi bệnh viện. Chị luôn gần gũi, nắm bắt tâm tư, tình cảm, động viên họ sống vui, sống khỏe; yêu thương và chăm sóc họ như người thân trong gia đình. Đặc biệt đối với các cụ bị ốm nặng nằm liệt giường thời gian dài, vết thương bị lở loét chị không ngại khó khăn vẫn chăm sóc, tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ, đút từng miếng cơm, muỗng cháo cho các cụ ăn, giúp các cụ mau lành bệnh. Mới đây, chị vinh dự được chọn đi dự Hội nghị “Gương sáng thầm lặng vì cộng đồng” toàn quốc và được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH tặng bằng khen.

“Là nhân viên CTXH, tôi luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao trong việc chăm sóc các đối tượng là người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người tâm thần, người khuyết tật. Hàng ngày, tôi thường xuyên thăm hỏi, chuyện trò, kịp thời nắm bắt những tâm tư tình cảm, nguyện vọng của họ để báo cáo lãnh đạo hỗ trợ kịp thời. Với những cụ cao tuổi, mỗi buổi sáng tôi đưa các cụ ra ngoài tập thể dục, tắm nắng, gặp gỡ, trao đổi với nhau tạo sự hòa đồng, gần gũi, giúp các cụ thoải mái, không còn cảm giác buồn tủi nhớ nhà”, chị Sen chia sẻ.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và bảo trợ xã hội, chị Sen là một trong những nhân viên tận tụy, tậm tâm. Chị luôn đón tiếp các cụ đến điều dưỡng nhiệt tình, vui vẻ, kính trọng. Trong thời gian các cụ ở lại trung tâm, chị luôn dọn dẹp sạch sẽ, đảm bảo sức khỏe cho các cụ, tạo không khí vui vẻ, thoải mái, hạn chế tâm lý các cụ nhớ nhà. Chị cùng các nhân viên CTXH khác thường xuyên tìm tòi học hỏi những phương pháp làm việc mới có hiệu quả cao hơn, tổ chức giao lưu văn nghệ, chiếu phim tài liệu, đưa các cụ đi tham quan các điểm du lịch trong tỉnh…

Cầu nối an sinh xã hội

Bà Đào Mỹ Diễm Kiều, Trưởng Phòng Điều dưỡng - CTXH, cho biết bệnh viện là nơi cần có hoạt động của CTXH nhất. Theo nữ cử nhân điều dưỡng này, những người làm CTXH ở bệnh viện không chỉ hỗ trợ bệnh nhân, mà còn hỗ trợ thầy thuốc giảm bớt áp lực công việc, nâng cao hiệu quả điều trị, chất lượng dịch vụ. Họ đảm nhiệm vai trò cầu nối giữa người bệnh và bác sĩ, giúp người bệnh yên tâm, tăng sự hài lòng khi sử dụng dịch vụ y tế. Ngoài ra, những người làm CTXH còn thường xuyên hỗ trợ bệnh nhân già yếu, neo đơn, tàn tật khi đến khám bệnh. Đồng thời tiếp nhận sự tài trợ dưới các hình thức như: phát cơm, cháo, sữa, bánh mì - bánh bao, tiền mặt… cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Còn theo bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, những nhân viên làm nghề CTXH đang là cầu nối đưa các chính sách an sinh xã hội đi vào đời sống. Đó là những người làm việc trong các lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, trợ giúp người khuyết tật; phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng yếu thế; giảm nghèo, bảo trợ xã hội; những người bệnh đau nặng, hiểm nghèo đang cần được chia sẻ, giúp đỡ trong bệnh viện… Họ chính là những gương sáng thầm lặng vì cộng đồng mà mới đây Bộ LĐ-TB-XH đã tổ chức hội nghị biểu dương, ghi nhận sự đóng góp thầm lặng của họ đối với xã hội.

“Để phát triển nghề CTXH, thời gian tới, tỉnh tiếp tục nâng cao và đa dạng hóa các dịch vụ CTXH tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Ngoài việc chăm sóc nuôi dưỡng, tỉnh còn quan tâm đến các hoạt động học chữ, học nghề, phục hồi chức năng, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, kỹ năng sống; tư vấn, tham vấn… Tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa các phong trào từ thiện, hỗ trợ nhân đạo với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Phát hiện và có những hoạt động hỗ trợ kịp thời đối với những hoàn cảnh rủi ro, bất hạnh. Đồng thời có sự liên kết phối hợp chặt chẽ nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động và phong trào từ thiện tình thương”, bà Hiền cho biết thêm.

HOÀNG LÊ - NGỌC MINH

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/250595/tham-lang-nghe-cong-tac-xa-hoi.html