Thẩm quyền phong, thăng, giáng cấp bậc quân hàm hạ sĩ quan, binh sĩ được quy định như thế nào?
* Hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, thẩm quyền phong, thăng, giáng cấp bậc quân hàm hạ sĩ quan, binh sĩ được quy định như thế nào?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 5 Thông tư số 07/2016/TT-BQP ngày 26-1-2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Cụ thể như sau:
1. Phong cấp bậc Binh nhì:
a) Trung đoàn trưởng, Lữ đoàn trưởng và các chức vụ tương đương quyết định phong cấp bậc Binh nhì đối với quân nhân thuộc quyền;
b) Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương (sau đây gọi chung là Chỉ huy trưởng Ban CHQS cấp huyện) quyết định phong quân hàm Binh nhì đối với công dân đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân (QĐND) đã được sắp xếp, bổ nhiệm vào đơn vị dự bị động viên.
2. Thăng, giáng cấp bậc quân hàm đối với hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ:
a) Tiểu đoàn trưởng và các chức vụ tương đương quyết định thăng cấp bậc Binh nhất đối với binh sĩ thuộc quyền;
b) Trung đoàn trưởng, Lữ đoàn trưởng và các chức vụ tương đương quyết định thăng, giáng cấp bậc đến Trung sĩ đối với hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc quyền;
c) Sư đoàn trưởng và các chức vụ tương đương quyết định thăng, giáng cấp bậc quân hàm đến Thượng sĩ đối với hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc quyền.
3. Trường hợp hạ sĩ quan, binh sĩ vi phạm kỷ luật, nếu không còn đủ tư cách quân nhân thì kỷ luật tước danh hiệu quân nhân theo quy định của Điều lệnh Quản lý bộ đội QĐND Việt Nam.
4. Thăng, giáng cấp bậc quân hàm đối với hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị:
a) Chỉ huy trưởng Ban CHQS cấp huyện quyết định thăng, giáng cấp bậc quân hàm đến Trung sĩ đối với hạ sĩ quan, binh sĩ đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị của QĐND Việt Nam đã được sắp xếp, bổ nhiệm vào đơn vị dự bị động viên.
b) Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh quyết định thăng, giáng cấp bậc quân hàm Thượng sĩ đối với hạ sĩ quan, binh sĩ đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị của QĐND Việt Nam đã được sắp xếp, bổ nhiệm vào đơn vị dự bị động viên.
* Hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, việc công bố quyết định kỷ luật được quy định như thế nào?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 52 Thông tư số 143/2023/TT-BQP ngày 27-12-2023 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định xử lý kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Cụ thể như sau:
1. Căn cứ vào đối tượng, tính chất vi phạm, hình thức kỷ luật để sau khi có quyết định kỷ luật, người chỉ huy tập hợp đơn vị hay chỉ riêng cán bộ công bố quyết định hoặc gửi thông báo cho cơ quan, đơn vị liên quan và quy định phạm vi phổ biến. Phải ghi vào lý lịch nếu bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên.
2. Trường hợp bị kỷ luật tước danh hiệu quân nhân, buộc thôi việc thì sau khi công bố quyết định kỷ luật; chỉ huy đơn vị quản lý quân nhân, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên phải cử cán bộ đưa quân nhân vi phạm kỷ luật cùng toàn bộ hồ sơ có liên quan bàn giao cho cơ quan quân sự cấp huyện; công chức, công nhân và viên chức quốc phòng bàn giao cho UBND cấp xã, phường, thị trấn nơi cư trú (trừ trường hợp đào ngũ không trở lại đơn vị hoặc bị tòa án tuyên án phạt tù).
3. Trường hợp quân nhân đào ngũ bị xử lý kỷ luật vắng mặt, đơn vị gửi văn bản đến UBND cấp xã, phường, thị trấn, cơ quan quân sự cấp huyện nơi quân nhân cư trú và gia đình quân nhân thông báo hình thức xử lý và yêu cầu quân nhân vi phạm trở lại đơn vị. Nếu sau 30 ngày, kể từ ngày thông báo mà quân nhân vi phạm không trở lại đơn vị công tác hoặc chưa đến 30 ngày, quân nhân trở về đơn vị nhưng sau đó tiếp tục bỏ đơn vị từ 2 (hai) lần trở lên mà không được cấp có thẩm quyền cho phép thì bị coi là đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm.