Thẩm quyền xét xử án hành chính của các cấp tòa theo luật mới

Luật Tố tụng hành chính 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2025) có nhiều nội dung mới về giám đốc việc xét xử, thẩm quyền giải quyết khiếu kiện và cơ chế giám đốc thẩm, tái thẩm theo mô hình tòa án 3 cấp.

TAND Tối cao vừa ban hành Công văn quán triệt thực hiện các quy định mới của luật, nghị quyết, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9.

Theo công văn, Luật Tố tụng hành chính 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2025) được điều chỉnh theo hướng phù hợp với mô hình tổ chức mới của hệ thống tòa án, tăng cường hiệu lực giám đốc việc xét xử và làm rõ thẩm quyền của từng cấp tòa.

Đồng thời, mở rộng phạm vi giải quyết khiếu kiện hành chính và quy định cụ thể về cơ chế kháng nghị, tái thẩm tại từng cấp xét xử.

 TAND Tối cao.

TAND Tối cao.

Giám đốc việc xét xử, mở rộng thẩm quyền giải quyết khiếu kiện

Theo quy định mới, TAND Tối cao giám đốc việc xét xử của các tòa án; TAND cấp tỉnh giám đốc việc xét xử của TAND khu vực thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ để bảo đảm việc áp dụng pháp luật nghiêm chỉnh và thống nhất (Điều 24).

Sửa đổi, bổ sung khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ dưới Thứ trưởng và dưới tương đương Thứ trưởng (khoản 2 Điều 30).

Thẩm quyền của từng cấp tòa án

TAND khu vực: Có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm thuộc thẩm quyền đối với tất cả các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ thì Tòa Sở hữu trí tuệ TAND khu vực có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm (khoản 8 Điều 31).

Chánh án TAND khu vực có quyền: Kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh trở xuống; báo cáo Chánh án TAND cấp tỉnh đề nghị Chánh án TAND Tối cao kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước ở trung ương.

Kiến nghị Chánh án TAND cấp tỉnh hoặc Chánh án TAND Tối cao xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật nếu phát hiện có căn cứ theo quy định của luật.

TAND cấp tỉnh: Có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ án mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của TAND khu vực bị kháng cáo, kháng nghị. Giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND khu vực nhưng bị kháng nghị theo quy định của luật.

Chánh án TAND cấp tỉnh có thẩm quyền: Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND khu vực trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ. Xem xét, quyết định việc tổ chức xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND khu vực bị kháng nghị. Giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giữa các TAND khu vực trong cùng một tỉnh, thành phố;

Chánh án TAND cấp tỉnh cũng có thẩm quyền thay đổi Thẩm phán là Chánh án TAND khu vực trong quá trình giải quyết vụ án; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh trở xuống; đề nghị Chánh án TAND tối cao kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước ở trung ương.

Ủy ban Thẩm phán TAND cấp tỉnh có thẩm quyền: Giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND khu vực trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị; xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm toàn thể Ủy ban Thẩm phán TAND cấp tỉnh.

TAND Tối cao: Có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm toàn bộ vụ án trong trường hợp bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật về cùng một vụ án hành chính cùng thuộc thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm của TAND cấp tỉnh và TAND Tối cao.

Chánh án TAND Tối cao có thẩm quyền: Giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giữa các TAND khu vực thuộc các tỉnh, thành phố khác nhau; giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giữa các TAND cấp tỉnh; quyết định việc thay đổi Thẩm phán là Chánh án TAND cấp tỉnh trong quá trình giải quyết vụ án.

Thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm của HĐTP TAND Tối cao

Hội đồng Thẩm phán (HĐTP) TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm năm Thẩm phán đối với bản án, quyết định của TAND cấp tỉnh bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; quyết định của Hội đồng xét xử phải được tất cả thành viên tham gia Hội đồng biểu quyết tán thành;

Toàn thể HĐTP TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án cấp tỉnh bị kháng nghị nhưng có tính chất phức tạp; hoặc bản án, quyết định đã được HĐTP TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm năm Thẩm phán nhưng không đạt được sự thống nhất khi biểu quyết thông qua quyết định về việc giải quyết vụ án;

Phiên tòa xét xử của toàn thể HĐTP TAND tối cao phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia; quyết định của Hội đồng Thẩm phán phải được quá nửa tổng số thành viên Hội đồng Thẩm phán biểu quyết tán thành.

HUỲNH THƠ

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/tham-quyen-xet-xu-an-hanh-chinh-cua-cac-cap-toa-theo-luat-moi-post859786.html