Cơ cấu tổ chức, hoạt động của Viện Công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm
Viện Công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm giữ vai trò là cấp trên trực tiếp trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử đối với VKSND cấp tỉnh và cấp khu vực.
Vị trí, chức năng của Viện Công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm
Viện Công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm là đơn vị nghiệp vụ trực thuộc VKSND tối cao, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng. Đơn vị này giữ vai trò là cấp trên trực tiếp trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử đối với VKSND cấp tỉnh và cấp khu vực.
Theo quy định của Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi năm 2025) và Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi năm 2025), Viện Công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong các vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa phúc thẩm TAND tối cao.
Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể
Trên cơ sở các Quyết định số 339/QĐ-VKSTC, Quyết định số 340/QĐ-VKSTC và Quyết định 341/QĐ-VKSTC ngày 27/6/2025 của Viện trưởng VKSND tối cao,Viện Công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm được giao các nhiệm vụ, quyền hạn trọng yếu, bao gồm: Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp tại các phiên tòa phúc thẩm thuộc thẩm quyền của Tòa phúc thẩm TAND tối cao; Kiểm sát các bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh, phát hiện sai phạm để kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm; Báo cáo, đề xuất kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với các bản án, quyết định phúc thẩm có vi phạm nghiêm trọng hoặc xuất hiện tình tiết mới; Tổng hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý nhà nước thông qua công tác công tố và kiểm sát, kiến nghị biện pháp khắc phục tới Chánh án TAND tối cao và cơ quan liên quan; chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ; kiểm tra, giải quyết khiếu nại và tổ chức rút kinh nghiệm đối với VKS cấp tỉnh.

Trụ sở Viện Công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm tại TP HCM.
Nguyên tắc tổ chức và hoạt động
Viện Công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm hoạt động dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Viện trưởng VKSND tối cao, tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật và quy chế Ngành. Tất cả cán bộ, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và người lao động trong đơn vị đều phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Nguyên tắc hoạt động được xác lập trên cơ sở: Bảo đảm trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết công việc đúng quy định; Phát huy năng lực cán bộ, tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin trong công tác; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch và hiệu quả trong mọi hoạt động chuyên môn.
Cơ cấu tổ chức bộ máy
Theo các Quyết định tổ chức ngày 27/6/2025, Viện Công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm gồm 3 đơn vị: Viện phúc thẩm 1 tại Hà Nội; Viện phúc thẩm 2 tại Đà Nẵng; Viện phúc thẩm 3 tại TP Hồ Chí Minh.
Mỗi Viện phúc thẩm có cơ cấu tổ chức gồm Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và công chức chuyên trách. Ngoài ra, mỗi Viện đều có Văn phòng nghiệp vụ tương đương cấp phòng, bảo đảm hoạt động hành chính và chuyên môn được triển khai hiệu quả.
Sự ra đời và vận hành của Viện Công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc kiện toàn tổ chức, tăng cường hiệu quả công tác kiểm sát hoạt động tư pháp. Với chức năng và nhiệm vụ rõ ràng, đơn vị này hứa hẹn sẽ góp phần tích cực vào việc bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa, tăng cường niềm tin của nhân dân vào nền tư pháp nước nhà.