Thâm nhập mỏ cao lanh lậu núp bóng nhà máy gạch ở Lâm Đồng
Việc khai thác, sơ chế cao lanh nơi đây xảy ra ngang nhiên như chốn không người, trong thời gian dài.
Với "vỏ bọc" nhà máy sản xuất gạch không nung, một khu mỏ khai thác khoáng sản là cao lanh lậu trên quy mô lớn đã hình thành từ nhiều năm qua tại thôn Pâng Pung, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng). Thoạt nhìn, nhà máy gạch của Công ty TNHH gạch không nung Thiên Tự Phước (thôn Pâng Pung, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà) cũng như nhiều nhà máy sản xuất gạch khác trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Hằng ngày, một nhóm công nhân vẫn đều đặn ra vào, sản xuất gạch tại khu phân xưởng phía bên phải theo hướng đi vào nhà máy. Điều bất thường dễ dàng nhận thấy ở nhà máy gạch này là nhiều hecta đất phía sau các khu nhà xưởng đã bị cày xới, đào tung.
Không ít người lầm tưởng, các máy móc hằng ngày đang hoạt động rầm rộ, đào tung từng khoảnh, ăn sâu xuống lòng đất trong phạm vi quản lý, sử dụng của công ty này là để khai thác đất phục vụ sản xuất gạch. Thế nhưng, Công ty TNHH gạch không nung Thiên Tự Phước lại được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy phép cho sản xuất gạch không nung, tức là loại gạch không liên quan đến nguyên liệu bằng đất.
Để làm rõ những “bí ẩn” suốt nhiều năm qua bên trong nhà máy sản xuất gạch này, PV Báo CAND đã có thời gian dài tiếp cận hiện trường và phát hiện ra một sự thật bất ngờ: Đây là một khu mỏ quy mô lớn chuyên khai thác khoáng sản cao lanh lậu.
Băng qua dãy hàng rào kẽm gai ngăn ranh giữa đất của người dân sản xuất nông nghiệp và phần đất của Công ty TNHH gạch không nung Thiên Tự Phước, một điều dễ dàng nhận thấy là sự thay đổi trên bề mặt đất. Chỉ cách nhau ranh hàng rào kẽm gai, trong khi đất của người dân bề mặt bằng phẳng, tràn ngập hoa màu thì phần đất của công ty này lại bị máy móc đào bới, gây biến dạng địa hình trong thời gian dài và vẫn đang tiếp tục xảy ra. Dĩ nhiên, với việc đào bới, hất tung lòng đất lên như vậy, không có loại cây trồng nào có thể sinh sống được trên phần đất rộng mênh mông của Công ty TNHH gạch không nung Thiên Tự Phước.
Thời điểm PV Báo CAND tiếp cận hiện trường là một khu đất phía sau các nhà xưởng của Công ty TNHH gạch không nung Thiên Tự Phước, máy múc vẫn đang rầm rộ hoạt động, đào bóc lớp đất bề mặt gom thành từng đống cao. Cách bề mặt khoảng 10m, từng lớp đất xám trắng dần dần lộ diện. Đó là loại khoáng sản mang tên cao lanh. Cao lanh tại đây được máy múc đưa lên mặt đất, phơi khô sau đó vận chuyển đổ vào các dãy nhà xưởng để chờ công nhân sơ chế. Trong 3 dãy nhà xưởng của công ty này thì có tới hai dãy nhà đang được sử dụng để chứa và sơ chế cao lanh, chỉ một dãy còn lại là dùng để sản xuất gạch không nung.
Trong một khu nhà xưởng hình chữ L, có diện tích khoảng 1.500m2, các công nhân vẫn đang hối hả đóng cao lanh vào từng bao tải trong tiếng máy móc hoạt động hết công suất. Trước khi cao lanh được đóng cẩn thận vào từng bao, công nhân dùng máy múc hoặc xẻng chuyển loại khoáng sản này cho vào máy cơ giới, nghiền nát cao lanh thành dạng bột mịn.
Ở phía đầu ra, các công nhân nhanh nhẹn đóng thành từng bao rồi cho lên bàn cân. Mỗi bao cao lanh được đóng với trọng lượng 50kg. Kết thúc khâu này, từng bao cao lanh được hai người dùng hết sức lực hất lên băng chuyền, đẩy từng bao cao lanh chạy về phía tập kết cách nơi đặt máy nghiền từ 10-20m.
Thời điểm PV Báo CAND có mặt, cao lanh ở đây đang được đóng thành từng bao, chất đống ngăn nắp, cao tới hơn 5m trong xưởng, chỉ chờ xe đầu kéo tới chở đi tiêu thụ. Một công nhân đang sơ chế cao lanh cho biết, họ được người sử dụng lao động trả lương theo sản phẩm làm ra. Hằng ngày, công việc của những công nhân này xúc cao lanh thô đổ vào máy nghiền, đóng bao và xếp ngăn nắp trong kho.
Mỗi tấn cao lanh sau sơ chế được chủ trả 450.000 đồng. Cứ hai đến ba ngày, sẽ có xe vào chở cao lanh đi tiêu thụ. Mỗi xe chở khoảng 50 tấn cao lanh. Để làm đủ số cao lanh cho một xe (khoảng 50 tấn), 4 công nhân chỉ mất hơn một ngày.
Một số người dân sinh sống gần khu mỏ cao lanh lậu núp bóng nhà mày sản xuất gạch không nung này cho biết, hoạt động khai thác cao lanh ở đây đã xảy ra hơn 10 năm qua. Cao lanh thường được chở ra khỏi nhà máy sản xuất gạch này vào ban đêm, di chuyển ra quốc lộ 20, đi về hướng tỉnh Đồng Nai. “Có lần nhà tôi khoan giếng bị lở, phải vào trong đó mua với giá 50.000 đồng/bao, nhồi xuống lỗ khoan để chống sạt lở!..”, một phụ nữ ngoài 60 tuổi nhà gần mỏ cao lanh lậu này cho biết.
Theo các công nhân sơ chế cao lanh cho Công ty TNHH gạch không nung Thiên Tự Phước, cao lanh được khai thác ở đây đã xuất bán cho một doanh nghiệp sản xuất phân bón nổi tiếng ở Việt Nam có địa chỉ tại TP Hồ Chí Minh.
Theo Sở TNMT tỉnh Lâm Đồng, Công ty TNHH gạch không nung Thiên Tự Phước không được cơ quan chức năng cấp quyền khai thác khoáng sản là cao lanh mà chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà máy sản xuất gạch không nung tại thôn Pâng Pung, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà. Trước đây, vào năm 2010, UBND tỉnh Lâm Đồng có cấp giấy phép tận thu khoáng sản cho Công ty TNHH Thiên Tự Phước khai thác tận thu sét cao lanh và sét.
Tuy nhiên, ngày 6/12/2013, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản trên của công ty này. Lý do là giấy phép đã hết hạn và không đủ điều kiện ra hạn. UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã yêu cầu công ty trên di dời toàn bộ tài sản ra khỏi khu vực khai thác khoáng sản, thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác theo dự án cải tạo.
Ngày 10/9/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng có quyết định xử phạt hành chính Công ty TNHH gạch không nung Thiên Tự Phước với số tiền 90 triệu đồng về hành vi tự ý chuyển đất nông nghiệp trồng cây hàng năm sang đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị tại thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.