Thăm làng Vân
Từ xưa, người dân Kinh Bắc đã truyền tụng câu ca dao: 'Thổ Hà gánh đất nặn nồi/Vạn Vân nấu rượu cho người ta mua'. Ở mảnh đất như bán đảo nhô ra sông Cầu này từ khi có những điểm tụ cư thành làng xóm đã định hướng vào ba mặt hoạt động kinh tế: nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp. Làng Vân là nơi sản xuất ra rượu đại trà ngon, thơm nổi tiếng gần xa. Làng Vân cũng là một trong rất ít những ngôi làng còn giữ được nhiều phong tục truyền thống tốt đẹp của làng quê Bắc Bộ xưa.
Làng Vân - tên chữ là Yên Viên hay An Viên thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Thời Lê, Yên Viên là lỵ sở của huyện Yên Viên, trấn Kinh Bắc, sau đó là của phủ Thiên Phúc. Vân là một làng cổ nằm trên bãi bồi rộng lớn của sông Cầu (còn gọi là sông Như Nguyệt). Làng Vân - Yên Viên cũng có nghĩa là khu vườn yên tĩnh được chạy dài hơn 1 km dọc theo sông Cầu. Phía bắc của làng có dãy núi Tiên Lát (Bổ Đà) chắn ngang từ tây sang đông. Dòng sông Cầu hiền hòa chảy từ Bắc xuống Nam bao quanh làng như một vành đai ngọc tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình.
Làng Vân được chia làm 5 xóm với 2 trục đường chính từ phía Bắc xuống phía Nam. Đó là hai con đường lát gạch ở giữa làng và trước làng, từ đó chia tỏa vào các ngõ xóm theo kiểu cài răng lược. Phía Nam Làng Vân giáp làng Thổ Hà nổi tiếng với nghề làm bánh tráng, bánh đa nem, phía Bắc gần dãy núi Tiên Lát, phía Đông là làng Quả Cảm của huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Vì ba mặt giáp sông nên muốn vào làng Vân đều phải đi qua một trong 3 bến đò ngang. Ở phía Đông sang làng Quả Cảm, phía Tây sang làng Đại Lâm, phía Nam qua làng Thổ Hà.
Ngoài nghề nấu rượu truyền thống vang danh khắp nơi còn sở hữu nhiều di sản văn hóa phi vật thể quý giá. Là một làng cổ, làng Vân có một mật độ di tích đình, đền, chùa dày đặc Chùa Vân - Diên Phúc tự được nằm ở khu trung tâm (phía trước) làng Vân. Chùa quay mặt về hướng tây, nhìn ra bến sông sang làng Đại Lâm (Yên Phong - Bắc Ninh). Theo tài liệu bia dựng chùa “Diên Phúc tự chung các điên bị ký” có niên đại Đức Long thất niên bát nguyệt - cốc nhật 1635 có ghi. Làng hiện còn nhiều công trình tôn giáo, tín ngưỡng đình, đền, chùa, văn chỉ, từ đường, hệ thống nhà cổ và nhiều văn hóa phi vật thể như phong tục tập quán, văn nghệ dân gian, văn hóa ẩm thực… Lễ hội vật cầu nước tổ chức vào ngày 12, 13, 14 tháng 4 âm lịch có từ thời Lý Nam Đế thế kỷ VI. Theo sự tích lưu truyền, sau khi đội quân của Đức Thánh Tam Giang chiến thắng quân xâm lược nhà Lương, Nhân dân địa phương đã mở hội ăn mừng chiến thắng. Hiện nay, làng vẫn lưu giữ lễ hội này và tổ chức 4 năm 1 lần.
Trong nghề nấu rượu, các cụ làng Vân kể rằng, người dân làng Vân truyền lại rằng: Vào năm Chính Hòa nhị thập tứ niên (1694), dân làng Vân được vua mời vào cung lĩnh sắc phong thần. Khi đi, làng có mang theo long đình, cờ lọng và ba mâm rượu do người làng Vân nấu để làm quà dâng Vua. Rồi rượu làng Vân đã được vua Lê chấp nhận gọi là “Mỹ Tửu”, từ đó làng Vân càng thêm nổi tiếng gần xa. Những câu ca dao về nghề nghiệp được lưu truyền trong dân gian chính là niềm tự hào pha chút kiêu hãnh của người làng Vân.
Với thương hiệu làng nghề nổi tiếng và bảo lưu nhiều phong tục tốt đẹp, người dân hiền hòa, mến khách và đặc biệt có ý thức bảo tồn truyền thống rất cao; làng có tiềm năng và điều kiện tốt để tương lai phát triển kinh tế, du lịch, văn hóa.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/dulich/202205/tham-lang-van-3117913/