Thăm Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa
Chuyến tàu của chúng tôi rẽ sóng đến đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vào một ngày gió lộng. Sóng bạc đầu táp vào mạn tàu, tung bọt trắng xóa. Mây giăng mờ khơi xa. Mặt nước xanh sẫm trải rộng đến tận chân trời. Từ xa, đảo hiện ra như một hòn ngọc xanh dịu trên tấm lụa biển mênh mông. Không ồn ã, Lý Sơn lặng thầm, như chính những câu chuyện mà nó đã cất giữ suốt bao thế kỷ.

Không gian nhà trưng bày
Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải là nơi tôi luôn muốn đến thăm nếu có dịp được đến Lý Sơn. Dọc con đường trồng bàng vuông đang vào mùa trổ hoa, từ xa, tượng đài những người lính Hoàng Sa đã hiện ra kiêu hùng. Khuôn viên nhà trưng bày chỉ rộng khoảng 400 m2, nằm trong trung tâm hành chính của huyện đảo Lý Sơn, nhưng không gian nơi đây như thấm đẫm sự thiêng liêng. Trước khi bước chân vào trong, chúng tôi dừng lại khá lâu trước tượng đài ba người lính Hoàng Sa. Bức tượng đá cao 4,5 m, nặng gần 40 tấn, ba gương mặt kiên cường hướng về biển Ðông, một cánh tay rắn rỏi chỉ thẳng ra khơi xa. Trên bệ tượng khắc đậm hai dòng chữ. Phía trước là: “Vạn lý Hoàng Sa”, một khẳng định đanh thép về chủ quyền. Phía sau là lời vua Minh Mạng từng phê trên chiếu chỉ năm 1836: “Bản quốc hải cương Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu”. Tôi đọc từng chữ, và trong lòng như có điều gì đó dâng lên nghẹn ngào. Một dòng máu đã chảy từ quá khứ đến hiện tại, xuyên qua từng bước chân, từng con sóng.
Nhà trưng bày được chia thành ba phòng, không cầu kỳ, không lộng lẫy. Nhưng từng bức tường, từng chiếc kệ, từng chiếc tủ kính đều lặng lẽ phát ra một thứ ánh sáng rất riêng - ánh sáng của thời gian, của tâm huyết, của linh hồn đảo. Ở phòng chính giữa, những hiện vật được sắp xếp khéo léo, vừa đủ để người xem đi chậm, ngắm kỹ. Tôi dừng lại rất lâu trước những bản đồ cổ in trên nền giấy ố vàng, nét chữ Hán nhạt màu theo năm tháng. Có bản đồ Việt Nam thể hiện rõ quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, có bản ghi chép thủy trình, có những mảnh giấy nhỏ ghi lại tên binh phu, ngày xuất phát. Mỗi bản đồ là một dấu ấn lịch sử. Mỗi nét vẽ như một nét chạm khắc chủ quyền lên đại dương. Kế bên là những chiếc ghe bầu, ghe câu thu nhỏ - những mô hình tái hiện phương tiện ra khơi của binh phu xưa. Không có tàu sắt, không động cơ, những chiếc ghe mong manh ấy đã từng đưa người Lý Sơn vượt hàng trăm hải lý ra Hoàng Sa. Tôi lặng người khi nghĩ đến những chuyến đi ấy, giữa sóng gió mù khơi, giữa biển cả hoang vắng. Không hải đồ hiện đại, không cứu hộ, chỉ có lòng can đảm và ý chí giữ gìn non nước. Góc trưng bày nhỏ hơn đặt các đồ dùng thiết yếu của binh phu: Ống tre đựng nước ngọt, rìu gỗ, dây thừng, dao mác, và cả những chiếc nón lá bạc màu thời gian. Một bảng ghi chú bên cạnh nói rằng, mỗi binh phu chỉ được mang theo vài món đồ cơ bản - phần còn lại là cầu nguyện và niềm tin. Ðứng giữa căn phòng, tôi ngước nhìn lên một bức ảnh lớn tái hiện lễ khao lề thế lính. Những cụ già áo dài khăn đóng, trước bàn thờ nghi ngút khói hương, lập hình nhân thế mạng - thay mặt cho người lính nhận lấy rủi ro, sóng gió. Cả đảo cầu mong những người ra đi sẽ bình yên trở về, dẫu biết… có thể là lần đi cuối. Có những hy sinh đã được chuẩn bị, cho cả người đi và người ở lại. Theo các ghi chép, họ là ngư dân của hai làng An Vĩnh và An Hải - những người con của Lý Sơn được tuyển chọn, mỗi năm đến tháng Ba âm lịch lại lên đường ra khơi, làm nhiệm vụ của quốc gia. Nhiều người không trở lại. Họ nằm lại giữa trùng khơi. Không mộ, không tên. Những ngôi mộ gió được dựng lên trên đảo, để người thân thắp hương tưởng nhớ. Những bài ca dao cất lên như tiếng khóc thương xuyên thế kỷ:
Hoàng Sa trời nước mênh mông
Người đi thì có mà không thấy về
Hoàng Sa mây nước bốn bề
Tháng Hai khao lề thế lính Hoàng Sa…
Tôi đứng lặng. Một cơn gió biển thổi qua. Mặn nơi khóe mắt. Hải đội Hoàng Sa kiêm Bắc Hải - những người lính không quân phục, không súng ống, nhưng lòng can trường thì sắt đá. Họ đi để vẽ bản đồ, đo thủy trình, khai thác sản vật, và trên hết là giữ lấy một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc giữa mênh mông đại dương. Họ là chứng nhân sống động cho chủ quyền biển đảo - không chỉ bằng giấy tờ mà bằng máu thịt, bằng linh hồn. Phòng trưng bày còn có một chiếc bàn thờ chung - nơi đặt bài vị không tên của các binh phu. Mùi trầm hương thoang thoảng. Có người khách đi trước tôi đã lặng lẽ đặt lên đó một bó hoa nhỏ. Không một lời, chỉ có cái cúi đầu rất sâu.
Ra phía sau, một thư viện nhỏ lưu giữ tài liệu nghiên cứu về chủ quyền biển, đảo. Ở phòng đầu hồi, những cán bộ bảo quản đang tỉ mẩn lau chùi từng vật phẩm, ghi chú tỉ mỉ từng thông tin. Tôi chợt nhận ra - những người gìn giữ nơi đây không chỉ làm một công việc hành chính, mà là đang tiếp nối mạch thiêng liêng từ những người binh phu năm xưa.
Chúng tôi rời khỏi nhà trưng bày khi mặt trời đã ngả về Tây. Gió vẫn thổi hun hút từ phía biển Ðông. Tượng ba người lính vẫn đứng lặng lẽ, như một điểm tựa của ý chí và lòng tin. Thì ra, có những vùng đất, không cần quá rộng lớn, không cần công trình đồ sộ, nhưng lại mang sức nặng của cả lịch sử. Có những ngôi nhà nhỏ, nhưng cất giữ linh hồn của biển, đảo quê hương. Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa là một nơi như thế. Ở đó, Tổ quốc không chỉ được nhìn bằng mắt, mà được chạm vào bằng trái tim. Tôi đã đến, đã được nghe, được thấy và tôi mang theo về đất liền, đặt vào trái tim mình một phần của Hoàng Sa, mãi thiêng liêng, bất tử.
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/tham-nha-trung-bay-hai-doi-hoang-sa-3180916.html