Thầm lặng nghề truyền tải điện

Lâu nay, câu ví von 'ăn cơm dưới đất, làm việc trên trời' vẫn được dành cho những công nhân truyền tải điện. Họ chính là những 'người lính' xông pha nơi tuyến đầu, bảo vệ an toàn cho từng trụ điện, từng mét đường dây, giúp dòng điện thông suốt.

Nghề không dành cho người yếu tim

“Muốn làm nghề này thì trước tiên cần phải có thần kinh thép”-anh Đào Văn Tiệp-Đội trưởng Đội Truyền tải điện Chư Pưh (Truyền tải Điện Gia Lai) chia sẻ về công việc của mình. Gắn bó với nghề, với những trụ điện cao chót vót từ thuở đôi mươi, sau hơn 20 năm, anh Tiệp vẫn chưa hết bồi hồi khi nhớ lại những ngày đầu tiên ấy.

Đó là những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, những chàng trai phơi phới thanh xuân ở nhiều vùng miền đã tề tựu về mảnh đất Gia Lai nắng gió khi đường dây 500 kV Bắc-Nam vận hành. Anh Tiệp hồi nhớ: “Cuộc sống của anh em khi đó rất khó khăn, thường phải lập lán trại ở trong rừng nhiều ngày, phải đi rất xa để gánh nước sinh hoạt. Nhiều khi, bà con ở những buôn làng xa xôi thấy thương thì cho cái bắp, củ mì để động viên anh em. Công việc này vừa nguy hiểm, vừa vất vả, nếu không yêu nghề thì rất khó bám trụ”.

Công việc của công nhân truyền tải gắn liền với những trụ điện cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh: Phạm Văn Bình

Công việc của công nhân truyền tải gắn liền với những trụ điện cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh: Phạm Văn Bình

Công việc hàng ngày của những công nhân truyền tải thường ở độ cao 30-50 m. Đặc biệt, vì đặc thù của truyền tải điện nên đa phần phải làm vào ban đêm. “Làm việc trong đêm ở những trụ điện cao chót vót tiềm ẩn nhiều rủi ro. Anh em đi làm bị ong làm tổ trên cao đốt nhiều lắm nhưng cũng phải chịu đựng hoặc cố gắng phòng bị từ trước. Đêm khuya, sương xuống khiến đường dây bị trơn trượt và gió mạnh nên dễ bị tuột tay. Không những vậy, làm việc ban đêm khiến cơ thể nhanh mất sức dẫn đến không an toàn”-anh Tiệp chia sẻ.

Truyền tải điện Gia Lai thuộc Công ty Truyền tải điện 3. Đơn vị đang quản lý vận hành hệ thống lưới truyền tải trải rộng trên toàn địa bàn tỉnh gồm: Trạm biến áp 500kV Pleiku có công suất lắp đặt 1.600 MVA, 10 cung đoạn đường dây 500 kV, 220 kV với chiều dài trên 600 km. Đơn vị vừa tiếp nhận quản lý vận hành thêm Trạm biến áp 500 kV Pleiku 2, trong đó, các xuất tuyến đường dây 220 kV kết nối với nước bạn Lào và Campuchia.

Ngoài những công việc có sự chuẩn bị trước để chủ động kiểm tra, bảo trì đường dây, những người lính truyền tải phải thường xuyên “trực chiến” để sẵn sàng ứng phó với những tình huống bất thường. Anh Tiệp trải lòng: “Những khi thiên tai, bão lũ hoặc ngay cả khi đang đón Tết, nhận được thông tin về sự cố là chúng tôi phải lên đường ngay. Nhiều khi đêm hôm, anh em miệt mài làm việc trên trụ điện giữa nơi hoang vắng rồi trở về lúc rạng sáng mà chẳng ai hay”.

Cho dòng điện vươn xa

Anh Trịnh Văn Hải-Trưởng ca vận hành Trạm biến áp 500 kV Pleiku 2-cho hay: “Đang mùa nắng nên nhu cầu sử dụng điện vào ban ngày rất cao. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh của các cơ sở điện năng lượng mặt trời, năng lượng gió tại các tỉnh Gia Lai, Đak Lak, Kon Tum khiến đường dây đi qua các địa phương này chịu tải cao vào ban ngày. Vào ban đêm, các cơ sở mới tạm nghỉ nên công suất truyền tải trên các đường dây giảm. Do đó, tranh thủ thời gian này, Truyền tải điện Gia Lai đã chủ động lập kế hoạch và đăng ký cắt điện đêm luân phiên các xuất tuyến đường dây 500 kV, 220 kV, các máy biến áp 500 kV để tập trung đẩy nhanh công tác sửa chữa, kiểm tra, bảo dưỡng, bảo trì thiết bị”.

Những công nhân truyền tải điện thường phải làm việc vào ban đêm. Ảnh: Lê Văn Ngọc

Những công nhân truyền tải điện thường phải làm việc vào ban đêm. Ảnh: Lê Văn Ngọc

Cũng theo anh Hải, hiện nay, những công nhân truyền tải điện phải làm việc hết công suất bởi đường dây phải mang tải cao trong thời gian dài cộng với diễn biến thời tiết bất lợi, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm lớn làm cho độ võng đường dây tăng, các điểm đấu nối tiếp xúc giảm gây phát sinh nhiệt cục bộ, cách điện của một số thiết bị giảm. Những bất thường này luôn tiềm ẩn nguy cơ có thể xảy ra sự cố nếu không được xử lý sớm.

Trao đổi với P.V, ông Đặng Đức Lý-Giám đốc Truyền tải điện Gia Lai-cho biết: “Do công việc mang tính chất đặc thù nên đơn vị phải đảm bảo an toàn cho công nhân. Trước thời điểm cắt điện, các thành viên của từng nhóm đã vận chuyển trang-thiết bị, vật dụng cần thiết đến hiện trường để sẵn sàng bắt tay vào thi công. Các nhóm phải nêu cao tinh thần tự giác, trách nhiệm cao với công việc, tin tưởng vào phương án thi công cũng như tay nghề của từng thành viên, từng nhóm; đồng thời, phát huy tính tập thể, tinh thần đoàn kết, làm việc khoa học, phối hợp nhịp nhàng. Công việc của công nhân truyền tải rất khó khăn, vất vả nhưng để các đường dây được đóng điện vận hành an toàn, tất cả đều cố gắng hoàn thành. Lãnh đạo đơn vị cũng thường xuyên động viên, khuyến khích kịp thời”.

LÊ VĂN NGỌC

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12381/202101/tham-lang-nghe-truyen-tai-dien-5717154/